Tin tức

Trang chủ » » Cơ hội hóa rồng của Việt Nam gắn liền với cách mạng 4.0

Cơ hội hóa rồng của Việt Nam gắn liền với cách mạng 4.0

08/05/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Với sự xuất hiện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là nơi các doanh nghiệp đưa ra đóng góp nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Doanh nghiệp công nghệ là "chìa khóa" để Việt nam thành nước có thu nhập cao
 
Trong hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, tốc độ cao, góp phần giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm, thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội.
 
Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong những năm qua chủ yếu theo bề rộng, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng thấp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa còn thấp, năng suất lao động còn chưa cao ....
 
Trong khu vực, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã trở thành những con rồng châu Á, những cường quốc thế giới chỉ trong khoảng vài thập kỷ gần đây khi dựa vào phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông. Các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ như Sony, Toshiba, Samsung, LG, Foxconn… đã đi đầu trong việc phát triển nhiều công nghệ mới của thế giới, qua đó thể hiện sức mạnh kinh tế của các quốc gia này.
 
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, cơ hội hóa rồng của Việt Nam đang đến với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tàng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT, lĩnh vực mà người Việt có nhiều tiềm năng. Vì vậy, ứng dụng và phát triển công nghệ nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ với số lượng lên tới con số 100.000 sẽ là một trong những giải pháp đột phá để đưa Việt nam thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
 
Với lý do đó, vào ngày 9/5, Bộ TT&TT sẽ tổ chức Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường" cùng khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam". Đây là nơi tập hợp của khoảng 1.000 đại biểu gồm hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
 
Đáng chú ý, sự kiện còn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Người đứng đầu Chính phủ sẽ lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng từ cộng đồng doanh nghiệp, từ đó đưa ra phương án nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
 
Hướng tới mục tiêu “Make in Vietnam”
 
Được biết, tại diễn đàn này, các chuyên gia đến từ những doanh nghiệp, tổ chức chuyên về công nghệ sẽ cùng chia sẻ về thực trạng ứng dụng và phát triển các công nghệ Việt để giải quyết bài toán của Việt Nam. Có thể kể đến như sản xuất kinh doanh cần giải pháp công nghệ như thế nào; Bài học thành công của các doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng trên thế giới áp dụng vào Việt Nam ra sao; Thay đổi mô hình hoạt động, quản trị ra sao để đem lại hiệu quả cao ...
Với sự góp mặt của các chuyên gia Hàn Quốc, ADB Việt Nam và Đại học Fulbright, doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ có cơ hội lắng nghe những kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ.
 
Không những vậy, diễn đàn còn là nơi kết nối doanh nghiệp công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, y tế, dịch vụ công ... Các tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình.
 
Nói về diễn đàn này, CEO VCCorp Nguyễn Thế Tân cho rằng đây là cơ hội rất đáng quý để cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp công nghệ trong nước cùng ngồi lại nhằm tìm giải pháp hướng tới xây dựng sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” để chúng ta sở hữu, làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm của mình, sau đó mang sản phẩm của doanh nghiệp mình ra nước ngoài kinh doanh.
 
Không ít các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam có tiền vốn, có nhân sự chất lượng, nếu được tạo điều kiện từ phía Chính phủ cũng như cơ hội kinh doanh, họ sẵn sàng "chơi tất tay". Việc kinh doanh có thể lãi hoặc lỗ, nhưng khi có sự hỗ trợ đầy đủ về mặt chính sách, chắc chắn doanh nghiệp sẽ đổ công, đổ sức để làm, ông Tân khẳng định.
 
CEO của VCCorp cũng chỉ ra rằng, nếu nhìn sang các quốc gia rất mạnh về CNTT trên thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ, có thể thấy rất nhiều điểm tương đồng mà Việt Nam có thể học hỏi. Đó là chiến lược sử dụng lực lượng CNTT để tạo ra các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, sau khi có sức cạnh tranh sẽ phát triển ra ngoài biên giới quốc gia. Như Trung Quốc, hiện tại thế giới có công nghệ mới gì họ đều có công nghệ tương ứng để phục vụ người dân trong nước.
 
Trong kỷ nguyên số, doanh nghiệp công nghệ quốc tế có nội dung, có phần mềm, có công nghệ xuyên biên giới vào Việt Nam rất dễ dàng, do đó nếu doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh tương tự thì chúng ta cũng có thể làm điều tương tự để xuyên ngược biên giới ra bên ngoài.
Hà Thanh
Theo Kinh tế đô thị 
  




;

Văn bản gốc


;