Tin tức

Trang chủ » » Xu hướng mới trên thị trường bán lẻ

Xu hướng mới trên thị trường bán lẻ

13/09/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Để cạnh tranh với mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, các trung tâm thương mại hiện đại không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn, chơi, giải trí mà nơi nào nhiều trải nghiệm độc đáo sẽ “thắng”.

Đó là xu hướng mới được các chuyên gia dự báo tại hội thảo “New Wave of Retail - Làn sóng bán lẻ mới” do Công ty cổ phần Vincom Retail tổ chức sáng qua (12.9).

Cạnh tranh trải nghiệm

Ông James Yang, lãnh đạo phụ trách mảng bán lẻ và hàng tiêu dùng của Oliver Wyman, thuộc Công ty tư vấn quản lý Marsh & McLennan, nhận định ngành bán lẻ đang đứng trước giai đoạn chuyển mình, cạnh tranh khốc liệt với rất nhiều xu hướng mới. Không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử, thị trường bán lẻ hiện nay còn bị chi phối rất lớn bởi sự phát triển như vũ bão của các trang mạng xã hội như Instagram, Facebook… Xu hướng sắp tới của thương mại điện tử là gắn kết, tích hợp, dựa trên nền tảng mạng xã hội. Người tiêu dùng cũng yêu cầu cao hơn, đòi hỏi mua hàng càng nhanh càng tốt. 25% khách hàng được khảo sát nói sẽ không mua nếu sản phẩm không thể tới ngay và đáp ứng yêu cầu mong muốn. Cùng với chi phí thuê bất động sản ngày càng cao, chuỗi cửa hàng bán lẻ đang đứng trước rất nhiều thách thức.
 
Theo ông James Yang, tuy người Việt bắt nhịp rất nhanh với xu hướng mua bán trực tuyến (online) nhưng đa số khách hàng vẫn muốn đến tận nơi để nhìn ngắm, lựa chọn sản phẩm. Không những nhìn, họ còn yêu cầu phải được trải nghiệm thực tế, được cảm nhận sản phẩm, dịch vụ bằng nhiều giác quan. Đây chính là “kẽ hở” mà các cửa hàng bán lẻ, các trung tâm thương mại (TTTM) cần tận dụng để đổi mới. Xu hướng trên thế giới, các nhãn hàng không chỉ tập trung “khoe” sản phẩm mà còn phải xây dựng câu chuyện về thương hiệu, tạo ra những trải nghiệm để khơi gợi cảm xúc, bồi đắp sự trung thành từ phía khách hàng, như cách mà Microsoft và Apple đang làm.
 
“Cạnh tranh tiếp theo của ngành bán lẻ chính là trải nghiệm của khách hàng. Trải nghiệm sẽ giúp thúc đẩy tính trung thành với thương hiệu. Các doanh nghiệpcần đặt câu hỏi, cửa hàng thực sự đã là nơi trưng bày sang trọng, đẳng cấp, mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng hay chưa? Mỗi khách hàng có trải nghiệm riêng, sự lựa chọn riêng, ý thích riêng. Câu chuyện không chỉ là công nghệ, thiết bị thông minh mà quan trọng là phải đáp ứng, thúc đẩy trải nghiệm của khách hàng”, ông James Yang nhấn mạnh.
 
Trước đó, liên quan đến vấn đề này, bà Rebecca Pearson - Phó giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE châu Á, cho biết 80% doanh thu bán lẻ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn tập trung ở các cửa hàng. Các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng trên thế giới vẫn đang muốn gia tăng bán offline, thuê địa điểm để mở rộng các chuỗi cửa hàng. Ngay cả sàn thương mại điện tử Amazon cũng phải có các cửa hàng để thu hút, tạo không gian cho khách hàng dễ dàng “tận mục sở thị”. Trang web mua hàng trực tuyến Honestbee đang mở rộng tại 16 quốc gia trong khu vực châu Á cũng có cửa hàng với diện tích sàn lên tới 3.000 m2.

Nơi tương tác xã hội

Trong khuôn khổ hội thảo, Vincom Retail cũng đã chính thức công bố 3 đại TTTM mới là Vincom Mega Mall Ocean Park; Vincom Mega Mall Smart City (tại Hà Nội) và Vincom Mega Mall Grand Park (tại TP.HCM). Thông qua màn trình diễn Hologram với mở đầu là hình ảnh một gia đình hiện đại bận rộn, người cha làm nhân viên văn phòng, mẹ cả ngày lúi húi ở nhà nội trợ, con gái chỉ lo học rồi ở nhà chơi game, Vincom Mega Mall khẳng định mục tiêu xây dựng một điểm vui chơi giải trí hấp dẫn vào cuối tuần của mỗi gia đình, phục vụ yêu cầu của từng thành viên, nơi mọi người có thể đến thư giãn để tái tạo sức lao động.
 
Là người trực tiếp tư vấn thiết kế cho “bộ 3” Vincom Mega Mall, ông Richard Wood, Giám đốc thiết kế Công ty Concept i, cho biết: tôn chỉ của hệ thống đại TTTM này là mang đến trải nghiệm thật sự khác biệt cho khách hàng. Theo ông, xu hướng toàn cầu của TTTM là mang tới trải nghiệm theo hướng cộng đồng. Không chỉ là điểm để mọi người đến mua sắm mà còn trở thành nơi tương tác xã hội, để mọi người vui chơi, giải trí, trở thành điểm check-in hay thậm chí là nơi thưởng thức nghệ thuật.
 
“Với hệ thống Vincom Mega Mall, chúng tôi định hướng xây dựng thương hiệu và tích hợp giữa mua sắm và trải nghiệm sống, trải nghiệm công nghệ. Người tiêu dùng sẽ tự viết nên những câu chuyện thông qua trải nghiệm hấp dẫn và mọi người sẽ mong muốn quay lại. Điều này đảm bảo lợi ích cho cả chủ đầu tư, doanh nghiệp bán lẻ và đặc biệt là khách hàng”, ông Richard Wood tự tin khẳng định.
Hà Mai
Theo Thanh Niên
  




;

Văn bản gốc


;