Tin tức

Trang chủ » » Bộ Tài chính: Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Tài chính: Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

04/11/2020

Chuyên mục: Tin tức In trang

Vừa qua, Bộ Tài chính nhận được một số kiến nghị, đề nghị tiếp tục giãn, giảm, gia hạn đối với nhiều loại thuế. Bộ Tài chính cho biết, đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành một loạt các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ Tài chính: Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp - Thời  báo Tài chính

Bộ Tài chính đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: Internet

Số tiền hỗ trợ hiện đã lên tới gần 100.000 tỷ đồng. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Miễn, giảm thuế, phí lên đến 30 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, Bộ Tài chính đã đề xuất về chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Trong đó gói giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất miễn, giảm thuế, phí và lệ phí có tổng giá trị là gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền miễn, giảm thuế, phí và lệ phí ước cả năm là khoảng 30 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể: trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đã giảm thuế 24 nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô (số thuế dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng)...

Cân đối trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm

Theo Bộ Tài chính, việc khôi phục dần các hoạt động trên cơ sở nới lỏng giãn cách xã hội cũng đang là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển và đây cũng chính là thời điểm bước vào giai đoạn mới của thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tiếp tục chống dịch vừa thực hiện phục hồi kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính trong thời gian tới sẽ tập trung đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Theo đó, hiện nay Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 134/2016/NĐ-CP để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản…

Thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm tới 23 nghìn tỷ đồng

Bộ Tài chính đã trình các cấp ban hành các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, đã trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội thông qua Nghị quyết số 116/2020/QH14 giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác (số thuế dự kiến giảm thu khoảng 23.000 tỷ đồng)...

Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nêu trên, NSNN vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển (đầu tư công) và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh...

Đây đang là thách thức rất lớn cho việc điều hành, cân đối NSNN cũng như mục tiêu thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phòng chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2020 theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất, đảm bảo hiệu quả của chính sách. Đồng thời, bộ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế và quá trình thực hiện các giải pháp đã ban hành để nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể để đề xuất các giải pháp phù hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, ngành Tài chính tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính; tăng cường hiện đại hóa hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Minh Anh

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

  




;

Văn bản gốc


;