Tranh luận

Trang chủ » » Doanh nghiệp: Phát triển bền vững cần phải có cả một quá trình

Doanh nghiệp: Phát triển bền vững cần phải có cả một quá trình

28/03/2017

Chuyên mục: Tranh luận In trang

Trong tình hình kinh tế nước ta còn có nhiều khó khăn, các DN nội địa phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ cho nên phần lớn cố gắng vượt khó để tồn tại và cố gắng vươn lên như được nhiều đơn hàng hơn để có doanh thu cao hơn, thu nhập lớn hơn trước, có đóng góp nghĩa vụ thuế ở mức độ nhất định. Vietnam Report đã có một bài phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Quang Thái để cùng nhận định chi tiết hơn về vấn đề này.

GS đánh giá như thế nào về thực trạng tăng trưởng và phát triển bền vững của nước ta trong giai đoạn hiện nay?

Kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian qua đã có những bước phát triển, đạt được kết quả nhất định trong điều kiện khó khăn cực lớn. Trong năm vừa qua đất nước đã gặp những khó khăn rất lớn. Trước hết đây là năm mở đầu nhiệm kỳ mới ở tất cả các cấp, các ngành của hệ thống chính trị nên quá trình chuyển đổi cũng gây khó khăn nhất định trong điều hành KTXH. Năm qua cũng đánh dấu những tác động lớn về diễn biến bất thường về thời tiết, khí hậu, bao gồm rét, hạn, lũ lụt, xâm nhập mặn...  Nền kinh tế của chúng ta đã phải vượt khó khăn chưa từng có như thảm họa Formosa. Về điều kiện quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung ở các nước không được mạnh, khôi phục với tốc độ không đều. Ngay Trung Quốc là đất nước có tốc độ tăng trưởng cao liên tục nhiều năm thì năm vừa qua cũng tăng tương đối thấp, chỉ được 6,7%.

Trong bối cảnh khó khăn đó, kinh tế nước ta đã đạt một số thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt nhờ môi trường đầu tư được cải thiện rõ, nhất là các Nghị quyết 19 ba năm liên tiếp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Nghị quyết 35 về khuyến khích phát triển doanh nghiệp và sự nỗ lực của Chính Phủ theo hướng Chính Phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực. Số doanh nghiệp mới được thành lập đã vượt con số 110 nghìn doanh nghiệp, cho ta một sự khởi sắc mới của khu vực kinh tế tư nhân. Một số lĩnh vực kinh tế liên quan đến công nghệ cao đã được phát triển, cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Trong điều kiện đó, nếu còn có 1-2 chỉ tiêu của năm 2016 không đạt được kế hoạch cũng là điều bình thường, nhất là về tốc độ tăng trưởng. Đồng thời, điều đó cho thấy những khó khăn cơ bản của nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục, nhiều chủ trương về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Trong các đột phá chiến lược thì ngành GTVT, viễn thông, điện lực đạt kết quả khá, nhưng trong phát triển nguồn nhân lực còn đạt kết quả khiêm tốn. Chính Phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thể chế, nhưng sự chuyển động của các ngành và một số địa phương còn chậm và không đều. Hệ quả là, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn chưa có chuyển biến như mong muốn, đòi hỏi phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Đặc biệt, nếu hiểu “phát triển bền vững” là bao gồm không chỉ kinh tế đi đôi với môi trường, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn các vấn đề xã hội, nhất là tạo việc làm cho người lao động có năng suất cao, khi nước ta đang ở giai đoạn dân số vàng, nếu không tạo ra được nhiều việc làm vô hình chung sẽ trở thành gánh nặng của nền kinh tế cho nên nó cũng phức tạp. Vì thế, Trung ương Đảng cũng như Quốc hội đã ra nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và giao nhiều nhiệm vụ cụ thể. Chính Phủ cũng đã ban hành chương trình hành động càng cụ thể hơn, hy vọng tạo được những chuyển biến trong thời kỳ trung hạn. Đồng thời, cần phải có cái nhìn chung dài hạn về xây dựng mô hình tăng trưởng mới, phải được đặt trên nền tảng tốt hơn, nguồn nhân lực tốt hơn và đặc biệt là ứng dụng KH-CN, với chất lượng mới của nguồn nhân lực phải cao hơn, thì điều này đòi hỏi trong thời gian tới chúng ta phải có những quyết tâm mạnh mẽ hơn.  

Một doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo được 3 phương diện chính: Tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp đóng góp vào tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; Đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội, chung tay bảo vệ môi trường. Theo GS đánh giá thì các DN hiện nay đã và đang giải quyết vấn đề phát triển bền vững như thế nào?

Trong tình hình kinh tế nước ta còn có nhiều khó khăn, các DN nội địa đa phần có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ cho nên phần lớn cố gắng vượt khó để tồn tại và cố gắng vươn lên như được nhiều đơn hàng hơn để có doanh thu cao hơn, thu nhập lớn hơn trước, có đóng góp nghĩa vụ thuế ở mức độ nhất định... Có thể nói, sự chú ý của DN đối với các vấn đề phát triển bền vững nói chung là chưa nhiều, hay phần nhiều chưa toàn diện. Tuy nhiên, một vài năm gần đây sự chuyển biến cũng có thể thấy được rõ rệt như Phòng thương mại và công nghiệp VCCI đã có thu thập thông tin về hàng trăm DN có kế hoạch liên quan đến phát triển bền vững và bước đầu đã có kết quả đáng ghi nhận. Báo cáo đánh giá của Vietnam Report cho thấy không những doanh nghiệp được điểm ra đã có doanh thu lớn, lợi nhuận cao và có đóng góp cho nhà nước nhiều hơn, mà còn tạo việc làm nhiều hơn, đặc biệt có sự chú ý nhất định đến các hoạt động thường xuyên về bảo vệ môi trường. Đó là sự kiện rất đáng khích lệ. Đồng thời, các nỗ lực của từng DN chỉ có thể đạt kết quả tốt hơn, nếu Nhà nước tạo điều kiện về môi trường kinh doanh tốt hơn để những nỗ lực của doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để thực hiện, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của cả nước.

Tuy nhiên, hiện đa số các DN Việt Nam là DNNVV. Theo GS, với tiềm lực tài chính hạn hẹp, kinh nghiệm ít… làm thế nào để các DNNVV có thể thực hiện tốt phát triển bền vững?

Thực ra nói về số lượng thì đúng là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 96% hoặc nhiều hơn, thế nhưng trong nước ta cũng có một số doanh nghiệp lớn, có hàng nghìn công nhân và số vốn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng… Phát triển bền vững không thể thực hiện được bằng hành động riêng lẻ của từng doanh nghiệp, mà cần có sự nối kết các hoạt động này, tạo nên sự đột phá về chất lượng phát triển trên phạm vi cả nước. Muốn đạt đến phát triển bền vững, mỗi doanh nghiệp cần tự thân vận động để vươn lên trong điều kiện mới, làm sản phẩm dịch vụ gì cũng cần tính đến chất lượng và hiệu quả để được thị trường chấp nhận. Từ đó mới có cơ sở để các doanh nghiệp liên kết với nhau tạo thành chuỗi để có thể bán hàng của mình từ nơi sản xuất theo yêu cầu thị trường, vươn ra thị trường nước ngoài. Đây là vấn đề rất hệ trọng bởi nếu không có sự liên kết với nhau sẽ không đủ sức cạnh tranh về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường... để có thể tham gia cạnh tranh bình đẳng trong môi trường hội nhập nhanh và sâu rộng. Đồng thời các DN trong nước cũng cần có liên kết với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, để có thể hướng đến nhu cầu của thị trường trên phạm vi rộng lớn hơn, không chỉ gói gọn trong địa phương, trong nước mà phải là thị trường toàn cầu. Như vậy doanh nghiệp mới “lớn” lên được.

Đồng thời Nhà nước cũng phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, trước hết là kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, làm cho các DN có niềm tin và điều kiện để đầu tư và phát triển kinh doanh. Hơn thế, Nhà nước có thể hỗ trợ thêm DN như tín dụng nay không chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước mà còn dành cho các thành phần kinh tế khác, miễn là lĩnh vực đầu tư vào làm ăn có hiệu quả hoặc có nhu cầu lớn về kinh tế. Một ví dụ làm các DN rất phấn chấn khi Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết Chính Phủ hỗ trợ cho đầu tư vào công nghệ cao trong nông nghiệp với số vốn lên tới cả 100 nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn. Vấn đề lúc này là các DN cần phân tích cụ thể thị trường và có kế hoạch kinh doanh cụ thể, khả thi và hiệu quả, kể cả liên kết với nhau để có điều kiện mở rộng kinh doanh và đầu tư.

Tuy nhiên, trong điều kiện quốc tế còn nhiều khó khăn, phải nói rằng hướng DN tới phát triển bền vững là cả một quá trình chứ không thể ngày một ngày hai làm ngay được. Về lâu dài, xu hướng cách mạng công nghệ, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, tăng cường kết nối với nhau để kinh doanh có hiệu quả trong điều kiện mới của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế… Khi đó, lại nổi lên vai trò của Chính Phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ người dân và doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

GS có đề xuất gì về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới?

Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp chỉ là một mặt của toàn bộ việc xây dựng thể chế kinh tế mới, thể chế kinh tế nhà nước kiến tạo và phát triển. Nhưng đó là điều kiện để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp tự thân vận động. Đến 2020 không chỉ có 1 triệu DN được đăng ký và hoạt động, mà cần hoạt động có chất lượng, hiệu quả, tiến sát các chỉ tiêu của DN phát triển bền vững. Chính phủ không thể “cầm tay chỉ việc” cho từng DN, nhưng tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh phải là ưu tiên hàng đầu. Chẳng hạn, đơn giản hóa hệ thống thủ tục hành chính như đóng thuế dễ dàng hơn, hải quan tạo thuận lợi hơn, vay vốn bình đẳng hơn, lãi suất hợp lý, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực… Từ năm 2016, Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN và ký nhiều Hiệp định tự do thương mại với các nước thì đó là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng các cơ quan Nhà nước cần có những hướng dẫn cụ thể để DN có điều kiện lựa chọn phương án kinh doanh. Với từng sự việc nhỏ, mọi người phải nỗ lực thực hiện ngày càng tốt hơn, tạo thuận lợi cho DN phát triển theo hướng phát triển bền vững.

Xin chân thành cám ơn GS. TSKH Nguyễn Quang Thái đã trả lời phỏng vấn!

Vietnam Report

  




;

Văn bản gốc


;