Tin tức

Trang chủ » » Chia cả nước thành 7 vùng: Đổi mới và đột phá, tất cả đồng ý

Chia cả nước thành 7 vùng: Đổi mới và đột phá, tất cả đồng ý

07/01/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay.

Đó là vùng Đông Bắc (7 tỉnh): Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.

Vùng Tây Bắc (7 tỉnh): Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

Vùng Đồng bằng Sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Vùng Bắc Trung Bộ (gồm 5 tỉnh): Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Vùng Nam Trung Bộ (duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên) gồm 11 tỉnh/thành phố gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Vùng Đông Nam Bộ gồm 9 tỉnh/thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long gồm 13 tỉnh/thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ưu điểm của phương án phân vùng như trên là có tính đến các yếu tố thị trường trong việc phân vùng, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội,... ; khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài. Như vậy, quy mô vùng vừa phải, khoảng cách giữa các địa phương trong vùng không quá lớn, thuận lợi cho việc hợp tác, quản lý phát triển.

Còn phương án 6 vùng hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng “đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử” nhưng có nhiều nhược điểm.

Chẳng hạn, Vùng trung du miền núi là vùng núi cao nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa Đông Bắc và Tây Bắc; hạn chế trong việc triển khai thực hiện các chính sách quản lý của nhà nước đối với các tỉnh trong vùng do có sự khác biệt giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Tương tự, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là dải đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, kéo dài hơn 1.300 km. Sự liên kết/hợp tác về phát triển kinh tế giữa các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An với các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận hoàn toàn không có...

Như vậy, so với phương án 6 vùng như hiện nay, thì tại phương án 7 vùng kinh tế xã hội, có vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đồng Bằng Sông Cửu Long là giữ nguyên. Còn vùng Trung du miền núi phía Bắc tách thành 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị.

Nhập các tỉnh Lâm Đồng (của Tây Nguyên), Bình Thuận, Ninh Thuận ở duyên hải Nam Trung Bộ vào vùng Đông Nam Bộ hiện nay.

Thành lập vùng Nam Trung Bộ bao gồm: Thừa Thiên Huế, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).

Việc phân vùng thành 7 vùng này là để phục vụ lập quy hoạch vùng cho giai đoạn 2021-2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc phân thành 7 vùng là phương án “có tính đổi mới và đột phá” và là “phương án được phần lớn các bộ, ngành địa phương đồng ý”.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về phương án phân vùng đề xuất cho giai đoạn 2021-2030 theo phương án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Vietnamnet

  




;

Văn bản gốc


;