3 yếu tố then chốt giúp Việt Nam phát huy sức mạnh công nghiệp 4.0
Đây là nhận định của bà Rachel Barger, Giám đốc điều hành SAP châu Á Thái Bình Dương với báo chí bên lề Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế Công nghiệp 4.0, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tiềm năng lớn cho phát triển công nghiệp 4.0
Theo bà Rachel Barger, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển công nghiệp 4.0. Sở dĩ là bởi, trong 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kỷ lục, với tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình 6,6%/năm. Theo dự báo của PwC, đến năm 2050, Việt Nam có thể nằm trong Top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới và Top 10 ở châu Á.
“Với dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng cao và vị trí địa lý lý tưởng, ở ngay trung tâm các nền kinh tế tăng trưởng cao tại châu Á, Việt Nam đang dần khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế số mới”, bà Rachel Barger nói thêm và phân tích: Tại Việt Nam, lĩnh vực sản xuất đang phát triển rất nhanh chóng. Vì vậy, nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất cũng đang phát triển rất đa dạng. Để đáp ứng được nhu cầu của lĩnh vực sản xuất, cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và chuyển đổi số đóng vai trò rất lớn. Như vậy, việc phát triển các công nghệ hỗ trợ như: công nghệ lập kế hoạch doanh nghiệp (DN), công nghệ quản lý DN, công nghệ quản lý kho bãi, tài sản, dòng tiền… đều là nền tảng cơ sở thúc đẩy sự tăng trưởng của các DN sản xuất tại Việt Nam.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Josephin Galla, Tổng giám đốc SAP Việt Nam, cho hay: Trong nhiều năm qua, người láng giềng phương Bắc của Việt Nam đã tập trung vào sản xuất đại trà. CMCN 4.0 sẽ cho phép chúng ta sử dụng nhân lực có kỹ năng để làm ra những sản phẩm “Make in Vietnam”, những sản phẩm được tùy chỉnh theo yêu cầu của khách hàng. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận ra cơ hội đó và đã có những bước đi để tạo ra cơ hội cho chúng ta chiếm được thị phần của những nước láng giềng xung quanh, những nước thường xuyên quảng cáo năng lực sản xuất của họ.
Tuy nhiên, với công nghệ 4.0, chúng ta sẽ có thể cạnh tranh thị phần từ phía họ. Điều này sẽ dẫn đến những tính năng của hệ thống SAP, ví dụ như predictive quality (dự đoán trước chất lượng), hoặc predictive asset management (dự đoán được việc quản lý tài sản). Đây là những phương thức sản xuất, quản lý sản phẩm và chất lượng ở một tầm cao mới và nó sẽ dẫn đến kết quả giống như bà Rachel Barger đã nhắc đến lúc trước.
Trụ cột ưu tiên phát triển
Mặc dù tiềm năng nhận thấy khá rõ ràng cho phát triển công nghiệp 4.0, tuy nhiên, Giám đốc điều hành SAP châu Á Thái Bình Dương cho hay, “Để duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại, Việt Nam cần tập trung vào ba trụ cột chính là: Chính sách, con người và nền tảng”.
Hành trình chuyển đổi số sẽ được đẩy mạnh đáng kể nếu có các chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ cũng như thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và startup địa phương. Những chính sách này bao gồm tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng năng lực trong lĩnh vực ICT, khuyến khích các startup về kỹ thuật số và quan trọng nhất là cải cách hệ thống giáo dục để sẵn sàng cho CMCN 4.0. “Chúng tôi rất mừng khi thấy Chính phủ Việt Nam đã có tầm nhìn rất cụ thể về các công nghệ 4.0 - bao gồm các mục tiêu chuyển đổi rõ ràng, với mục đích đạt được 50% DN hoạt động trên nền tảng số vào năm 2025”, bà Rachel Barger cho biết.
Về vấn đề “con người”, bà Rachel Barger cảm thấy rất vui khi thấy Chính phủ Việt Nam đã đề cập rất nhiều đến việc tập trung đào tạo các môn toán và khoa học cơ bản. Đây là tiềm năng lớn trong việc xuất khẩu chất xám, vì khi chúng tôi làm việc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các DN thường xuyên tìm kiếm những nguồn nhân lực chất lượng cao, có những kỹ năng thông minh để làm việc trong DN của họ. Đây là một nguồn xuất khẩu rất tiềm năng của Việt Nam.
Để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực công nghệ cho Việt Nam, từ năm 2017, SAP đã hỗ trợ đào tạo 1.360 sinh viên tại 6 trường đại học ở Việt Nam về công nghệ SAP và SAP đang nỗ lực mở rộng mạng lưới này.
Trụ cột thứ 3 "nền tảng", bao gồm các công nghệ thông minh giúp phát triển nền kinh tế số. Điều này đòi hỏi các tổ chức Việt Nam ứng dụng những chiến lược và quy trình hiện đại, được vận hành bởi một bộ giải pháp công nghệ thông minh, để trở thành một DN thông minh. “Các DN Việt Nam hiểu được tầm nhìn DN thông minh và khả năng cung cấp trải nghiệm khách hàng vượt trội quan trọng như thế nào trong việc duy trì tăng trưởng bền vững. Chúng tôi rất vui được đồng hành với DN Việt Nam để giúp họ chuyển đổi thành DN thông minh và gặt hái nhiều thành công nền kinh tế kỹ thuật số” - bà Josephin Galla cho biết.
Thanh Tâm
Theo Báo Công thương