Tin tức

Trang chủ » » 30 năm gia công vẫn quốc gia nghèo, Make in VietNam thoát lên hưng thịnh

30 năm gia công vẫn quốc gia nghèo, Make in VietNam thoát lên hưng thịnh

01/08/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Sau hơn 30 năm đổi mới, nếu chỉ dừng ở gia công Việt Nam không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Cần làm chủ công nghệ, có nhiều phát minh và sáng chế. Đó là con đường duy nhất, tất yếu để đưa quốc gia tới hưng thịnh.

Gia công hay sáng tạo?

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua và đạt được những thành công nhất định. Cơ cấu kinh tế đã có những bước thay đổi lớn, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng từ 22,7% năm 1990 lên gần 40% như hiện tại. Thu hút vốn FDI thuộc hàng cao nhất khối ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu, từ sản phẩm thông thường như may mặc, da giày đến những sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao như máy ảnh, máy tính, điện thoại thông minh,... liên tục tăng trưởng.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thu nhập của công nhân lao động trong khu vực công nghiệp, phần lớn họ không thể nuôi sống được gia đình. Cho dù có làm việc cho xí nghiệp nước ngoài, cho những tập đoàn công nghiệp lừng danh, tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao thì thu nhập cũng vẫn thấp, bởi chỉ làm ở những công đoạn giản đơn.

Nói cách khác, ngành công nghiệp của nước ta tuy có doanh số cao nhưng chủ yếu vẫn là gia công cho nước ngoài. Ví như trong lĩnh vực hàng không, Việt Nam đã sản xuất được cánh tà máy bay, cung cấp cho hãng Boeing (Mỹ), nhưng tất cả các bản vẽ thiết kế đều của nước ngoài, dây chuyền máy móc nhập khẩu, kể từ chiếc khoan để bắt ốc vít. Chúng ta chủ yếu vẫn là tận dụng nhân công giá rẻ.

Theo GS. Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội  Hàng không - Vũ trụ Việt Nam, nếu tổng chi phí sản xuất cho chiếc cánh tà khoảng 100.000 USD thì giá trị DN Việt hưởng chỉ khoảng vài trăm USD.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi đất nước còn nghèo, việc phải gia công cho Nhật Bản hay Hàn Quốc,... là điều phải làm, bởi khi đó chúng ta không có gì. Tuy nhiên, nếu sau mấy chục năm mà vẫn làm điều đó tức là chúng ta đang có vấn đề.

“Nếu chỉ dừng ở gia công, Việt Nam sẽ không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chỉ vài năm nữa, gia công sẽ lại di chuyển sang một đất nước khác, nơi có giá lao động rẻ hơn. Đã đến lúc chúng ta phải nhận định lại, tiếp tục gia công hay bắt đầu tạo ra các sản phẩm Việt Nam? Make in Viet Nam chính là nhấn mạnh quyết tâm thay đổi", Bộ trưởng khẳng định.

Theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng nền công nghiệp từ một xã hội nông nghiệp lạc hậu, thì giai đoạn gia công cho nước ngoài là tất yếu. Từ Singapore, Hàn Quốc, Hongkong, Đài Loan, đến Trung Quốc, Ấn Độ,... đều phải qua giai đoạn gia công. Nhưng đến nay họ đã vươn lên làm chủ công nghệ để xây dựng nền công nghiệp cho riêng mình.

Khát khao làm chủ công nghệ

Vì vậy, “Make in Viet Nam" có ý nghĩa thể hiện sự khao khát của người Việt trong việc làm chủ công nghệ. Nói đơn giản, với một chiếc áo sơ-mi, nếu làm gia công chỉ được hưởng từ 1-2 USD. Nhưng nếu chúng ta có thể tự thiết kế mẫu mã, lựa chọn nguyên liệu phù hợp, tạo ra sản phẩm, rồi mở thị trường, thì giá trị được hưởng sẽ lớn hơn rất nhiều và khâu gia công có thể chuyển sang những quốc gia có giá nhân công rẻ hơn.

Ông Nguyễn Thành Nam, đồng sáng lập FPT, cho rằng, “Make in Viet Nam” chính là một tuyên bố quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ. Trong tiến trình này, các DN sẽ thực hành: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp, nhận định, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển. Tiêu biểu như Vingroup sản xuất ô tô, Viettel tự làm thiết bị quân sự, mạng 5G hay BKAV sản xuất điện thoại thông minh,...

Tuy nhiên, điểm yếu nhất của chúng ta hiện nay chính là nghiên cứu và phát triển (R&D). Đa số các DN không có nghiên cứu, thiết kế, thậm chí triết lý phát triển cũng không. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này vừa thiếu vừa yếu. Cùng với đó là sự thiếu hụt những lãnh đạo DN có kinh nghiệm thực tiễn, hiểu biết sâu sắc và có tầm nhìn. Điều này khiến cho chiến lược “Make in Viet Nam” gặp không ít khó khăn.

Độc lập về công nghệ là một giấc mơ kỳ vĩ. Muốn giấc mơ đó trở thành hiện thực, cần có một đội ngũ giỏi về khoa học công nghệ và có kiến thức nền rộng. Tập hợp được đội ngũ này, tạo điều kiện cho họ cọ xát và cộng hưởng là việc cần được ưu tiên cao nhất. Ngoài việc tập hợp người tài, cũng cần tiếp tục cổ vũ các DN xây dựng nguồn lực công nghệ đông đảo, giỏi kỹ năng và có kỷ luật, ông Nguyễn Thành Nam nêu ý kiến.

Từ kinh nghiệm Hàn Quốc, GS Youngrak Choi, cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc, khuyến cáo: điểm mấu chốt là tạo ra động lực để các DN tư nhân tự thân vận động trong việc học hỏi, tiếp thu, nắm bắt và làm chủ công nghệ. Còn Chính phủ đóng vai trò thúc đẩy nghiên cứu phát triển, chọn lĩnh vực ưu tiên để dồn lực đầu tư, xây dựng thể chế tốt, hạ tầng tốt, hệ sinh thái thân thiện và chuyển đổi nhanh chóng cấu trúc hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Trần Thuỷ

Theo Vietnamnet

  




Văn bản gốc