Tin tức

Trang chủ » » Khởi nghiệp cần cộng sự: chọn mặt gửi vàng

Khởi nghiệp cần cộng sự: chọn mặt gửi vàng

20/10/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Với mục tiêu thúc đẩy quá trình khởi nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, những người có ý tưởng kinh doanh cần tìm kiếm cho mình những người cộng sự để đồng hành, đó là vai trò của một giám đốc tài chính - CFO.

Start-up CFO

Một báo cáo của McKinsey and Company xác định vai trò của CFO đã phân loại thành 4 nhiệm vụ chính, bao gồm chuyên gia tài chính (the finance expert), tính bao quát chung (the generalist), lãnh đạo hiệu quả (the performance leader) và quản lý tăng trưởng (the growth champion). Tuy nhiên, đối với một CFO của dự án khởi nghiệp (start-up CFO), công việc và trách nhiệm phức tạp và lớn hơn so với một CFO của một công ty đã đi vào hoạt động. Thông thường dự báo, lập kế hoạch và phân tích là vấn đề then chốt tại mỗi giai đoạn trong tiến trình phát triển của công ty, điều này rất quan trọng trong giai đoạn start-up.

Start-up CFO là người kiến tạo nền tảng (infrastructure) cho DN khởi nghiệp. Khác với một DN đã đi vào hoạt động, các quy trình HR (nhân sự), IT (công nghệ), thu mua, các hệ thống kế toán... đã sẵn có nên các nhà quản lý có thể vận hành và chuyên tâm vào các nghiệp vụ của họ. Tuy nhiên, start-up là quá trình khởi lập nên đòi hỏi một CFO phải tham gia vào nhiều công việc khác để thiết lập DN khởi nghiệp. Một câu nói ví von các start-up CFO giống như các “nhà huấn luyện cá nhân (personal trainer)”.

Trong một bài phỏng vấn do Forbes thực hiện vào tháng 7-2014 với Tridivesh Kidambi, CFO của CallFire - một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nói rằng: “Đối với một start-up CFO, kỹ năng liên kết tư duy của người khởi nghiệp với các quyết định tài chính hợp lý là quan trọng nhất và quyết định đến thành bại của dự án khởi nghiệp. Đó không chỉ là vấn đề xây dựng các mô hình tài chính hoàn chỉnh và ra các quyết định tài chính, mà CFO phải giải thích được tại sao bạn đưa ra quyết định này”. Tridivesh Kidambi cũng chia sẻ: “Đã có một sự hòa nhập giữa tài chính và chiến lược kinh doanh, tức CFO phải hiểu được quan điểm của các nhà kinh doanh. Một khi CFO hiểu các nhà kinh doanh như thế nào, thì có thể cho họ thấy rằng tài chính có tác động to lớn đến hoạt động kinh doanh của họ. Tài chính không đơn thuần chỉ là tìm cách cắt giảm chi phí khiến các phòng ban khác khó chịu, mà phải tìm ra phương án chi tiêu khác khi chi phí được cắt giảm”.

Khi nào thuê CFO?

Đây là một câu hỏi cực kỳ quan trọng. Christian Gheorghe là nhà sáng lập và là Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Tidemark - một DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, cho rằng đến nay có một thói quen là các CEO của các start-up chỉ tiến hành thuê CFO khi dự án đã đến những bước phát triển nhất định. Có thể khi doanh thu hàng năm đạt mức đủ lớn, hoặc khi các CEO hay nhà sáng lập nghĩ đến một kế hoạch IPO. Một quy tắc cũ là 12-18 tháng trước khi tiến hành một đợt IPO, thường các CEO mới bắt đầu nghĩ đến các CFO. Trong khi thế giới tài chính đã thay đổi, ngày nay hoạt động kinh doanh đang gắn chặt với hoạt động tài chính. Tài chính liên quan đến việc theo dõi và báo cáo kết quả kinh doanh, cung cấp số liệu hàng quý, thiết lập các quy trình chi tiêu. Do vậy, các CFO được kỳ vọng tham gia cùng với CEO để lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch ngân sách... Thậm chí, chính các CFO mới là người đưa ra các quyết định kinh doanh mang tính bước ngoặt cho DN.

Với sự phát triển của ngành tài chính trong DN, một start-up được khuyên nên sớm thuê các CFO. Christian Gheorghe chia sẻ 2 quy tắc thuê CFO mà ông cho rằng là hiệu quả nhất. Thứ nhất, đừng chờ đợi quá lâu. Bạn nên thuê CFO càng sớm càng tốt vì các CFO sẽ tham gia vào quá trình thiết lập nền tảng của DN. Thứ hai, đừng thuê với giá quá cao. Start-up thường là một cái bẫy mà người làm tài chính cho rằng họ tạo ra thành công cho DN. Song thực sự CEO cần một người để hiểu mối quan hệ đặc biệt giữa dữ liệu, các quyết định và con người. Thậm chí một vài người ở các lĩnh vực khác không phải là tài chính cũng có thể trở thành một CFO, tất nhiên họ cần trang bị thêm kiến thức tài chính. Thực sự, việc lên kế hoạch và dự báo trong các start-up (kể cả DN đã đi vào hoạt động), không đơn thuần chỉ là các kỹ năng Excel, các nghiên cứu tình huống (what-if), mà còn phải là người thấu hiểu DN, thấu hiểu các nguồn lực DN đang có.

Hỗ trợ khởi nghiệp

Có thể thấy rằng, khởi nghiệp luôn luôn tồn tại trong mỗi giai đoạn. Các quỹ đầu tư thường mạo hiểm bỏ vốn vào những dự án khởi nghiệp. Quốc gia được đánh giá có lượng vốn mạo hiểm đầu tư vào lớn nhất chính là Israel, vượt qua cả Hoa Kỳ. Ngay chính các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đang tìm kiếm các dự án khởi nghiệp có tiềm năng để đầu tư. Một giải pháp đã được Tập đoàn tài chính Shinhan thực hiện là mô hình “Vườn ươm khởi nghiệp” - tạm gọi là Future’s Lab, để hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Mô hình này lợi thế hơn một quỹ đầu tư mạo hiểm hiện đang làm.

Gần đây các quỹ đầu tư mạo hiểm đang tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp để đầu tư đã thực hiện một số chương trình như tổ chức các cuộc thi. Tuy nhiên, Shinhan nhận thấy cách thức này không thể tạo ra một dự án khởi nghiệp khả thi để đầu tư vốn vào. Future’s Lab sẽ hỗ trợ một môi trường, văn phòng làm việc cho các ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Những ý tưởng này sẽ được huấn luyện về lĩnh vực mà họ đang khởi nghiệp, đặc biệt lĩnh vực tài chính. Future’s Lab còn cung cấp thêm những cộng sự làm việc miễn phí cho dự án khởi nghiệp để lập nên những “mô hình kinh doanh” và “mô hình tài chính” nhằm chứng minh tính khả thi của dự án.

Hiện nay Khoa Tài chính, Đại học Kinh Tế TPHCM, chuyên đào tạo CFO cũng đưa ra giải pháp hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp về dữ liệu thị trường, quản lý tài chính DN…  Như vậy bước đầu của quá trình khởi nghiệp ở Việt Nam, các dự án khởi nghiệp đã tiếp cận được môi trường làm việc để giảm thiểu những chi phí phải trả cho quá trình khởi nghiệp của mình từ dự án của Future’s Lab, hay sự đồng hành của nhà quản lý tài chính từ đội ngũ giảng viên khoa tài chính.

TS. Lê Đạt Chí

Theo Sài Gòn Đầu tư

  




Văn bản gốc