2020, kỳ vọng vững đầu tàu tăng trưởng
Trong bối cảnh thế giới được dự báo tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chững lại, nhưng tại Việt Nam có nhiều ngành, lĩnh vực được kỳ vọng tăng trưởng cao trong năm 2020.
Đầu tư công nghệ tiếp tục là xu thế tiên phong
Báo cáo Vietnam Earnings Insight 2019 của Vietnam Report công bố mới đây đã đưa ra dự báo những ngành được kỳ vọng mang lại doanh thu và lợi nhuận cao trong giai đoạn tới, dựa trên phản hồi của các doanh nghiệp tham gia khảo sát kế hoạch và mục tiêu chiến lược đầu tư trong năm 2020.
Trong đó, đáng chú ý, lĩnh vực công nghệ tiếp tục dẫn đầu trong những ngành kỳ vọng của doanh nghiệp với tỷ lệ 20,2% doanh nghiệp khẳng định.
Lĩnh vực xây dựng/bất động sản và bán lẻ cùng xếp vị trí thứ hai, với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 14,9%.
Tại bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất 2019 (Vietnam Profit 500) mới được công bố gần đây, đứng đầu Top 10 ngành có lợi nhuận trước thuế bình quân lớn nhất Việt Nam là nhóm ngành viễn thông, tin học và công nghệ.
Điều này cho thấy, mặc dù nhóm ngành này chỉ đóng góp 3,6% về số lượng doanh nghiệp trong Vietnam Profit 500, nhưng đây vẫn luôn là ngành tăng trưởng hết sức tiềm năng với chỉ số lợi nhuận tăng trưởng ổn định.
Đánh giá được đưa ra từ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tại Hội nghị Việt Nam CEO Summit tổ chức vào cuối năm 2019, cách mạng công nghệ đang diễn ra vô cùng sôi động trên thế giới, theo đó nền tảng công nghệ và chuyển đổi số đã và đang tạo ra sân chơi bình đẳng cho nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau và thay đổi toàn bộ phương thức kinh doanh trên toàn cầu.
Phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp đều thống nhất với nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số cho rằng, Việt Nam sẽ trở thành một phần không thể tách rời của trung tâm tài nguyên cho công nghệ thế giới.
Để đón đầu xu hướng này, các doanh nghiệp Việt Nam đang có những bước chuyển đổi và mục tiêu rõ ràng khi đầu tư vào công nghệ và đây là những tín hiệu rất đáng mừng.
Theo khảo sát mới nhất của Vietnam Report, 78,8% doanh nghiệp cho biết sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong vòng 12 tháng tới nhằm tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động;
70,5% mong muốn sẽ tăng cường vị thế cạnh tranh và mở rộng thị phần, từ đó, gia tăng doanh thu và lợi nhuận, và 57,4% kỳ vọng sẽ gia tăng năng suất và sự gắn kết của người lao động với doanh nghiệp, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Bất động sản, bán lẻ tiếp tục có triển vọng
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù trầm lắng trong nửa cuối năm 2019, song ngành bất động sản vẫn tiềm ẩn các cơ hội tốt và có thể mang lại doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng cho doanh nghiệp trong năm 2020 nếu tối ưu hóa khai thác các cơ hội này.
Phân tích từ Báo cáo Vietnam Earnings Insight 2019 cho thấy, dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô tốt, tốc độ tăng trưởng dự báo tiếp tục duy trì mức cao trong năm 2020 và đặc biệt đi cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán thì việc huy động vốn từ các nguồn khác nhau nhằm phát triển lĩnh vực này vẫn có nhiều triển vọng sáng.
Có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Huy Dương, Giám đốc Tài chính CTCP Dịch vụ đầu tư và tài chính Hoàng Huy cho rằng, tuy thị trường chung có chững lại nhưng ở một số phân khúc nhất định vẫn tăng trưởng ổn định do nhu cầu thực tế cao.
“Các doanh nghiệp nếu phát triển tốt các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực vẫn có thể tăng trưởng ổn định, vì người Việt Nam vẫn có tâm lý muốn được sở hữu một căn nhà dù có khó khăn”, ông Dương nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý sự dư thừa về nguồn cung bất động sản trong nhiều phân khúc có nguy cơ xảy ra trong vài năm tới khi diễn biến kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam hiện tại, ngành bán lẻ và phân phối tiêu dùng cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, đặc biệt là ngành nghề liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng do dân số trẻ và đông, nhu cầu gia tăng với tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh.
Theo dự báo của Vietnam Report, nhìn về tổng quan, ngành bán lẻ hiện đại sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2020 và những năm tới, tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp.
Theo đó, dưới sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, các doanh nghiệp có chi phí hoạt động ở mức cao hơn trung bình ngành sẽ dần tụt lại trong cuộc đua giành thị phần khốc liệt, trong khi các doanh nghiệp có mặt bằng và chi phí hoặt động thấp sẽ ngày càng lấn lướt áp đảo.
Trong điều kiện này, thị trường bán lẻ hiện đại định hình bộ mặt mới khi có sự đan xen thị phần sẽ dần hình thành các doanh nghiệp lớn dẫn dắt chi phối thị trường.
Do đó, ở một mặt nào đó, dù cơ hội tham gia thị trường bán lẻ rất lớn đối với các doanh nghiệp, song sự bão hòa ngắn hạn sẽ xảy ra khi nhu cầu của người tiêu dùng chưa thể tăng.
Ngành điện và sản xuất còn nhiều dư địa tăng trưởng
Bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, nhiều chuyên gia cho rằng, những ngành cơ bản như sản xuất, chế biến chế tạo vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định và ít phải đối mặt với rủi ro hơn lĩnh vực dịch vụ.
Trong xu thế này, đi cùng với triển vọng sáng của ngành bán lẻ, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được dự báo có nhiều dư địa tăng trưởng với kỳ vọng gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới khi ứng dụng từ đầu tư lớn cho công nghệ sẽ giúp gia tăng năng suất, năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Thời gian gần đây, nhiều công ty, tập đoàn lớn đã liên tiếp đầu tư mạnh vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như Hoàng Anh Gia Lai, TH, True Milk, Vinamilk, Trường Hải, Dabaco đã không tiếc tiền đầu tư phát triển các quy trình sản xuất chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, hình thành nhiều chuỗi sản xuất cung ứng với sự liên kết từ khâu sản xuất để khâu cung ứng ra thị trường.
Đây là nền tảng cho kỳ vọng các doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tốt trong thời gian tới.
Trước nhu cầu điện năng cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây, ngành điện cũng là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.
Theo nhiều doanh nghiệp trong ngành, năm 2020, với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao đã được Chính phủ đưa ra, nhu cầu đầu tư và phát triển ngành điện tiếp tục gia tăng mạnh, đặc biệt nhu cầu tăng phụ tải điện năng các năm tới ở mức 9 - 10% mới có khả năng đáp ứng được nhu cầu phát triển nóng của nền kinh tế.
Bên cạnh các loại hình thủy điện, nhiệt điện từ than và dầu, khí thì đầu tư điện mặt trời và điện gió được nhiều nhà đầu tư tiếp tục quan tâm… sẽ là những cơ hội rất tích cực cho các doanh nghiệp trong giai đoạn tới.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây lắp điện 1 (PCC1) cho biết: “Năm 2019, tăng trưởng phụ tải vẫn ở mức 9,9% so với 2018, dự báo năm 2020 tiếp tục duy trì mở mức cao.
Nhờ đó, ở lĩnh vực chủ lực là xây lắp điện, doanh nghiệp đã ký được những hợp đồng lớn trong quý IV/2019 có biên lợi nhuận khá tốt. Các hợp đồng đã mang lại kết quả khả quan cho tăng trưởng mảng xây lắp của PCC1 trong năm 2019 và sẽ chuyển tiếp sang năm 2020”.
Hiện PCC1 đang thực hiện thu xếp vốn cho các dự án thủy điện và điện gió dài hạn với mục tiêu ưu tiên tập trung đầu tư các lĩnh vực này do hiệu quả đầu tư tốt hơn...
Đây là nền tảng vững vàng tạo đà thuận lợi cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020 và thời gian tới.
Tập trung chiến lược tăng trưởng bền vững lợi nhuận và doanh thu
Báo cáo Vietnam Earnings Insight 2019 nhận định, tăng trưởng doanh thu bán hàng tiếp tục là chiến lược chủ chốt được các doanh nghiệp lựa chọn để tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay.
Một điểm đáng chú ý được các chuyên gia thực hiện báo cáo lưu ý, chiến lược ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao giờ đây đã chiếm vị thế thứ 2, thay cho việc giảm chi phí với tỷ lệ chênh lệch chỉ 3%.
Bên cạnh chiến lược chủ chốt nhằm mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo tiền đề cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bền vững.
Theo các chuyên gia thực hiện báo cáo, việc ký kết và đưa vào thực thi các hiệp định lớn như CPTPP, EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư tự do Việt Nam - EU (EVIPA) đã giúp diễn biến thị trường Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết.
Miếng bánh thị trường đa ngành được phần chia cho cả các đối thủ ngoại giàu tiềm lực, dẫn đến xu hướng tìm kiếm thị phần ngoài nước và mở rộng thị trường xuất khẩu quốc tế của các doanh nghiệp đầu ngành.
Điển hình như Vingroup bắt tay các ông lớn thế giới để giới thiệu sản phẩm xe hơi và điện thoại thông minh mang thương hiệu Việt, hay sản phẩm sữa Vinamilk ngày càng phủ sóng rộng hơn tại thị trường Trung Quốc thông qua mạng lưới phân phối bán lẻ của thị trường lớn nhất toàn cầu này, hoặc Viettel, VNPT đã mở rộng mạng lướiInternet tại Lào, Campuchia, Hồng Kông…
Theo Mai Phương