5 thách thức trong số hóa ngân hàng ở Việt Nam
Ngành ngân hàng đang được đánh giá cao về độ nhanh nhạy trong số hóa nhưng cũng đang vướng không ít trở ngại để phát triển hết tiềm năng.
Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá ngành Ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào quản lý, kinh doanh. Công nghệ được xem là nền tảng cho lợi thế cạnh tranh mới khi kinh tế số phát triển, thúc đẩy xu hưởng thanh toán điện tử tăng nhanh.
Số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến cuối tháng 12/2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý 137.594 giao dịch, giá trị 73 triệu tỷ đồng. Con số này gấp 13 lần GDP.
Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa đủ khiến các ngân hàng ngại áp dụng công nghệ, dịch vụ mới ngoài nguôn khổ cho phép. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Ban Ngân hàng điện tử Vietcombank TP HCM cho rằng, việc chưa có khung pháp lý về chia sẻ, khai thác và lưu trữ dữ liệu khiến các ngân hàng chưa thể ứng dụng điện toán đám mây. Bên cạnh đó, quy định xác thực danh tính khách hàng (KYC) cũng cần cập nhật.
"Cân bằng giữa tuân thủ chính sách mà vẫn áp dụng được công nghệ mới là rất thách thức. Đơn cử như muốn dùng điện toán đám mây hay chuỗi khối nhưng chưa có quy định cụ thể", ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó tổng giám đốc Napas bình luận thêm.
Thứ hai, thói quen sử dụng tiền mặt lâu đời của người dân rất khó thay đổi trong thời gian ngắn. Dù yêu thích mua hàng trực tuyến nhưng khoảng 90% giao dịch là thanh toán bằng tiền mặt. Cùng với đó, người dùng Việt Nam có quá nhiều lựa chọn thanh toán điện tử nên không mấy trung thành.
"Người dùng không có sự trung thành vì có quá nhiều ứng dụng, nhiều tài khoản để sử dụng. Họ sẽ chuyển đổi và chọn cái nào có nhiều lợi ích và tức thì nhất", ông Nguyên nhận định.
Thứ ba, bà Thu Hằng cho rằng chuyển đổi số đòi hỏi nguồn lực không nhỏ để đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ số, ngân hàng lõi.. Điều này tiêu hao nguồn lực con người, thời gian lẫn tài chính. Riêng mảng nhân lực, theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Thanh toán, quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra những biến động nhất định.
"Theo nhiều dự báo toàn cầu, xu hướng số hóa sẽ khiến nhu cầu nhân lực phổ thông trong ngành tài chính giảm. Tuy nhiên, việc làm mới sẽ liên tục phát triển nhưng phần đông là đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng số", ông Dũng nhận định.
Thứ tư, năng lực an toàn thông tin còn hạn chế. Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó tổng giám đốc Khối dịch vụ Tài Chính của EY Việt Nam cảnh báo, các ngân hàng không đầu tư hợp lý thì rủi ro an ninh mạng sẽ liên tục tăng.
Theo số liệu của EY Việt Nam, trong năm 2018, có 8.319 cuộc tấn công mạng vào liên quan đến ngành ngân hàng ở Việt Nam, 560.000 máy tính bị ảnh hưởng bởi phần mềm độc hại có thể đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng. Việt Nam xếp hạng 7 toàn cầu trong mục tiêu tấn công của Trojan (chương trình độc hại được ngụy trang với vẻ ngoài lành tính) ngân hàng năm 2018.
Thứ năm, ông Nguyễn Hưng Nguyên cho rằng các trung gian thanh toán, Fintech đang bị quản lý chặt nên khó mở rộng phân khúc khách hàng. Đơn cử như ví điện tử bắt buộc liên kết với tài khoản ngân hàng nên phải dùng chung tập khách hàng với các ngân hàng truyền thống. Trong khi đó, ngân hàng cũng làm ví điện tử hoặc các giải pháp thanh toán di động riêng.
"Hiện ở Việt Nam chỉ có một tập khách hàng dùng chung cho ngân hàng, trung gian thanh toán, Fintech trong khi không ai phục vụ tập khách hàng phân khúc dưới. Chính sách cho ví điện tử nên cởi mở hơn để phục vụ được nhiều phân khúc khách hàng", ông Hưng Nguyên nhận định.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng thanh toán cho rằng, so với thế giới thì việc số hóa ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang đi sau một chút nên cần thúc đẩy hơn trên cơ sở chấp chận văn hóa mới, thích ứng sự thay đổi.
"Trong kỷ nguyên số, người tiêu dùng cần được huấn luyện về kiến thức và kỹ năng tài chính. Ngoài ra, trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu sửa đổi chính sách về phòng chống rửa tiền, liên quan đến vấn đề KYC. Đồng thời, đề xuất cơ chế sandbox để thử nghiệm các giải pháp mới", ông Dũng nói.
Theo dự kiến, vào tháng 6 tới, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan bộ đầu tiên tại Việt Nam đề xuất lên Chính phủ về xây dựng cơ chế sandbox (khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát).
Viễn Thông
Theo VnExpress