Góc nhìn Chuyên gia

Trang chủ » » Những rủi ro, thách thức về thuế khi Hiệp định TPP được thông qua

Những rủi ro, thách thức về thuế khi Hiệp định TPP được thông qua

10/12/2015

Tác giả bài viết: Robert King, Phó Tổng giám đốc của EY Việt Nam phụ trách Bộ phận Tư vấn thuế tại Việt Nam, Campuchia và Lào và Shubhendu Misra, Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Bộ phận Tư vấn Thuế gián thu – Tư vấn Thương mại toàn cầu của EY Singapore. (Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của chuyên gia, không phản ánh hoặc đại diện cho quan điểm của EY).

 

Sau hơn 5 năm kể từ vòng đàm phán đầu tiên vào tháng 3 năm 2010, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (“TPP”) đã được thông qua. 12 nước ký kết bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

TPP sẽ thiết lập các tiêu chuẩn mới và cao hơn cho thương mại và đầu tư đối với cả châu Á-Thái Bình Dương cũng như toàn cầu. Cụ thể, TPP bao gồm 30 chương quy định về thương mại hàng hóa, dệt may, nguyên tắc xuất xứ, quản lý hải quan và thuận lợi hóa thương mại, thương mại điện tử, dịch vụ, mua sắm Chính phủ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các DN vừa và nhỏ, DN Nhà nước và các lĩnh vực khác.

Trong mối quan hệ thương mại xuyên biên giới, các nước tham gia TPP nhắm tới mục tiêu xóa bỏ và cắt giảm các loại thuế quan và hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp; cũng như xóa bỏ và cắt giảm các loại thuế quan và chính sách hạn chế khác đối với hàng hoá nông nghiệp. Việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng công nghiệp sẽ có hiệu lực ngay sau khi tham gia vào thỏa thuận, tuy nhiên, việc xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa nông nghiệp sẽ được thực hiện theo một lộ trình dài hơn. Do các văn bản của Hiệp định TPP không được công bố nên không có thêm chi tiết về việc nhượng bộ thuế quan từ các nước tham gia TPP.

Các lợi ích cho Việt Nam

Một lợi ích của TPP là nguồn cung nguyên vật liệu rộng lớn trong vùng. Các nguyên, vật  liệu thô và nguyên, vật liệu đầu vào có nguồn gốc từ các nước TPP có thể được coi là nguyên, vật liệu "có xuất xứ nội địa" và giúp các nhà sản xuất đáp ứng các quy định về xuất xứ đối với sản phẩm hoàn chỉnh.

Rõ ràng, có rất nhiều thuận lợi nhằm khuyến khích các DN thành lập cơ sở sản xuất trong khu vực này để tận dụng tối đa các lợi ích của thỏa thuận.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam là lợi thế sẵn có để tối đa hóa những lợi ích thuế quan từ Mỹ và các nước TPP khác một khi thỏa thuận có hiệu lực. Về nguyên tắc, điều này cùng với thỏa thuận tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, sẽ củng cố hơn nữa vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong ngành công nghiệp may mặc.

Ngành dệt may được đặc biệt chú ý trong thỏa thuận này liên quan đến nguyên tắc xuất xứ và các yêu cầu về thực hiện. Điều này chủ yếu phụ thuộc vào sự nhạy cảm của mỗi nước. Ví dụ như trong năm 2014, theo báo cáo, các công ty Mỹ đã nhập khẩu hàng dệt may với trị giá đáng kể lên đến 121.7 tỷ USD từ các nước khác trên Thế giới[1].

Để đảm bảo lợi ích thuế quan được áp dụng phù hợp với những sản phẩm dệt và may mặc, tất cả các nước tham gia TPP đã đồng ý với những nguyên tắc xuất xứ rằng các sản phầm được lựa chọn phải sử dụng nguyên phụ liệu do trong nước sản xuất hoặc nhập khẩu từ các nước tham gia TPP khác. Có một cơ chế cho phép sử dụng những loại sợi và vải nhất định không có sẵn hoặc nguồn cung thiếu hụt trong khu vực các nước TPP.

Quy định này cũng đòi hỏi các công ty dệt may cần xem xét lại nguồn cung ứng hiện tại của mình. Trong một số trường hợp, họ cần thay đổi nguồn cung ứng bằng cách mua các loại sợi và vải từ những nước TPP để những sản phẩm hoàn chỉnh có thể hội tụ đủ điều kiện nhằm đạt được lợi ích TPP.

Quy tắc xuất xứ là một vấn đề phức tạp khiến nhiều DN nhỏ và những nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc hiểu được làm thế nào các sản phẩm của họ có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ. TPP sẽ có một chương riêng biệt dành cho các DN vừa và nhỏ, trong đó các nước TPP cam kết  tạo ra những trang web thân thiện với người dùng nhằm mục tiêu cung cấp thông tin và nâng cao năng lực cho các DN vừa và nhỏ.

Những ảnh hưởng tới nguồn thu của Chính phủ

Như đã đề cập ở trên, một trong những điểm quan trọng của TPP là thỏa thuận giữa các nước ký kết nhằm xóa bỏ và giảm thuế đối với nhiều loại sản phẩm có nguồn gốc từ những nước TPP và được nhập khẩu vào một nước TPP khác.

Trong khi việc giảm thuế nhập khẩu nên được bù đắp nhiều hơn bởi những lợi ích thương mại dài hạn đối với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cạnh tranh xuất khẩu, tác động trực tiếp trước mắt có lẽ là làm giảm nguồn thu của Chính phủ.

Rủi ro về thuế

Nếu những lợi ích vĩ mô dự đoán từ TPP phát sinh, và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và tạo việc làm, việc giảm nguồn thu từ thuế quan có lẽ sẽ được bù đắp nhiều hơn bởi các nguồn thu phát sinh từ các loại thuế khác (thuế TNCN, thuế TNDN, GTGT…).  Điều đó có nghĩa rằng, tác động trước mắt, và tác động rõ ràng nhất là việc giảm thu NSNN.

Về NSNN, Chính phủ ước tính vào tháng 9 năm 2015, tổn thất nguồn thu thuế trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2025 vào khoảng 77 triệu USD do việc thông qua các Hiệp định thương mai tự do (FTA) như TPP[2].

Câu hỏi phát sinh ở đây là phản ứng của Chính phủ đối với việc giảm nguồn thu này? Một phản ứng có thể xảy ra là cố gắng bù đắp sự sụt giảm từ nguồn khác. Một lựa chọn khác là cố gắng giảm thiểu mức độ ảnh hưởng.

Khi một quốc gia bị giảm nguồn thu từ một loại thuế, phản ứng thông thường sẽ là chủ động hơn trong việc thực thi và thu thuế các loại thuế khác. Cụ thể là tăng cường hoạt động kiểm tra trong lĩnh vực hải quan, thuế TNCN, thuế TNDN và thuế GTGT. Các hoạt động kiểm tra trên có thể buộc các cá nhân và DN tuân thủ thuế tốt hơn, tăng cường độ chính xác khi quản lý, lưu trữ và duy trì chứng từ, hồ sơ thuế và trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Một phản ứng khác là giám sát và thi hành chặt chẽ các điều kiện để được hưởng lợi từ Hiệp định TPP. Điều này có thể bao gồm việc thực thi nghiêm ngặt các yêu cầu về xuất xứ. Thông qua sự giám sát nghiêm ngặt, minh bạch đối với các quy định về thủ tục xuất xứ và các luật lệ để xác định vi phạm, cơ quan hải quan có thể đảm bảo rằng hàng hóa không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sẽ không được hưởng các quyền lợi ưu đãi thuế và do đó sẽ chịu thuế cao hơn. Điều này chính là kinh nghiệm của các DN áp dụng một số Hiệp định thương mai tự do hiện có mà Việt Nam tham gia, ví dụ như Hiệp định thương mai tự do ASEAN.

Điều gì tiếp theo?

Giai đoạn tiếp theo sau khi thông qua Hiệp định cũng không kém phần quan trọng. Mỗi quốc gia thành viên của Hiệp định TPP sẽ cần phải thực hiện các thủ tục phê chuẩn trong nước. Như vậy, chính trị trong nước và các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới là một nhân tố rất quan trọng. Bên cạnh đó, quá trình phê duyệt tại Canada sẽ phụ thuộc nhiều vào những động lực do những thay đổi trong hệ thống chính quyền sau cuộc bầu cử vừa diễn ra.

Ngày thi hành hoặc bắt đầu có hiệu lực vẫn chưa được xác định bởi các nước tham gia TPP. Theo dự đoán, Hiệp định có thể có hiệu lực trong năm 2016 hoặc thực tế hơn là năm 2017.

Các nội dung của Hiệp định TPP sẽ được xem xét nghiêm túc. Cho đến nay, đã có nhiều trao đổi về cách các nhà nhập khẩu sẽ được hưởng các khoản cắt giảm thuế quan cho các giao dịch xuyên biên giới nhưng lại ít trao đổi về các chi phí phát sinh họ phải chi trả nhằm tuân thủ Hiệp định.

 

[1] Nguồn: http://www.usitc.gov/research_and_analysis/trade_shifts_2014/textiles_and_apparel.htm

 

[2] "Việt Nam mất 77 triệu $ doanh thu thuế mỗi năm do FTAs", trang Dịch vụ Tin tức Kinh tế Thai, 29 Tháng Chín năm 2015, thông qua EM

 

  




;

Văn bản gốc


;