Kinh tế - Tài chính

Trang chủ » » Mở rộng cánh cửa hội nhập thế giới?

Mở rộng cánh cửa hội nhập thế giới?

06/10/2016

Từ ngày 5-10, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (Việt Nam - EAEU) gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga và Kyrgyzstan chính thức có hiệu lực.

Theo đó, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, trong đó có sản phẩm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép, may mặc... Đồng thời, thuế suất đối với 30% mặt hàng khác sẽ được giảm dần về 0% trong giai đoạn quá độ. Đặc biệt, hơn 90% dòng thuế cho ngành thủy sản, dệt may, da giày đã đứng trước mốc thời hạn về 0%. Việt Nam sẽ có cơ hội đến với thị trường hơn 183 triệu dân.

Tuy nhiên, trước cánh cửa rộng mở của hội nhập thế giới, tất cả mặt hàng được cắt, giảm thuế đều là những mặt hàng Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao và có bề dày xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp các ngành hàng này đã sẵn sàng tâm thế để bật nhảy vào sân chơi lớn toàn cầu hay vẫn đang ở thế chạy đà?

EAEU được coi là hiệp định mang tính lịch sử, không chỉ vì Việt Nam là đối tác đầu tiên ký kết hiệp định này với Liên minh kinh tế Á-Âu, mà còn đem đến cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Theo tính toán của Ủy ban kinh tế Á-Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên 8-10 tỷ USD trong tương lai. Trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế.

Thực tế, để đón đầu những thành quả tốt đẹp do EAEU mang lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực chuẩn bị cho cơ hội xuất khẩu tiềm năng này, từ việc đàm phán các hợp đồng tới tăng cường tiếp cận thị trường. Trong số những mặt hàng tiềm năng và chủ lực của Việt Nam, thủy sản là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ EAEU. Trước đó, mức thuế của mặt hàng này vào khoảng 35%, nay giảm về 0%. Đây sẽ là lợi thế tạo thuận lợi cho ngành thủy sản Việt Nam vươn lên phát triển mạnh và có đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.

Mở ra cơ hội vàng với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, song EAEU cũng kèm theo không ít thách thức các doanh nghiệp phải đối mặt, đó là sự cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ phía Liên minh để có thể trụ vững trên sân nhà. Bài toán đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp Việt khắc phục hạn chế, chủ động khai thác tối đa lợi thế từ những điều khoản trong FTA với thị trường rộng lớn này. Bởi lẽ, thị trường EU không dễ tính, những đòi hỏi về chất lượng và mẫu mã cũng bắt đầu khắt khe hơn. Vì thế, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị tốt điều kiện hạ tầng, tuân thủ những quy định nghiêm ngặt cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa các nước. Cụ thể, cần nghiên cứu kỹ từng dòng thuế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ... Chẳng hạn, đối với thủy sản, EAEU và FTA quy định nguyên liệu phải có xuất xứ từ nội khối, nhưng với mặt hàng tôm, cá ngừ, Việt Nam lại được phép sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu và phải bảo đảm tỷ lệ nội địa trên 40%. Hay mặt hàng dệt may, Việt Nam đang rất thuận lợi về xuất xứ do theo nội dung hiệp định, áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn, tức chỉ có cắt và may, nhưng cái khó là mặt hàng này phụ thuộc vào thói quen của người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp dệt may cần chú ý để có những giải pháp mẫu mã hợp gu thị trường này, bởi không phải có thuận lợi về thuế, giá là chiếm lĩnh được ngay thị trường.

Có thể nói EAEU là FTA thế hệ mới mở ra khu vực thị trường rộng lớn với 27 nước. Do đó, cần phải đánh giá kỹ tác dụng của hiệp định này trên từng ngành hàng cụ thể. Các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét kỹ các mặt hàng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường mới. Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp phải ứng phó hiện nay là việc chuẩn bị, tìm hiểu đối tác của thị trường châu Âu chưa được đầy đủ, do đó khi bán hàng sang một thị trường mới phải tìm hiểu những quy định của đất nước sở tại như môi trường, con người, tập quán. Cái khó khác của doanh nghiệp Việt hiện nay là chưa có hệ thống kho hàng, bến bãi, vì vậy khi giao thương với khu vực này chi phí vận chuyển cao. Điều này sẽ khiến lợi ích của việc giảm thuế không còn trọn vẹn.

Theo Đầu tư tài chính
  




;

Văn bản gốc


;