Tin tức

Trang chủ » » Giải pháp năng suất lao động thời đại 4.0: Tăng cường độ sâu vốn và công nghệ

Giải pháp năng suất lao động thời đại 4.0: Tăng cường độ sâu vốn và công nghệ

01/04/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Trong bối cảnh hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động xã hội là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Vai trò của năng suất lao động đã được khẳng định rõ ràng khi nền kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng, nhiều nước phát triển đã định hướng cách thức phục hồi nền kinh tế nhanh nhất là thông qua phát triển công nghệ và nâng cao năng suất lao động.

Nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nâng cao năng suất lao động được coi là vấn đề sống còn để phát triển bền vững và đuổi kịp các quốc gia đi trước.

Thông thường, năng suất lao động xã hội được tính bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chia cho số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Cùng số lao động đang làm việc, nếu GDP càng lớn thì năng suất lao động xã hội càng cao và ngược lại. Năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu thể hiện rõ ràng nhất năng lực, mô hình và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế là năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt, một xu hướng đáng lo ngại đang diễn ra là sự chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng. Với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh, bền vững và rất dễ rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình.

Riêng đối với các doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động còn là yếu tố then chốt quyết định đến khả năng cạnh tranh và sự trường tồn trên thị trường, là cơ sở để nâng cao doanh thu và lợi nhuận, từ đó tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động.

Thời gian qua, vấn đề năng suất lao động đã được Chính phủ và toàn xã hội đặc biệt quan tâm do đây là yếu tố tác động quan trọng tới năng lực cạnh tranh quốc gia và mức sống của người dân. Vấn đề đặt ra là nâng cao năng suất lao động như thế nào?

Nhiều ý kiến cho rằng, để cải thiện năng suất lao động quốc gia, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào ba yếu tố: vốn, công nghệ và con người.

Giải pháp nâng cao năng suất lao động thời đại 4.0

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, để nâng cao năng suất lao động, một trong những giải pháp nổi bật là tăng cường độ sâu vốn và công nghệ.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên hệ thống kết nối số hóa - vật lí - công nghệ sinh học, với sự đột phá của Internet và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ đến khối doanh nghiệp. Là quốc gia đang phát triển, việc tiếp cận những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Tăng cường độ sâu vốn và công nghệ là điểm mấu chốt, tỉ lệ thuận với kết quả năng suất lao động quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam đều nhận thức được lợi ích khi đầu tư công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng lại thường gặp khó khăn về vốn. Rõ ràng, nguồn lực tài chính phải được đầu tư có chiều sâu, dành cho những thiết bị có năng suất cao, đồng thời phải nâng cao trình độ quản lí, thúc đẩy hoạt động cải tiến năng suất trong doanh nghiệp.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp. Tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp rất có tiềm năng, một số doanh nghiệp đã áp dụng số hóa vào sản xuất kinh doanh từ giống, canh tác, thu hoạch, phân phối tiêu dùng… Ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 giảm thiểu sức lao động và tăng năng suất lao động trong chính các ngành vốn đang sử dụng rất nhiều lao động.

 Tiếp cận Nông nghiệp 4.0 là ứng dụng các thành tựu của Công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp để tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, dịch bệnh, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong từng khâu hay toàn bộ quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

 Trong lĩnh vực dịch vụ, ngành hàng không đã áp dụng ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo vào thực tế. Hàng triệu dữ liệu của động cơ máy bay đều có hệ thống phân tích và dự báo về tình hình hoạt động. Các hoạt động khác trong hệ thống như quản lí đặt chỗ, quản lí bán vé... cũng đã áp dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn (Big Data) để phục vụ khách hàng.

Khả năng thực thi nâng cao năng suất lao động thời đại 4.0 và những điều cần lưu ý

Bên cạnh những tác động tích cực, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt các doanh nghiệp Việt trước những nguy cơ, thách thức như việc tụt hậu về công nghệ, trình độ quản trị chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn ch

Một thách thức nghiêm trọng là lực lượng lao động hiện nay của Việt Nam có năng suất lao động không cao và chỉ tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung. Ở từng nhóm ngành cụ thể như các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo… vẫn đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút lao động.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report đã xác định một số chiến lược chính trong công tác xây dựng lực lượng lao động để thích ứng và gia tăng lợi nhuận trong thời đại kĩ thuật số bao gồm: Tự động hóa một số chức năng nhất định trong doanh nghiệp, Đào tạo chung cho lực lượng lao động về cách thức sử dụng dữ liệu, Xác định rõ những nhân viên có kĩ năng sử dụng các công cụ tự động hóa mới, Tăng cường sử dụng công nghệ vận hành từ xa, Đầu tư vào máy học (machine learning) và các công nghệ mới...

NHỮNG CHIẾN LƯỢC DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN ĐỂ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG NHẰM THÍCH ỨNG VÀ GIA TĂNG LỢI NHUẬN TRONG THỜI ĐẠI KĨ THUẬT SỐ (ĐƠN VỊ: %)

Mặt trái khác của Cách mạng công nghiệp 4.0 là có thể gây ra sự bất bình đẳng, phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải…

Xác định giải pháp nâng cao năng suất lao động trong thời đại 4.0 là tăng cường độ sâu vốn và công nghệ, Chính phủ có thể xem xét và thực hiện những chính sách hỗ trợ việc sớm áp dụng tự động hóa và đầu tư cho công nghệ tự động hóa và cơ sở hạ tầng kĩ thuật số. Đây chính là hướng tiếp cận chủ động đón đầu, tận dụng cơ hội có thể mang lại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho Việt Nam.

 Về phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, cần có chiến lược nâng cao năng suất lao động gắn với tăng cường độ sâu vốn và công nghệ. Doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào hoạt động đào tạo kĩ năng thời đại công nghệ số, giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp, trở thành “chìa khóa” cho tăng trưởng năng suất bền vững của công ty.

Để áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 thành công, hướng đến tăng năng suất lao động, đòi hỏi những thay đổi lớn trong thực tiễn tổ chức và cấu trúc doanh nghiệp. Những thay đổi này bao gồm các kiến trúc công nghệ thông tin và quản lí dữ liệu mới, các cách tiếp cận mới đối với việc tuân thủ luật lệ và thuế, các cấu trúc tổ chức mới, và quan trọng nhất là một nền văn hóa dựa trên điện số hóa mới, phải bao gồm phân tích dữ liệu như một năng lực cốt lõi của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc cách thức tổ chức lại lao động, trong đó chú trọng kết hợp tương tác giữa người lao động và người máy theo từng công đoạn sản xuất. Với những hoạt động lặp đi lặp lại, doanh nghiệp có thể sử dụng robot giúp tăng năng suất lao động, trong khi với nhiều hoạt động đòi hỏi sự tinh tế khéo léo, doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng người lao động.

Trong bối cảnh hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động xã hội chính là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao năng suất lao động không chỉ là nhiệm vụ của quốc gia, mà còn là trách nhiệm của từng đơn vị cá thể tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh. Để thúc đẩy chất lượng tăng trưởng năng suất, chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ, sử dụng sức lao động hiệu quả chính là những giải pháp tối ưu trong thời đại 4.0.

Vietnam Report

  




;

Văn bản gốc


;