Bloomberg lý giải vì sao việc chào bán cổ phần trên TTCK Việt Nam kém sôi động
Hãng tin Bloomberg vừa đưa ra lý giải vì sao hoạt động chào bán cổ phần trên TTCK Việt Nam kém sôi động kể từ đầu năm, có thể kể đến như việc thị trường đang trong trạng thái "không chắc chắn", quy mô chào bán cổ phần nhỏ đi liền với các công ty có vốn hóa thấp, quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm chạp...
Hãng tin Bloomberg cho hay, sau khi đạt doanh số bán cổ phần kỷ lục trong năm ngoái, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang gặp khó khi có ít doanh nghiệp bán cổ phần cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường trong trạng thái "không chắc chắn".
5 tháng đầu năm 2019, trên TTCK Việt Nam, có 21 doanh nghiệp đã bán cổ phần kể từ đầu năm, thu về thêm 281 triệu USD. Trong khi đó cùng kỳ năm ngoái, 39 doanh nghiệp đã thu được 3,51 tỷ USD từ việc bán cổ phần, cao nhất từ trước đến nay, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Bloomberg.
Sự khác biệt lớn nhất cho đến nay, theo Bloomberg, là việc không có công ty chất lượng nào chào bán cổ phần. Trong 5 tháng đầu năm ngoái, có 8 thương vụ trị giá hơn 100 triệu USD, trong khi từ đầu năm 2019 đến nay, tất cả các thương vụ đều dưới 80 triệu USD.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, quy mô bán cổ phần khá nhỏ đi liền với các công ty có vốn hóa thị trường thấp không tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2017 và năm 2018, thị trường Việt Nam rất khác, theo nhận định của Bloomberg. TTCK Việt Nam đã ghi nhận doanh số bán cổ phần lớn nhất từ trước đến nay, trong đó có thương vụ chào bán cổ phần của Vincom Retail vào năm 2017 thu về 16.100 tỷ đồng (688 triệu USD), doanh số bán cổ phần của Techcombank vào tháng 4 năm ngoái lên tới 922 triệu USD, trong khi nhà phát triển bất động sản Vinhomes cũng thu về gần 1,4 tỷ USD cũng trong tháng đó.
VN-Index đã mất 2% trong tháng 5, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 12/2018, do căng thẳng thương mại gia tăng làm tổn thương tâm lý thị trường. Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương thì mất 6,2% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
TTCK Việt Nam cũng chứng kiến việc giảm giá trị giao dịch. Giá trị trung bình hàng ngày trên HoSE trong 5 tháng năm nay là 170 triệu USD, so với khoảng 320 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Bloomberg.
Thêm vào đó, việc thị trường vốn cổ phần trầm lắng có nguyên nhân đến từ sự "thất bại" của chính phủ trong việc thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra nhanh hơn. Quá trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước đã chậm hơn nhiều so với dự kiến của chính phủ, với số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm nay lên đến 97 doanh nghiệp.
Trong nỗ lực đẩy nhanh quá trình, chính phủ Việt Nam gần đây đã cho phép các doanh nghiệp nhà nước áp dụng phương pháp dựng sổ, cho phép các doanh nghiệp ý thức tốt hơn về sự "thèm muốn" của nhà đầu tư đối với các dịch vụ của họ, từ đó đưa ra mức giá phù hợp.
Thanh Long
Theo VietnamFinance