2017, doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh táo bạo
Năm 2017, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư kinh doanh táo bạo nhằm đón đầu những cơ hội được dự báo sẽ xuất hiện không chỉ trong năm nay, mà còn trong những năm tới.
Đẩy mạnh xuất khẩu và tăng giá trị gia tăng
Đón đầu xu thế tăng cường xuất khẩu từ việc thực thi hàng loạt hiệp định thương mại từ năm 2017, không ít doanh nghiệp đang tập trung tăng năng lực sản xuất, nâng cao năng suất và đặc biệt là tăng giá trị gia tăng thu về từ hoạt động này.
Ông Trần Văn Mỹ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Scavi Phong Điền thuộc Tập đoàn Công ty cổ phần Scavi, một trong những doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2016 (VNR 500) cho biết, Scavi Phong Điền đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng khu công nghiệp chuyên biệt về dệt may đầu tiên của Việt Nam tại Khu công nghiệp Phong Điền (Huế), vốn là nhà máy thứ 5 có tuổi đời trẻ nhất của Công ty.
Theo ông Mỹ, dự án mô hình khu công nghiệp dệt may chuyên biệt sau khi được doanh nghiệp triển khai thí điểm thành công trong 2 năm 2015 và 2016 tại Khu công nghiệp Phong Điền đã được Ban lãnh đạo Công ty báo cáo Chính phủ và làm việc cụ thể với Bộ Công thương. Dự kiến, nếu được Chính phủ chấp thuận, doanh nghiệp sẽ đầu tư hoàn thiện khu công nghiệp dệt may chuyên biệt và đến đầu quý II/2017 có thể bắt đầu đưa vào vận hành.
Ông Mỹ cho biết, dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần kết nối hầu hết các doanh nghiệp sản xuất từ khâu phụ liệu, phụ kiện vải cho đến thiết kế, tạo mẫu và sản xuất để xuất khẩu với quy mô lớn. Chuỗi giá trị khép kín này sẽ giúp gia tăng giá trị xuất khẩu và tạo thương hiệu, vị thế, tên tuổi của hàng dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, gia công của các doanh nghiệp dệt may.
“Thị trường xuất khẩu năm 2017 tuy khó khăn, nhưng tiềm ẩn nhiều tiềm năng. Dệt may Việt Nam tuy đã có tiếng trên thị trường thế giới, nhưng vẫn chủ yếu là gia công. Với dự án này, chúng tôi dự tính sẽ kết nối hầu hết các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất phụ kiện và dệt may, tạo ra giá trị xuất khẩu trên 6 tỷ USD/năm, tạo công ăn việc làm cho trên 36.000 lao động”, Tổng giám đốc Scavi Phong Điền nói và cho biết, dự án còn góp phần thu hút mạnh dòng vốn FDI trong lĩnh vực dệt may. Hiện có nhiều doanh nghiệp dệt may nước ngoài mong muốn đầu tư vào Việt Nam khi có một cơ chế kết nối và điều phối rõ ràng theo mô hình khu công nghiệp chuyên biệt.
Không chỉ các doanh lớn hứng khởi với các dự án đầu tư chiến lược, một số doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) cũng đang nỗ lực hiện thực hóa các dự án xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, vốn được đánh giá là tiềm năng.
Ông Nguyễn Đình Nam, Tổng giám đốc Công ty VP9 Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các camera truyền hình Internet chia sẻ, năm 2017, VP9 Việt Nam đặt mục tiêu đạt doanh thu trên 300 triệu USD từ sản phẩm công nghệ thông minh này, trong đó xuất khẩu chiếm từ 80 - 90%.
“Với công nghệ cốt lõi về truyền dẫn và xử lý video siêu tích hợp, Việt Nam là nơi phát triển thành công sản phẩm camera thông minh đầu tiên trên thế giới chạy hệ điều hành Android thay thế camera thường, mở đầu trong thời đại cách mạng Internet vạn vật. Camera thông minh này có thể cài được hàng triệu ứng dụng Android mở rộng. Đáng tự hào hơn, đây là sản phẩm do chính doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và làm chủ hoàn toàn về công nghệ. Sản phẩm thông minh này hiện được rất nhiều đối tác trên thế giới quan tâm. Dự kiến, năm nay, sản phẩm của chúng tôi sẽ bắt đầu mở rộng xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản”, ông Nam cho biết.
Gia tăng thị phần trong nước
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, diễn biến bất ổn của kinh tế thế giới với nhiều yếu tố thay đổi lớn như Tổng thống Mỹ Donal Trump có quan điểm tăng cường bảo hộ kinh tế nội địa, hay sự kiện Brexit là những dấu hiệu cho thấy một số nền kinh tế lớn đang hướng về xu thế bảo hộ nội địa và ngày càng thắt chặt tự do hóa thương mại.
Theo TS. Lê Thanh Tùng, thành viên nhóm nghiên cứu Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đó là những sức ép làm thay đổi cơ cấu cung cầu trên thế giới, theo đó tác động lớn đến thị trường cũng như hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, buộc các doanh nghiệp phải hướng vào thị trường trong nước như một động lực lớn thứ hai để duy trì và dựa vào đó để phát triển.
Nhóm nghiên cứu đánh giá, kế hoạch mới của không ít doanh nghiệp Việt Nam đang hướng vào mục tiêu hiện thực hóa chiến lược gia tăng thị phần trong nước thông qua việc mở rộng kênh phân phối, củng cố sức mạnh thương hiệu.
Minh chứng cho xu hướng này là hàng loạt động thái nâng cấp kênh phân phối đã và đang được thực hiện tại nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối lớn như May Việt Tiến, Sài Gòn Coop, cũng như khu vực tư nhân với các thương hiệu như Thegioididong, FPT, Vingroup, Vinamilk. Đây là những điển hình rõ nét nhất cho thấy, thành công trong việc mở rộng hệ thống phân phối, gia tăng thị phần trong nước đi liền với sự gia tăng mức lợi nhuận hàng năm lên tới hàng chục phần trăm của các doanh nghiệp.
“Sự thành công ấn tượng này dựa trên một hệ thống phân phối sản phẩm được mở rộng liên tục và bố trí như ma trận khắp các thành thị và địa phương Việt Nam, nhờ đó việc mua bán và phân phối các sản phẩm thuận lợi và dễ dàng hơn bao giờ hết”, TS. Tùng nói và cho biết, kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu thực hiện Báo cáo cho thấy, trong giai đoạn 2017 - 2018, hầu hết doanh nghiệp lớn sẽ tăng cường các hoạt động đầu tư, trong đó 32% doanh nghiệp tăng đầu tư trên 50% cho các hoạt động kinh doanh và mở rộng kênh phân phối hiện tại.
Hiếu Minh
Tổng hợp