2016: Một năm M&A sôi động
Hơn 6 tỉ USD đã được rót vào các hoạt động chuyển nhượng mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong năm qua ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, thị trường M&A nóng lên gần đây là do Việt Nam đã đàm phán xong 4 hiệp định thương mại tự do, cùng với các chuyển động chính sách như nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hay quy định mới cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, khiến doanh nghiệp càng có thêm động lực để đẩy nhanh M&A nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh. Ngoài ra, tham vọng của các nhà đầu tư khi thực hiện M&A không chỉ là nhắm đến Việt Nam mà còn tận dụng cơ hội đầu tư vào thị trường 600 triệu dân của ASEAN.
Ngay từ đầu năm nay, hoạt động M&A tại Việt Nam đã diễn ra sôi động với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước, dẫn đến một năm tăng trưởng mạnh mẽ gắn với xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp. Chưa năm nào khởi nghiệp hay start-up được nhắc đến nhiều như hiện nay, và nó hoàn toàn có thể khuấy động thị trường M&A trong dài hạn.
Theo thống kê của Topica Founder Institute (Học viện nghiên cứu về M&A của Thụy Sĩ), gần nửa số vốn ban đầu cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta có thể điểm lại vài thương vụ ấn tượng, tạo nhiều khích lệ cho cộng đồng start-up Việt, và dẫn dắt đến ngưỡng bùng nổ của M&A năm 2016 là việc Tập đoàn đồng hồ thời trang Fossil (Mỹ) bỏ ra tới 260 triệu USD mua lại Misfit - doanh nghiệp công nghệ thiết bị đeo thông minh; iCare nhận 20 triệu USD của Unitus Impact; Huy Vietnam nhận 15 triệu USD từ Templeton; Cốc Cốc nhận 14 triệu USD từ Hubert Burda...
Nếu như trước đây, M&A chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ thì nay đã trải khắp các ngành từ sản xuất, tài chính - ngân hàng, bất động sản đến công nghệ thông tin. Vào cuối tháng 4 năm 2016, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) công bố thương vụ Big C Việt Nam bán cho tỷ phú Thái Lan với giá 1,14 tỷ USD, được xem như một vụ M&A đình đám của đầu năm 2016. Doanh nghiệp này mới chỉ có 2 tháng tham gia từ lúc đàm phán nhưng với hầu bao quá lớn, họ đã đánh bật Berli Jucker (Thái), Lotte Group (Hàn), Aeon (Nhật) để nhắm đến ngôi vương trong ngành bán lẻ... Điều đáng lưu ý là trước khi thực hiện thành công vụ M&A này, họ cũng đã sở hữu 49% cổ phần của hệ thống bán lẻ điện máy Nguyễn Kim. Trong cùng lĩnh vực, một đại gia Thái là TTC Holdings cũng đã mở hàng cho 2016 bằng số tiền 711 triệu USD để mua đứt chuỗi 19 siêu thị của Metro Việt Nam vào ngay tuần đầu của tháng đầu năm.
Trong lĩnh vực tài chính, M&A diễn ra âm thầm nhưng lại hết sức mãnh liệt. Trong năm, thị trường tài chính chứng kiến nhiều thương vụ bán vốn của các ngân hàng cho nhà đầu tư ngoại. Điển hình như Vietcombank bán 7,73% vốn điều lệ cho đối tác GIC Special Investments - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore do Thủ tướng Lý Hiển Long làm Chủ tịch. Sau thương vụ trên, Vietcombank trở thành tâm điểm trong ngành ngân hàng, góp phần đưa cổ phiếu ngân hàng này tăng “phi mã”.
Cuối tháng 8/2016, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã chính thức công bố trở thành cổ đông của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Gói đầu tư của IFC vào TPBank có giá trị 403,1 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD) thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi, cho phép IFC sở hữu 4,99% cổ phần tại TPBank.
Không riêng TPBank, IFC cũng là nhà đầu tư rót vốn vào Ngân hàng ABBank với tỷ lệ sở hữu 10% và VietinBank với tỷ lệ 8,03% cổ phần. Còn tại Eximbank, cổ đông lớn nhất là Sumitomo Mitsui Banking Corporation - SMBC (Nhật Bản) đã mua đứt 185.329.207 cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu 15%. Đáp ứng mục tiêu còn lại 15 – 17 ngân hàng thương mại mạnh từ 33 ngân hàng hiện tại và để tồn tại và lớn mạnh, các nhà băng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và vừa cũng ráo riết tìm đối trọng để sáp nhập.
Theo các chuyên gia tại Diễn đàn M&A năm 2016 tổ chức tại TP.HCM, có một vài yếu tố góp phần vào sự bùng nổ M&A, như việc các công ty tại Việt Nam tiếp tục sử dụng công cụ mua bán sáp nhập để thực hiện bước phát triển chiến lược ở những thị trường tiềm năng. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm nay, khoảng 6,5%, khiến thu hút rất nhiều công ty nước ngoài mở rộng thị trường và sự hiện diện của mình tại tại đây. “Việc Chính phủ Việt Nam đạt vị thế tốt trong các hiệp định thương mại cũng là nhân tố góp phần làm tăng sức hấp dẫn trong thị trường M&A Việt Nam”, ông Christopher Kummer, Chủ tịch Viện mua lại, sáp nhập và liên kết IMAA (Thụy Sĩ), nhấn mạnh.
Như để dẫn chứng cho các lập luận này, diễn đàn M&A Việt Nam vào dịp cuối năm cũng đã công bố danh sách 50 thương vụ mua bán sáp nhập nổi bật nhất trong hơn 1 năm qua, với tổng giá trị ước đạt 5,3 tỷ USD và giá trung bình là 100 triệu USD/thương vụ.
Ngoài các vụ thôn tính ầm ỹ của các tỷ phú Thái, người ta còn chứng kiến việc Mirae Asset mua đứt Keangnam Landmark Tower 72 với giá 382 triệu USD; Keppel Land mua 100% Empire City giá 234 triệu USD; MapleTree Investments bỏ ra 215 triệu USD để mua tòa nhà Kumho Asiana Plaza. Với các ngành kinh doanh ít “nóng” hơn, người ta cũng nhận ra các cuộc “xâm chiếm sở hữu” không kém phần rầm rộ, như Petrolimex bán bớt 8% cổ phần (tương đương 183 triệu USD) cho JX Nippon; VietnamAirlines bán 8,77% (giá 108 triệu USD) cho ANA Holdings; Công ty Taisho (Nhật) mua 24% cổ phần của các cổ đông Dược Hậu Giang (100 triệu USD); Masan mua Vissan 24,90% quyền sở hữu (96,8 triệu USD).
Bản chất của M&A là tạo cho doanh nghiệp một sức bật mới và từng bước nâng cao giá trị doanh nghiệp trong khi đa dạng hóa được sản phẩm và chiến lược thương hiệu. Từ đó, của cải vật chất và việc làm mới được tạo ra, giúp tạo nên các hiệu ứng kinh tế - xã hội tốt đẹp và hứa hẹn.
Ngô Phượng
Tổng hợp