Apple nhảy vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Apple đã quyết định chi 200 triệu USD mua lại công ty khởi nghiệp Turi - một dự án khởi nghiệp chuyên về máy học và trí thông minh nhân tạo (Machine Learning).
Thương vụ này cho thấy Apple ngày càng đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực máy học và trí thông minh nhân tạo. Trong một tuyên bố với GeekWire, đại diện của Apple cho biết: "Apple mua lại các công ty công nghệ nhỏ hơn theo thời gian và chúng tôi thường không thảo luận về kế hoạch cũng như mục đích của mình khi làm điều này".
Đây là thương vụ lớn thứ 2 của Apple tại Seattle trong vòng 2 năm qua. Năm 2014, gã khổng lồ công nghệ đã mua lại Union Bay Networks, một dự án khởi nghiệp về đám mây. Sau khi thương vụ hoàn tất, Apple vẫn giữ văn phòng của Union Bay Networks tại Seattle.
Turi là một trong số những công ty tại Seattle phát triển máy học và công nghệ trí tuệ nhân tạo. Các chuyên gia cho rằng Seattle có tiềm năng để trở thành trung tâm của ngành công nghiệp mới nổi này trong thời gian tới.
Các nguồn tin thân cận với Apple khẳng định thương vụ đã được chốt giá khoảng 200 triệu USD và đây là một thắng lợi lớn cho các nhà đầu tư ban đầu và cổ đông sớm của Turi. Carlos Guestrin, giáo sư Đại học Washington, người sáng lập công ty từ chối đưa ra bình luận khi phóng viên của GeekWire ghé thăm văn vòng của ông hôm sáng thứ Sáu.
Theo giới thạo tin, Turi dự kiến sẽ giữ lại trụ sở ở Seattle để tiếp tục giúp Apple nghiên cứu chuyên sâu về khoa học dữ liệu, trí thông minh nhân tạo và máy học. Turi gần đây đã đứng ra tổ chức một hội nghị về khoa học dữ liệu San Francisco và nhiều chuyên gia phân tích cho rằng hành động này góp phần khẳng định vị trí dẫn đầu của công ty trong lĩnh vực của mình.
Các sản phẩm của Turi bao gồm Turi Machine Learning Platform, GraphLab Create, Turi Distributed, Turi Predictive Services. Chúng được thiết kế chủ yếu để giúp các công ty lớn đưa ra các cảnh báo, phát hiện gian lận, dự đoán xu hướng khách hàng, phân tích tâm lý và phân khúc khách hàng.
Turi cho phép các nhà phát triển xây dựng ứng dụng với máy tính học tập và sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Các sản phẩm của Turi bao gồm Turi Machine Learning Platform, GraphLab Create, Turi Distributed, Turi Predictive Services. Chúng được thiết kế chủ yếu để giúp các tổ chức lớn, nhỏ xử lí dữ liệu của mình như đưa ra các cảnh báo, phát hiện gian lận, dự đoán xu hướng khách hàng, phân tích tâm lý và phân khúc khách hàng.
Turi bắt đầu như là một dự án mã nguồn mở tại Đại học Carnegie Mellon vào năm 2009 dưới sự hướng dẫn của Guestrin. Năm 2012, ông trở thành giảng viên của Đại học Washington. Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon đã đầu tư 2 triệu USD để hổ trợ Guestrin và vợ của ông, Emily Fox – hai giáo sư về máy học tại Đại học Washington tiếp tục phát triển dự án. Guestrin sau đó tách dự án mã nguồn mở tại UW thành công ty riêng của mình và đổi tên thành GraphLab. Theo hồ sơ trên LinkedIn thì ông vẫn là Giáo sư của Đại học Washington kiêm chuyên gia về máy học.
Một nguồn tin từ Bloomberg cho biết, Táo khuyết sẽ dùng công nghệ học máy để nâng cao khả năng tương tác của Siri (một chức năng điều khiển bằng giọng nói trong hệ điều hành iOS) với người dùng.
Ngoài ra, thương vụ cũng mang lại cho Apple cơ hội tiếp cận với cộng đồng các nhà khoa học trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Phương Linh
Tổng hợp