Tin tức

Trang chủ » » Bài học đương đầu đại dịch COVID-19 của các doanh nghiệp lớn

Bài học đương đầu đại dịch COVID-19 của các doanh nghiệp lớn

23/11/2020

Chuyên mục: Tin tức In trang

Nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng kép do tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp; đồng thời chịu tác động mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và giá dầu giảm sâu.

Nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng kép do tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Shutterstock

Trong bối cảnh đó, hầu như tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, tùy loại hình, lĩnh vực hoạt động, đối tượng khách hàng và quy mô, mỗi doanh nghiệp có những vấn đề riêng cần phải giải quyết; mỗi doanh nghiệp phải tự tìm kiếm con đường tồn tại và từng bước phát triển. Có thể nói, khủng hoảng gắn với đại dịch COVID-19 chính là sự sàng lọc khốc liệt, dẫn đến tái cấu trúc thị trường và tái sắp xếp thị phần, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Trong khảo sát do Vietnam Report thực hiện mới đây, có 24,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) 9 tháng năm 2020 tăng so với cùng kỳ 2019, 36,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD cơ bản ổn định và 39,0% doanh nghiệp cho biết hoạt động SXKD giảm đi. Mặt khác, cũng trong khảo sát này, khi được hỏi về biến động doanh thu 9 tháng đầu năm 2020, 41,5% doanh nghiệp cho biết doanh thu bị giảm so với cùng kỳ năm 2019, 43,9% doanh nghiệp đánh giá doanh thu tăng và chỉ có 14,6% doanh nghiệp cho rằng chỉ tiêu này là cơ bản ổn định.

Hình 1: Đánh giá tình hình hoạt động SXKD & biến động doanh thu của doanh nghiệp trong 9 tháng năm 2020

TCBC VNR500 2020_H4

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2020

Trong thời gian khó khăn vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) – những doanh nghiệp vừa “đứng mũi chịu sào” vừa là đầu tàu vững chắc trong nền kinh tế quốc gia.

Theo đó, nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 như: áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh… 

Một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đã sớm nhận thức được xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số... tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm; y tế, hoá dược phẩm, chuyển đổi số, e-logistics…; nắm bắt cơ hội thị trường mới để tái cơ cấu, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá. 

Có doanh nghiệp coi bối cảnh khủng hoảng như cơ hội để nhìn nhận lại năng lực thực sự, khả năng thích ứng của doanh nghiệp mình trước biến cố thị trường để chủ động rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn, xây dựng phương án đổi mới mô hình sản xuất, chiến lược kinh doanh mới để nhanh chóng nắm bắt tín hiệu, nhu cầu mới của thị trường.

Có doanh nghiệp tận dụng thời cơ để tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết, mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm và dịch vụ để củng cố thị phần và chiếm lĩnh thị trường. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cũng cần chuẩn bị về chiến lược cho kịch bản hậu COVID-19. Theo khảo sát của Vietnam Report, top 5 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp VNR500 bao gồm: Tăng cường đào tạo nhân viên, tối đa hóa nguồn nhân lực (90,4%); Giảm thiểu chi phí (86,5%); Tăng cường ưu thế cạnh tranh (73,1%); Tăng cường nguồn vốn cho ứng dụng công nghệ và kĩ thuật số (53,8%); Đẩy mạnh trải nghiệm khách hàng (42,3%).

Hình 2: Những chiến lược ứng phó trong dịch và phục hồi sau dịch của doanh nghiệp

TCBC VNR500 2020_H7

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2020

Những bài học, kết quả đương đầu dịch bệnh COVID-19 nêu trên chính là những cơ sở đấy thuyết phục để tin rằng kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt nói riêng sẽ có những bước phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

 

Vietnam Report

 

  




;

Văn bản gốc


;