Ba biểu đồ bộc lộ thể trạng yếu kém của các ngân hàng châu Âu
Hơn tám năm từ ngày hệ thống tài chính toàn cầu sụp đổ, các nhà băng châu Âu vẫn đang chật vật. Mọi chuyện còn có thể tồi tệ hơn.
Theo CNBC, mối đe dọa mới nhất với các nhà băng thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đến từ nước Ý, nơi ngân hàng lâu đời nhất thế giới Monte dei Paschi đang dần cạn tiền mặt. Hôm 22.12, Monte dei Paschi cho hay họ sẽ vỡ nợ trong vòng bốn tháng trừ khi nhận được nguồn vốn mới. Trước đó, nhà băng còn cho biết đã có đủ tiền mặt để sống được trong 11 tháng.
Thất bại của ngân hàn này đe dọa khoản tiết kiệm của hàng ngàn người Ý, ám ảnh cả ngành ngân hàng quốc gia châu Âu. Ngành ngân hàng Ý vốn đã gánh 1/3 các khoản nợ xấu ở khu vực eurozone.
Thông tin về Monte dei Paschi được đưa ra sau khi Nghị viện Ý phê duyệt kế hoạch giải cứu ngân hàng 20 tỉ EUR, tương đương 20,89 tỉ USD, được tài trợ bằng tiền đi vay. Gánh nặng nợ Ý chiếm 133% GDP nước này và đứng cao thứ nhì trong khu vực eurozone, sau Hy Lạp.
Tăng trưởng GDP không đồng đều của các nước khu vực eurozone
Một gói cứu trợ sẽ cho nhà băng lâu đời nhất thế giới thêm thời gian, song nó không thể đảo ngược các lực lượng kinh tế đang tiếp tục xói mòn sức mạnh tài chính của các nhà băng châu Âu, đặc biệt là những cái tên bên ngoài hai nền kinh tế chủ chốt của khu vực là Đức và Pháp.
Các lực lượng chính trị cũng là mối đe dọa dai dẳng. Việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6 khiến cử tri ở nhiều nước khác xem xét việc hành động tương tự.
Mức độ nợ xấu ở các nước châu Âu ngoài Anh, Pháp và Đức tăng lên. Tỷ lệ nợ xấu trong tổng các khoản cho vay cao
Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại hãng phân tích dữ liệu High Frequency Economics, cho biết: “Nếu Ý di chuyển khỏi khu vực eurozone và rời EU, những tác động kinh tế, tài chính sẽ đẩy các nền kinh tế EU vào suy thoái”. Hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy áp lực kinh tế đang đặt lên quan hệ EU sẽ hạ trong thời gian tới.
Bất chấp việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, nhiều nước châu Âu ngoài Đức, Pháp và Anh vẫn còn mắc kẹt với chuyện không tăng trưởng hoặc tăng trưởng rất ít. Kinh tế trì trệ thúc đẩy nỗi lo tài chính của các cử tri châu Âu. Nó cũng làm tê liệt nhiều doanh nghiệp với những khoản vay họ không thể trả.
Ngành ngân hàng Mỹ phục hồi tương đối nhanh chóng hậu khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng nhiều nhà băng lớn châu Âu vẫn còn chật vật
Trong khi ngân hàng Mỹ từng hồi phục tương đối nhanh chóng sau khi tích cực hạ nợ xấu xuất phát từ cuộc khủng hoảng thế chấp năm 2008, ngân hàng châu Âu chậm chạp trong việc này. Giờ đây, nhiều ngân hàng khu vực đang gánh hàng tỉ EUR nợ xấu, số tiền có thể sẽ không bao giờ được hoàn trả.
Tăng trưởng kinh tế ì ạch tác động đến nhu cầu các khoản vay mới và đây là yếu tố ảnh hưởng lợi nhuận nhà băng châu Âu. Lãi suất cực thấp khiến nhiều doanh nghiệp đi vay trên thị trường tín dụng bằng cách phát hành trái phiếu, tiếp tục gây ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn.
Lợi nhuận kém cản trở nỗ lực của các sếp ngân hàng châu Âu trong việc gầy dựng lại vốn cần có để giảm nợ xấu. Giờ đây, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bước vào con đường nâng dần lãi suất, nhiều ngân hàng châu Âu sẽ còn tiếp tục chật vật đấu tranh với lợi nhuận thấp vì lãi suất thấp.
Thu Thảo
Tổng hợp