Tin tức

Trang chủ » » 5 cổ phiếu nào đã tăng giá mạnh nhất từ đầu năm tới nay?

5 cổ phiếu nào đã tăng giá mạnh nhất từ đầu năm tới nay?

14/09/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Những gương mặt trong tốp 5 kỳ này cho thấy xu hướng đầu tư dựa vào giá trị, vào các yếu tố nền tảng tốt đã quay trở lại. Đối với người tham gia thị trường chứng khoán, bên cạnh danh mục đầu tư cá nhân, sự tò mò còn hướng về những cổ phiếu nóng trên thị trường. Đâu là 5 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất hiện nay?

Đầu tiên phải kể đến SLS của Mía đường Sơn La. Đây là thông tin khá bất ngờ bởi lâu nay, SLS không phải là gương mặt nổi bật trên thị trường. Nhiều báo cáo khi phân tích nhóm ngành mía đường cũng không đưa SLS vào danh sách so sánh. Tuy nhiên, theo thống kê từ Phòng phân tích Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), SLS lại đứng đầu danh sách các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất hơn 8 tháng qua. Giá SLS đã tăng 142,7%, từ 49.600 đồng/cổ phiếu (ngày 1.1.2016) lên 120.400 đồng/cổ phiếu (5.9.2016).

SLS lọt vào mắt nhà đầu tư có lẽ nhờ hoạt động kinh doanh ấn tượng. Như Công ty Chứng khoán FPT từng đánh giá, SLS là trường hợp doanh nghiệp nhỏ hoạt động hiệu quả nhất. Nhiều năm liền, SLS đạt tỉ suất sinh lời cao nhất, với lợi nhuận/vốn chủ sở hữu trung bình trên 30%/năm. Biên lợi nhuận gộp cũng liên tục được cải thiện và dẫn đầu trong số 7 công ty mía đường niêm yết với hơn 26%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, SLS đạt lợi nhuận sau thuế 106 tỉ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của lãnh đạo SLS, đó là nhờ Công ty đã giảm được giá thành đường xuống 10% trong khi tăng giá bán đường lên 20%. Chênh lệch này giúp doanh thu riêng mảng đường của SLS tăng tới 18%. Hiện tại, mảng đường đang chiếm hơn 80% doanh thu của Công ty. Doanh nghiệp này lại hoạt động ở khu vực được ưu đãi do thuộc vùng khó khăn, ít chịu sự cạnh tranh và có thêm đầu ra từ xuất khẩu sang Trung Quốc. Điểm cộng trong mắt nhà đầu tư là SLS thường chia cổ tức cao. Mức cổ tức mà SLS mới chia gần đây là 40% vốn điều lệ, bằng tiền.

Một mã cổ phiếu khác cũng tăng giá mạnh là VCS của Công ty Đá thạch anh cao cấp VCS (Vicostone). Theo TVS, giá cổ phiếu VCS đã tăng 118,3% trong hơn 8 tháng qua. Cũng như SLS, VCS là cổ phiếu đi theo xu hướng tăng và quá trình tăng tốc gấp 4-5 lần để chinh phục mốc 100.000 đồng/cổ phiếu của VCS đã diễn ra cả năm nay. Nhưng khác với SLS, VCS là cổ phiếu được giao dịch mạnh hơn, với khối lượng trung bình 50.000-70.000 cổ phiếu mỗi phiên. Nhà đầu tư nước ngoài cũng chủ yếu mua ròng mã cổ phiếu này.

VCS được giới đầu tư đánh giá cao cũng nhờ hoạt động kinh doanh khả quan. Trong 6 tháng đầu năm nay, VCS ghi nhận doanh thu thuần gần 1.500 tỉ đồng, tăng 24,6%, còn lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 300 tỉ đồng, tăng 88,9% so với cùng kỳ. Mức tăng này làm nhà đầu tư hoan hỉ và theo giới phân tích, đà tăng trưởng hấp dẫn, trên 20% của VCS  sẽ còn tiếp tục trong 2-3 năm tới.

Thực tế, mặt hàng đá ốp lát thạch anh của VCS  rất được ưa chuộng tại Bắc Mỹ và dự báo sẽ tiếp tục tăng với tốc độ 8,3%/năm. Riêng giá bán ốp lát tại Mỹ cũng đã tăng trong khi giá polyester resin (chiếm 40% giá vốn) chưa có dấu hiệu phục hồi. VCS lại tiết giảm được nhiều chi phí bán hàng, chi phí phát triển thương hiệu, mở rộng mạng lưới nhờ hoạt động quản trị chuyển giao về công ty mẹ Phenikaa. Triển vọng của VCS còn nằm ở chuyển giao dự án nhà ở xã hội cho Phenikaa, giúp thu hồi vốn, giảm gánh nặng lãi vay và tạo dòng tiền hoạt động.  Tất cả những điều này là lý do để Công ty Chứng khoán VCBS nâng mức đánh giá và khuyến nghị đầu tư cổ phiếu VCS.

Mã cổ phiếu thứ 3 nằm trong tốp các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là PTB của Công ty Phú Tài. TVS cho biết, cổ phiếu này đã tăng hơn 107% tính từ đầu năm đến nay. Nhưng mức giá 139.000 đồng/cổ phiếu của PTB  vào ngày 5.9.2016 chưa phải là mức đỉnh cuối cùng khi cổ phiếu này vẫn đang tiếp tục xác lập các mức giá mới.

Phú Tài hoạt động ở 3 lĩnh vực gồm kinh doanh ôtô, kinh doanh đá và xuất khẩu gỗ và mảng nào cũng ăn nên làm ra. Mảng gỗ có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất, khoảng 36% do hợp nhất với Công ty Vina G7. Mảng kinh doanh đá tăng trưởng ổn định trên 20% và cho biên lợi nhuận gộp cao, duy trì trung bình ở mức 34%. Doanh số bán ôtô của PTB 6 tháng đầu năm cũng đạt 50% kế hoạch năm.

Trong tương lai, khi nhà máy tại Hưng Yên đi vào hoạt động (đầu năm 2017), cùng với nhà máy Đồng Nai sẽ giúp mảng kinh doanh đá của PTB tiếp tục tăng trưởng. Đối với mảng ôtô, PTB dự kiến sẽ mở thêm cửa hàng phân phối ôtô tại miền Trung trong năm sau để tăng thị phần. Riêng trong ngành gỗ, PTB sẽ kết hợp mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước với xuất khẩu gỗ... Với triển vọng này, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng PTB phù hợp đầu tư tích lũy trong cả trung hạn.

Lợi nhuận sau thuế của Thế Giới Di Động đã tăng khoảng 83% trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Sơn Phạm

MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động cũng nằm trong nhóm các mã cổ phiếu tăng nóng với mức tăng 88,3% trong hơn 8 tháng qua, đạt 145.000 đồng/cổ phiếu (5.9.2016). MWG cũng được giao dịch rộng rãi hơn cả và được khối ngoại săn lùng nhiều nhất. MWG vẫn kinh doanh khả quan với doanh thu thuần 6 tháng đầu năm nay tăng gần 81%, đạt 19.650 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 835 tỉ đồng, tăng khoảng 83%. Theo VCBS, động lực tăng trưởng chính của MWG trong hiện tại và tương lai sẽ vẫn dựa vào tốc độ gia tăng cửa hàng. Đến nay Công ty đã mở được 1.009 cửa hàng Thế Giới Di Động và 130 cửa hàng Điện Máy Xanh, giữ thị phần 35% ở mảng bán lẻ điện thoại và 10% ở mảng điện máy. MWG cũng đang tìm cách gia tăng số cửa hàng vì muốn sang năm sau, sẽ tập trung nguồn lực để phát triển mảng Bách Hóa Xanh và thâm nhập thị trường nước ngoài.

CTD của CotecCons tuy đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng nhưng với nhà đầu tư, đây là cổ phiếu khiến họ hài lòng. Theo thống kê của Phòng phân tích TVS, giá CTD đã tăng 71,39% từ đầu năm đến nay lên mức 254.000 đồng/cổ phiếu (5.9.2016). CTD được săn lùng vì là cổ phiếu của doanh nghiệp đứng đầu ngành xây dựng, có khả năng thực hiện tổng thầu các dự án thiết kế thi công tầm cỡ. CTD còn được biết đến nhờ tình hình tài chính lành mạnh, không sử dụng nợ vay, quản lý dòng tiền và công nợ hiệu quả. Công ty lại đang hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng của ngành xây dựng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, CTD đã đạt doanh thu hơn 8.100 tỉ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và lãi sau thuế xấp xỉ 600 tỉ đồng, tăng 177%. Với những kết quả này, CTD hiện là cổ phiếu có thị giá lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Trong tương lai, khi CTD mở rộng hoạt động thông qua  M&A, tiến thêm vào các lĩnh vực như cơ điện, thiết kế nội thất..., ký các hợp đồng trị giá hàng ngàn tỉ đồng, nâng tỉ trọng doanh thu từ mô hình D&B (thiết kế xây dựng) đạt tới 50%, đà tăng giá CTD hứa hẹn sẽ vẫn tiếp tục.

Với những gương mặt trong tốp 5, rõ ràng xu hướng đầu tư dựa vào giá trị, vào các yếu tố nền tảng tốt đã quay trở lại. Nhà đầu tư đã biết cân nhắc, nhìn vào thực lực doanh nghiệp, vào hiệu quả kinh doanh để đánh giá và lựa chọn. 

Viết Nguyên

Nhịp cầu đầu tư

  




Văn bản gốc