Tin tức

Trang chủ » » Bầu cử Mỹ tác động kinh tế Việt Nam ra sao?

Bầu cử Mỹ tác động kinh tế Việt Nam ra sao?

11/11/2020

Chuyên mục: Tin tức In trang

Nhiều khả năng quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ sẽ không có sự xáo trộn tức thì sau khi Mỹ có tân tổng thống

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Ðại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhận định dù bất cứ ai ngồi vào ghế tổng thống Mỹ sắp tới cũng phải đối mặt với một nước Mỹ khủng hoảng đa chiều. Bởi vậy, tuy cách tiếp cận khác nhau nhưng chắc chắn chính sách của vị tổng thống nào cũng sẽ bắt đầu từ những lợi ích căn bản của nước Mỹ. Ðiều này chắc chắn sẽ tác động đến các nền kinh tế trên thế giới cũng như Việt Nam.

Cạnh tranh Mỹ - Trung khó giảm

Cụ thể hơn, ông Phạm Quang Vinh cho rằng nước Mỹ dù chia rẽ đến đâu cũng đều phải giải quyết bài toán hóc búa nhất là kiểm soát đại dịch Covid-19 và vượt qua khủng hoảng kinh tế. "Nước Mỹ từ đầu năm đến nay kinh tế sụt giảm đến 31,4%, với hơn 22 triệu người bị tạm dừng công việc. Báo cáo quý III cho thấy kinh tế tăng trưởng trở lại với mức 33% nhưng GDP cả năm vẫn sẽ âm. Bức tranh này là thách thức rất lớn với tân tổng thống trong những quyết sách liên quan đến kinh tế" - ông Phạm Quang Vinh phân tích.

Cựu đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, chính sách đối ngoại vẫn sẽ tập trung giành lại lợi ích cho nước Mỹ và giảm thâm hụt thương mại, trong đó rõ nhất là thương chiến Mỹ - Trung Quốc. Trong khi đó, ứng viên Joe Biden có nhiều thiên hướng xây dựng chính sách giống với thời kỳ 8 năm Tổng thống Obama nắm quyền, cũng là thời kỳ ông giữ vai trò Phó Tổng thống. Tức là 2 nước Mỹ, Trung Quốc vẫn có "cửa" để hợp tác thương mại song song với các chính sách đan xen của Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. "Tuy vậy, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã định vị mối quan hệ của Mỹ với nước lớn là quan hệ cạnh tranh chiến lược. Phía Trung Quốc những năm qua cũng không còn duy trì chiến lược "giấu mình chờ thời" nữa. Do đó, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc vẫn sẽ gia tăng nhưng theo cách cập nhật và tiếp cận để có tầm nhìn chính sách mới" - ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Cựu Tham tán công sứ thương mại Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, ông Đào Trần Nhân, cũng nhận định các tổng thống Mỹ luôn có chung chính sách kìm hãm Trung Quốc. Chiến tranh thương mại chính là một trong những cách được lựa chọn, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng muốn thể hiện mình trong vai trò lãnh đạo kinh tế thế giới khi tuyên bố chương trình "Made in China 2025". "Về lâu dài hay trước mắt, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều muốn kiềm chế Trung Quốc nhưng mức độ đến đâu thì cần quan sát thêm. Dù sao với vai trò phó tướng cho Tổng thống Obama suốt 8 năm, ông Biden chắc chắn hiểu rõ Trung Quốc và cơ bản duy trì chính sách của ông Trump trong thời gian tới. Nếu có thay đổi cũng không thể diễn ra nhanh chóng nhưng chắc chắn sẽ có những thay đổi nhỏ, bởi Mỹ không hề giấu giếm khi gọi Trung Quốc là một trong 2 đối thủ của mình" - ông Đào Trần Nhân bình luận.

Theo ông Nhân, chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục là cơ hội tốt cho Việt Nam. Trong đó, dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến nền sản xuất của nhiều quốc gia chao đảo, trong khi Việt Nam nhờ kiểm soát tốt nên ít chịu ảnh hưởng. Từ đó, hàng hóa Việt Nam xuất đi Mỹ trong 10 tháng qua tăng 27% và chiếm tới 25% tổng xuất khẩu của Việt Nam đến tất cả thị trường. Trong đó, thực phẩm chế biến phục vụ ăn vặt, đồ nhựa, đồ gỗ phục vụ làm vườn ghi nhận xuất khẩu gia tăng do tỉ lệ người Mỹ ở nhà phòng tránh dịch bệnh tăng. Còn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đến các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Bầu cử Mỹ tác động kinh tế Việt Nam ra sao? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, dù ứng cử viên đảng nào làm tổng thống thứ 46 của Mỹ, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển. Ảnh: Hoàng Triều

Không sớm quay lại TPP

Là người có mặt trực tiếp tại Mỹ vào thời điểm ông Trump đắc cử tổng thống, cựu đại sứ Phạm Quang Vinh cho hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) từng là sự đầu tư rất lớn của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Biden nhằm kết nối 2 bờ Đại Tây Dương, tạo chuỗi cung ứng giá trị thương mại. Tuy nhiên, vào năm 2016 khi nước Mỹ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, cuộc đấu chính trị giữa các nước đã thay đổi. Cùng với đó, quan điểm của cử tri trong lòng nước Mỹ cũng thay đổi và họ muốn đánh giá lại các hiệp định thương mại để xem Mỹ có thua thiệt hay không. 

"Đúng là Tổng thống Trump khi lên nắm quyền đã quyết định nhanh chóng rút Mỹ khỏi TPP nhưng kể cả đối thủ của ông đắc cử cũng chưa chắc nuôi sống được hiệp định này bởi Mỹ tham gia TPP sẽ mang lại nhiều thách thức cho chính họ. Ngay tại thời điểm này, cử tri Mỹ cũng không hẳn đã muốn TPP" - ông Vinh chỉ rõ và cho rằng ông Biden nếu nắm quyền tổng thống và muốn quay lại TPP thì cũng phải cập nhật, làm mới hiệp định này.

Theo ông Đào Trần Nhân, chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Trump chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến các đời tổng thống sau nên việc khởi động lại tiến trình quay lại TPP của Mỹ phải cần một thời gian. "Có khả năng lớn Mỹ quay lại hiệp định này nhưng chưa chắc kịp hoàn thành trong nhiệm kỳ đầu của ông Biden nếu ông trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, nhất là khi nước Mỹ chắc chắn sẽ cần rà soát và đàm phán lại để thể hiện vai trò leader (lãnh đạo) chứ không chấp nhận vai trò follower (theo đuôi)" - ông Nhân nhìn nhận.

Nêu góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh tin tưởng vào khả năng Mỹ xem xét tham gia CPTPP trong tình huống Đảng Dân chủ giành chiến thắng. Đặt vào bối cảnh Trung Quốc cũng từng bày tỏ động thái quan tâm đến hiệp định này, TS Lê Đăng Doanh đánh giá rõ ràng Việt Nam ngoài việc khai thác thị trường Mỹ thì có khả năng thu được lợi thế từ xuất khẩu chính ngạch đến từ thị trường láng giềng rộng lớn.

 

Việt Nam có vị trí quan trọng

Cựu đại sứ Bùi Quang Vinh nhìn nhận với quan hệ Việt - Mỹ 25 năm qua liên tục phát triển qua nhiều lần Mỹ thay đổi chính quyền, kết quả của cuộc bầu cử lần này không ảnh hưởng đến các mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế... của 2 nước. Riêng kinh tế, con số tăng trưởng thương mại gấp 150 lần trong 25 năm cho thấy dù bất cứ tổng thống nào, quan hệ thương mại cũng sẽ tăng trưởng. "Quan hệ hai bên cơ bản có nền tảng để phát triển. Tất nhiên, chính sách của tân tổng thống sẽ có những điều chỉnh ưu tiên so với nhiệm kỳ trước nên hai phía cần nỗ lực tìm hiểu điểm mới để cùng nhau chia sẻ và xử lý hài hòa" - ông Vinh lưu ý.

Ông Đào Trần Nhân đánh giá Việt Nam có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Do vậy, bất cứ tổng thống Mỹ nào cũng sẽ coi trọng vị trí địa chính trị của Việt Nam trong chiến lược kìm hãm Trung Quốc, nhất là khi sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông ngày càng gia tăng.

 

 

Phương Nhung

Theo Người Lao Động

  




Văn bản gốc