Hiệp định TPP còn cơ hội thông qua?
Sau kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhiều ý kiến lo ngại về tương lai của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump từng bày tỏ không ủng hộ hiệp định này.
Mỹ có thể ký thỏa thuận song phương với Nhật Bản thay TPP
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban tài chính Thượng viện Mỹ Orrin Hatch nêu ý tưởng ký thỏa thuận song phương Mỹ-Nhật Bản thay thế TPP, trong trường hợp ông Trump không ủng hộ TPP - theo trang mạng Inside UStrade.
Theo ông Hatch, thay vì thúc đẩy TPP với 11 nước, Mỹ sẽ thúc đẩy thỏa thuận với Nhật Bản nếu nước này đồng ý và tin rằng Tổng thống Trump sẽ cân nhắc đề xuất này. Tuy nhiên, ông Hatch không đề cập chi tiết ý tưởng này, cũng như điều kiện mà các nước thành viên TPP khác có thể gia nhập thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật Bản.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump phản đối TPP nhưng nhiều lần bày tỏ ủng hộ các thỏa thuận song phương với các điều khoản có lợi cho Mỹ. Do vậy, có ý kiến cho rằng đề xuất của ông Hatch có thể khả thi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng một thỏa thuận riêng với Nhật Bản dựa trên TPP là không khả thi, đồng nghĩa phải đàm phán lại toàn bộ.
Các nước TPP cam kết thúc đẩy hiệp định
Bất chấp quan điểm phản đối của ông Trump, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Lima (Peru) ngày 19-11, lãnh đạo 12 nước thành viên TPP tái khẳng định lập trường thúc đẩy quy trình trong nước (như phê chuẩn tại Quốc hội) để TPP có thể có hiệu lực - Kyodo dẫn lời một quan chức cấp cao Nhật Bản cho biết.
Lãnh đạo các nước TPP họp bàn tại hội nghị APEC. Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp, lãnh đạo các nước thành viên TPP nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP, cả về kinh tế và chiến lược, trong việc đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng cho cả khu vực.
Dù hiện chưa rõ TPP có thể thông qua hay không dưới chính quyền ông Trump, các nhà lãnh đạo vẫn không đề cập đến khả năng thực hiện TPP mà không có sự tham gia của Mỹ. TPP chỉ có thể có hiệu lực nếu được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2-2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khối. Vì vậy, cả Mỹ và Nhật Bản đều phải phê chuẩn TPP.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama cho biết chính quyền của ông sẽ tiếp tục các nỗ lực để thúc đẩy sự ủng hộ trong nước đối với các hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao như TPP. “TPP có thể làm cân bằng sân chơi cho người lao động Mỹ, nâng cao lợi ích và giá trị cho Mỹ trong khu vực năng động về kinh tế và có tầm quan trọng chiến lược như châu Á – Thái Bình Dương. Ông Obama thúc giục các lãnh đạo tiếp tục làm việc để thông qua TPP” - Nhà Trắng cho biết.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố: "Nếu chúng ta ngừng các động thái trong nước, TPP sẽ chết hoàn toàn. Chúng ta sẽ không thể chống lại chế độ bảo hộ được nữa". TPP được Hạ viện Nhật Bản thông qua vào đầu tháng 11-2016 và đang được xem xét tại Thượng viện Nhật Bản.
Nga - Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tự do thương mại
Trong khi TPP có thể bị chặn lại tại Mỹ, Trung Quốc đang thúc đẩy 2 giải pháp khác thay thế TPP, một là Vùng thương mại tự do (FTAAP) với 21 thành viên và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 16 thành viên, đáng chú ý là RCEP sẽ có Ấn Độ tham gia nhưng không có Mỹ.
Trong bài phát biểu ngày 19-11 tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết mở cửa kinh tế hơn nữa trong bối cảnh các lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương tìm kiếm giải pháp tự do thương mại mới sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Tập nói: "Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài, mà sẽ cởi mở hơn nữa. Chúng tôi muốn thành quả của sự phát triển phải được chia sẻ".
Bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC kéo dài 2 ngày cuối tuần qua, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã có cuộc gặp riêng. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông đã chấp nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Trung Quốc trong tháng 5-2017, tham dự các sự kiện khởi động dự án Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, được công bố năm 2013 với mục tiêu hội nhập thương mại đầu tư Á-Âu. Ông Putin bày tỏ hài lòng về sự hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc. Hiện, Nga và Trung Quốc đang cùng thực hiện hơn 60 dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn trị giá hàng chục tỉ đô la Mỹ.
Trước đó, theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc và Nga sẽ thúc đẩy một khu vực thương mại tự do ở vùng châu Á - Thái Bình Dương. Lời kêu gọi thành lập khu vực thương mại tự do trong khu vực diễn ra trong bối cảnh chủ trương bảo hộ thương mại đang mạnh lên ở Mỹ sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Điều này đe dọa tương lai của nhiều hiệp định thương mại tự do Mỹ đang và sẽ tham gia.