Tranh luận

Trang chủ » » Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trở thành bài toán khó

Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trở thành bài toán khó

13/03/2017

Chuyên mục: Tranh luận In trang

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 98 % tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp vừa chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 29,6% và còn lại 68,2% là siêu nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, khối này vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhân dịp này, Vietnam Report có bài phỏng vấn với T.S Nguyễn Trí Hiếu về chủ đề tăng trưởng nền kinh tế cùng các chính sách hỗ trợ DNVVN trong thời gian tới.

  1. Trước tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước có nhiều biến động, ông đánh giá như thế nào về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017. Theo ông, xu hướng kinh tế nào sẽ là chủ đạo?

Chính phủ đề ra mục tiêu kinh tế là 6,7%, đây là mục tiêu hơi cao so với năm 2016 vì năm 2015, GDP tăng trưởng khoảng 6,8%, sang năm 2016 xuống còn 6,3% thì trong thời gian tới, nền kinh tế có thể xảy ra kịch bản tiếp bước đà suy thoái của năm 2016 khiến cho tăng trưởng sụt giảm. Nếu biến động của nền kinh tế toàn cầu tác động toàn bộ đến Việt Nam thì Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thử thách trong năm nay. Theo nhận định cẩn trọng của tôi thì nhiệm vụ này có thể đạt được nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, bên cạnh tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp, không quá 4% và hai mục tiêu này có thể đối kháng nhau trong ngắn hạn. Trong thời gian tới, hội nhập kinh tế thế giới sẽ là xu hướng và con đường duy nhất, trước bối cảnh Việt Nam không thể rời xa nền kinh tế toàn cầu. Điều này yêu cầu nền kinh tế Việt Nam phải có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, và đặc biệt Việt Nam phải đẩy mạnh xuất khẩu do nền kinh tế của ta phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu cùng với các mặt hàng chủ đạo là nông, lâm, hải sản hay các sản phẩm tiêu dùng, các sản phẩm công nghiệp như là dầu hỏa…

  1. Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vẫn bị xem là yếu thế và dần bị chèn ép bởi doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân nhiều vốn, ông có đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới không?

DNVVN là một đề tài kinh tế được quan tâm không phải chỉ ở Việt Nam mà ở còn nhiều quốc gia khác trên thế giới. DNVVN được coi là “mầm non” của cả nền kinh tế nên việc hỗ trợ các DNVVN, đặc biệt là các DN khởi nghiệp trở nên hết sức quan trọng, tuy nhiên đây cũng là khu vực kinh tế chứa đựng nhiều rủi ro. Trên thực tế, có đến 90% doanh nghiệp phá sản trong vòng từ 3-5 năm đầu hoạt động, chứng tỏ việc DNVVN mọc lên rất nhanh nhưng rút khỏi thị trường cũng rất nhanh, lý do nằm ở chỗ các doanh nghiệp này gặp thiếu thốn về vốn, về thị trường tiêu thụ, đồng thời quản lý còn thiếu sót và lỏng lẻo. Chính vì mức độ rủi ro ở khối doanh nghiệp này khiến cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp trở thành bài toán khó.

Về nguồn vốn, có nhiều DNVVN gặp thất bại do thiếu đi nguồn vốn để trụ lại trên thị trường. Vậy thì để DNVVN có đủ sức tồn tại thì cần đến sự hỗ trợ của các ngân hàng, cần có các chương trình hỗ trợ DNVVN, DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, đứng về phía ngân hàng, ngân hàng cũng phải quản lý vốn vay và rủi ro thật tốt. Chính vì vậy, tôi đề nghị phải xem xét việc sử dụng Quỹ bảo lãnh tín dụng một cách hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại, một số địa phương đã có những Quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng lại hoạt động không hiệu quả, nguyên nhân là vì vốn điều lệ của các Quỹ này ở mức thấp, ngoài ra điều kiện bảo lãnh các Quỹ này đặt ra còn khắt khe hơn cả ngân hàng. Do đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng cần được nâng cấp, thông qua việc nâng vốn điều lệ đồng thời các quy trình, quy định về bảo lãnh phải thông thoáng hơn các điều kiện phía ngân hàng thì mới có thể hỗ trợ được doanh nghiệp. Ngoài ra, tôi cũng đề xuất học hỏi mô hình như ở bên Mỹ, Quỹ bảo lãnh tín dụng được Quốc hội phê chuẩn một phần ngân sách mỗi năm và họ dùng ngân sách đó để dùng Quỹ bảo lãnh và xem đó là chi phí hỗ trợ của Chính phủ. Điều này khác với mô hình ở Việt Nam, coi Quỹ bảo lãnh là đồng vốn phải được sử dụng một cách hiệu quả và không được làm thất thoát khiến cho việc bảo lãnh trở nên khó khăn.

  1. Năm 2017 là năm có ý nghĩa quan trọng, được đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp. Vậy ở góc độ chính sách về lãi suất, ngân hàng, ông có đề xuất như thế nào để tạo động lực hoàn thành mục tiêu nhanh chóng, thưa ông?

Đối với các DNVVN phải cho vay với lãi suất thấp nhưng trước tình hình hiện nay, theo tôi nhìn nhận thì trong năm 2017 khả năng lãi suất tăng sẽ cao hơn khả năng lãi suất giảm, mà ngay tại thời điểm hiện tại, lãi suất đã đang ở mức rất cao. Vì vậy điều kiện tài chính năm 2017 có thể sẽ không thuận lợi cho các DNVVN về mặt lãi suất cũng như cho vay. Trong trường hợp ngân hàng muốn cho các DN khởi nghiệp cho vay trong tình hình khó khăn này thì lãi suất cho vay phải ở mức cao hơn, điều này gây ra tình trạng đối nghịch với chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ với doanh nghiệp. Có lẽ để giải được bài toán khó này, Chính phủ phải có một kế hoạch tài khóa, phát hành trái phiếu và huy động tiền từ nền kinh tế và có những chương trình tái cấp vốn cho các ngân hàng với lãi suất rất thấp để các ngân hàng dùng nguồn vốn này tài trợ cho các DNVVN.

  1. Theo nhận định của ông thì ngành kinh tế nào sẽ có triển vọng tăng trưởng nhất trong năm nay?

Nhìn chung, một số ngành nghề có khả năng phát triển tốt trong thời gian tới là các ngành liên quan đến hoạt động xuất khẩu – lực lượng kinh tế chủ đạo của nền kinh tế VN như xuất khẩu hàng tiêu dùng, nông thủy sản, hàng công nghệ cao, dầu hỏa... Đây là những ngành hàng có thể đầu tư giúp phát triển nền kinh tế tốt. Ngoài ra, một số ngành như ngành xây dựng, logistics cũng là những ngành có triển vọng tăng trưởng cao, nhất là trong thời kì đất nước phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chú ý giảm thiểu những ngành nghề làm thiệt hại đến môi trường, những ngành gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500- Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2017, được tổ chức ngày 12/4/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thành phố Hà Nội.

Vietnam Report

  




;

Văn bản gốc


;