Bảo đảm cung ứng thuốc bình ổn thị trường
Từ năm 2015 đến nay, các loại thuốc thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố gồm 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước với 170 hoạt chất, 551 mặt hàng thuốc trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều và số doanh nghiệp (DN) dược tham gia chương trình cũng tăng lên.
Kết quả này cho thấy, chương trình bình ổn giá thuốc tiếp tục chi phối thị trường, góp phần ổn định hoạt động sản xuất dược của các DN, ổn định giá thuốc, đồng thời giúp người dân có nhiều lựa chọn thuốc hơn trong điều trị bệnh... |
Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn (năm 2015 - 2016), Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương để triển khai; phối hợp Sở Tài chính thẩm định toàn bộ giá bán lẻ của 551 mặt hàng thuốc bình ổn. Sở Y tế cũng thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc lãnh đạo các bệnh viện chỉ đạo thầy thuốc kê đơn thuốc nội, thuốc bình ổn giá trong điều trị và đưa nội dung kê đơn thuốc bình ổn giá vào công tác thi đua, khen thưởng. Thực tế cũng cho thấy, các bệnh viện đã tích cực vận động các bác sĩ điều trị kê đơn thuốc bình ổn giá, có nhiều giải pháp kiểm soát việc kê đơn thuốc, chỉ đạo nhà thuốc trong bệnh viện thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia chương trình bình ổn giá thuốc. Thông qua việc chỉ định dùng thuốc của thầy thuốc, thuốc trong chương trình được phân phối đến tận tay người bệnh, nhất là người có thu nhập thấp, thường dễ mắc bệnh và có nhu cầu dùng thuốc nhiều. Theo dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, giá bán thuốc bình ổn thấp hơn giá thị trường ít nhất 5 đến 10%, do đơn vị tham gia chương trình xây dựng, đăng ký với Sở Y tế, được Sở Tài chính phê duyệt và giữ ổn định đến cuối tháng 3-2016. Doanh số thuốc bình ổn tiếp tục tăng theo từng tháng. Trong đó, doanh số thuốc bình ổn giá bán ra của từng DN đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho doanh số bán thuốc nội tăng hơn so với năm 2014. Doanh số thuốc bình ổn bán ở các nhà thuốc bệnh viện chiếm khoảng 30% tổng doanh số bán thuốc bình ổn của toàn thành phố. Theo số liệu thống kê, tổng doanh số bán của 551 mặt hàng thuốc của chương trình gần 81 tỷ đồng. Ước tính doanh số bán các loại thuốc bình ổn năm 2015 khoảng 115 tỷ đồng, tăng 1,03 lần so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lệ giá trị thuốc bình ổn giá trên tổng giá trị thuốc nội được sử dụng ở các bệnh viện ở thành phố tăng từ 20% lên 30%; các bệnh viện quận, huyện tăng từ 30% lên 40%, góp phần làm cho tỷ lệ tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các bệnh viện tuyến thành phố đạt 45% và tuyến quận, huyện đạt 65% trong tổng số tiền thuốc điều trị. Sở Y tế thành phố đã phát triển thêm 683 điểm bán thuốc (với 662 nhà thuốc tư nhân, ba nhà thuốc bệnh viện và 18 nhà thuốc DN, đại lý thuốc), nâng tổng số nhà thuốc tham gia bán thuốc bình ổn lên 3.852 điểm bán, trong đó có 3.098 nhà thuốc tư nhân, 120 nhà thuốc bệnh viện và 634 nhà thuốc DN, đại lý thuốc, có trang bị đầy đủ băng-rôn, bảng giá thuốc bình ổn. Thuốc bình ổn đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân. Giá thuốc bình ổn thấp và ổn định, tránh được tầng lớp trung gian. Thuốc bình ổn về giá có chất lượng, hiệu quả điều trị tốt, được người bệnh quan tâm. Các DN dược tham gia chương trình ngày càng tăng dần, khá ổn định. Điều này chứng tỏ, chương trình bình ổn là một kênh hoạt động có hiệu quả để các DN có thể đưa sản phẩm đến người dân và người dân có thể mua thuốc giá rẻ, chất lượng tốt. Hiện nay, số điểm bán thuốc bình ổn về giá đã chiếm khoảng 65% số điểm bán thuốc lẻ trên địa bàn thành phố. Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu (năm 2016 – 2017) sẽ tập trung duy trì khoảng 550 mặt hàng thuốc bình ổn, đưa vào danh mục một số thuốc sản xuất trong nước có chất lượng cao; duy trì tham gia phân phối thuốc bình ổn là 14 DN; phấn đấu tăng số điểm bán thuốc bình ổn về giá từ 3.862 lên 4.000 nhà thuốc và tăng doanh số bán từ 115 tỷ đồng/năm lên 120 tỷ đồng/năm. Thuốc trong chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, bảo đảm chất lượng, đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” - GMP - WHO, “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” - GLP, “Thực hành tốt bảo quản thuốc” - GSP, “Thực hành tốt phân phối thuốc” - GDP… Ngân An Tổng hợp |