Bán thương hiệu quốc gia: Không quan trọng là nội hay ngoại?
Bắt đầu có những hoài nghi về việc phương án đấu giá công khai sẽ không thể đảm bảo được việc duy trì các thương hiệu quốc gia như Vinamilk, Sabeco, Habeco... cũng như việc nên có biện pháp ưu tiên cho doanh nghiệp nội đủ tiềm lực để tránh việc nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Sự kiện kinh tế vĩ mô quan trọng nhất trong thời gian vừa qua là việc Chính phủ lên kế hoạch thoái hết vốn khỏi một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn với số lượng dao động từ 10-12. Có nhiều điều đáng nói về sự kiện này, khi nó không chỉ đơn thuần là việc bán hết số cổ phần nhà nước nắm giữ và đem lại cho Chính phủ nhiều tỉ USD; mà nó còn là một sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mức độ lớn nhất trong đó khối quốc doanh dần thu nhỏ phạm vi hoạt động và nhường chỗ cho khu vực kinh tế tư nhân.
Theo dự kiến của Chính phủ, các đợt thoái vốn tại các DNNN lớn này sẽ diễn ra theo cách thức niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) để xác định giá trị thực trước khi tiến hành đấu giá công khai để thu về giá bán lớn nhất có thể. Nhưng cũng bắt đầu có những hoài nghi về việc phương án đấu giá công khai sẽ không thể đảm bảo được việc duy trì các thương hiệu quốc gia này, cũng như việc nên có biện pháp ưu tiên cho doanh nghiệp nội đủ tiềm lực để tránh việc nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các doanh nghiệp nước ngoài. Những lo ngại đó có thực sự có căn cứ?
Câu chuyện bán thương hiệu quốc gia là những DNNN lớn có tên tuổi được công nhận trong và ngoài nước như Vinamilk, Sabeco, Habeco… hiện tại đang gặp phải một vướng mắc không dễ giải quyết. Đó là sự xung đột giữa việc bảo toàn tối đa tài sản nhà nước khi thoái hết vốn khỏi các thương hiệu lớn, với việc đảm bảo lợi ích lâu dài cho nền kinh tế từ việc bán các doanh nghiệp này như các vấn đề về thương hiệu và người mua. Sự xung đột này đang gây tranh cãi lớn, và hầu như bên nào cũng có lý của riêng mình, khiến cho nếu như không được giải quyết ổn thỏa sẽ có thể phát sinh những sự trì hoãn nhất định trong việc thoái vốn.
Trước hết là sự xung đột giữa việc bảo toàn tối đa tài sản nhà nước và yếu tố thương hiệu. Quan điểm của Thủ tướng trong việc thoái hết vốn khỏi các DNNN lớn này là phải công khai minh bạch, đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất có thể. Theo đó, các thương hiệu lớn này trước hết sẽ được niêm yết trên TTCK để xác định giá trị thực trước khi đấu giá công khai cả trong nước lẫn quốc tế nhằm đảm bảo thu về lợi ích lớn nhất. Ngoài ra, sẽ công khai cả nhà đầu tư để chống tiêu cực, lợi ích nhóm (theo The Saigon Times).
Phương án này nếu được thực hiện sẽ đảm bảo đem lại giá trị lớn nhất cho nhà nước mà không sợ bị ảnh hưởng và tác động bởi lợi ích nhóm. Tuy nhiên, phát sinh vấn đề là nếu tiến hành theo phương pháp này, đồng nghĩa với việc bất cứ ai cũng có thể mua các DNNN này miễn là có đủ tiền, thì không thể đảm bảo việc yêu cầu duy trì các thương hiệu quốc gia này trong tương lai. Nói cách khác, những thương hiệu đã trở thành tên tuổi mang tầm quốc gia như Vinamilk, Sabeco, Habeco có thể sẽ bị đổi tên và biến thành công ty con cho một tập đoàn quốc tế nào đó trong tương lai.
Vấn đề gây tranh cãi thứ hai, là việc liệu Việt Nam có nên đưa ra những ưu tiên nhất định cho các doanh nghiệp nội đủ tiềm lực, để tránh việc các DNNN lớn này lọt vào tay các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó khiến nguy cơ nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào khối ngoại sẽ ngày càng tăng lên hay không. Những lo ngại này là có cơ sở khi khá nhiều lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng rơi vào tay các ông chủ nước ngoài nhiều hơn, trong khi mức đóng góp cho ngân sách và nền kinh tế lại không xứng tầm. Các trường hợp như báo lỗ để tránh phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp khá phổ biến với các doanh nghiệp FDI, điển hình như Coca-Cola, KeangNam, Metro.
Thậm chí là những trường hợp báo lãi nhưng số thuế phải nộp cho ngân sách lại rất hạn chế, như trường hợp điển hình là Samsung khi hai công ty con của tập đoàn này ở Việt Nam có mức lợi nhuận 3,1 tỉ USD trong năm 2015 và về lý thuyết phải đóng 13.000 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng do được hưởng ưu đãi (thực chất là có được do đòi hỏi) nên số thuế phải đóng chỉ còn khoảng 2.600 tỉ đồng mà thôi (theo CafeF). Nói cách khác, không có gì đảm bảo khi các doanh nghiệp ngoại thâu tóm Vinamilk, Sabeco hay Habeco lại không chơi trò chuyển giá, báo lỗ, hay đóng thuế thu nhập ít hơn cho ngân sách. Ưu tiên bán cho doanh nghiệp nội vì thế có thể thu về số tiền ít hơn, nhưng ít ra thì những nguy cơ trên có thể được giảm thiểu, ngoài ra nó còn thúc đẩy khối tư nhân trong nước phát triển, giảm nguy cơ nền kinh tế phụ thuộc vào khối FDI.
Tuy nhiên, những quan điểm trên cũng chưa chắc đã là phù hợp. Về vấn đề thương hiệu, vẫn có cách để Việt Nam bảo vệ các thương hiệu quốc gia thông qua bán đấu giá dù người mua có là ai chăng nữa. Theo Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, thì vẫn có cách để nhà nước có quyền phủ quyết việc thay đổi thương hiệu dù không nắm lượng lớn cổ phần thông qua những rào cản kỹ thuật, đó là sử dụng hình thức “cổ phần vàng” là những cổ phần có quyền biểu quyết một số vấn đề như thương hiệu
Ông Tiến cũng khẳng định, điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và đã có nhiều trường hợp trước đó trên thế giới sử dụng hình thức “cổ phần vàng” để bảo vệ thương hiệu quốc gia. Nói cách khác, Việt Nam hoàn toàn có thể bán các thương hiệu quốc gia cho doanh nghiệp nước ngoài mà không sợ mất thương hiệu. Ngoài ra, nguy cơ bị biến thành công ty con cho các tập đoàn quốc tế sau khi thoái vốn cũng ít có thể xảy ra, vì các quy định hạn chế giao dịch của các bên liên quan trong công ty niêm yết.
Điều tương tự cũng diễn ra đối với đề xuất nên có những ưu tiên cho doanh nghiệp nội có đủ tiềm lực được mua các thương hiệu quốc gia này. Trên thực tế, đề xuất này đi liền với một nguy cơ rất lớn là lợi ích nhóm. Không có quy định nào có thể ràng buộc các doanh nghiệp trong nước đảm bảo rằng họ sẽ không bán lại các thương hiệu quốc gia này cho đối tác nước ngoài với cái giá cao hơn sau đó.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, nếu bán cho doanh nghiệp trong nước thì chỉ có thể buộc họ cam kết giữ cổ phần trong 3 năm mà thôi; sẽ không có chế tài nào buộc các doanh nghiệp này duy trì sở hữu và vận hành các thương hiệu lớn này trong tương lai nhiều năm tới (theo CafeF). Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thể dẫn đến nguy cơ một nhà đầu tư nước ngoài cấu kết với một doanh nghiệp trong nước xin mua lại những thương hiệu quốc gia này với giá ưu đãi, và sau đó một vài năm sẽ bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài đó để ăn chênh lệch. Khi đó thì Việt Nam thiệt cả đôi đường, vừa không bán được với giá cao vừa để mất tài sản vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Nhàn Đàm
Tổng hợp