Bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp FAST 500 trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Trong khuôn khổ Bảng xếp hạng FAST500 năm 2022, Vietnam Report đã công bố kết quả khảo sát các doanh nghiệp nhằm phác họa bức tranh tăng trưởng, những yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp và những định hướng hoạt động trong thời gian tới.
Giai đoạn 2019-2020 tăng trưởng doanh thu giảm do tác động của đại dịch
Trong giai đoạn 2019-2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trung bình của Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đạt 22,5%. Cụ thể, xét theo khu vực kinh tế, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có CAGR trung bình đạt 24,1%; khu vực tư nhân đạt 23,2% và khu vực Nhà nước đạt 16,6%.
CAGR trung bình theo khu vực kinh tế của BXH FAST500
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 02/2022 |
Như vậy có thể thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp FAST500 thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đó. Một điều đáng chú ý trong Bảng xếp hạng năm nay là khu vực FDI vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định và vươn lên chiếm vị thế dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng doanh thu trung bình, mặc dù số lượng doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 6% trong bảng.
Năm 2021, doanh nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định
Số liệu thống kê từ Bảng xếp hạng FAST500 của 186 doanh nghiệp trả lời khảo sát và doanh nghiệp niêm yết cho thấy, 75,8% số doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng về doanh thu trong năm 2021 và chỉ có 23,7% số doanh nghiệp cho biết doanh thu của họ bị giảm đi so với năm 2020. Cùng với đó, có 72,6% số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng lên so với năm trước và gần 1/3 trong số đó đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 75%.
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp FAST500 năm 2022
Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng FAST500 năm 2022, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 02/2022 |
Từ đồ thị, dễ dàng quan sát thấy đa phần các doanh nghiệp có mật độ tập trung cao ở phần tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trước thuế. Khu vực có kích thước lớn nhất thể hiện các doanh nghiệp FAST500 đánh giá mức doanh thu và lợi nhuận năm 2021 tăng dưới 50% so với năm trước đó, chiếm 40,3% tổng số doanh nghiệp. Ngoài ra, 14% tổng số doanh nghiệp ghi nhận sự giảm sút về cả hai chỉ tiêu của năm 2021 so với năm 2020.
Dịch bệnh nẫn là nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường dẫn đến hoạt động SXKD bị gián đoạn do các quy định về giãn cách (94,6%); Chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao (75,7%); Nhu cầu thị trường biến động (70,3%); Gián đoạn chuỗi cung ứng (62,2%); Các vấn đề về nhân sự: Tuyển dụng và giữ chân nhân sự, tiền lương, bảo hiểm,… (38,7%); Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới (37,8%) là sáu thách thức và rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp FAST500 trong năm vừa qua.
Những khó khăn của các doanh nghiệp FAST500 năm 2021 và 2022
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 02/2022
Cũng theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2021 tiếp tục được coi là những thách thức tác động tới tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2022, đó là: Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng và sự biến đổi của thị trường năng lượng (78,4%); Thiên tai, tác động khó lường của Omicron và các dịch bệnh khác (78,4%); Chi phí nhân công tăng và khó tuyển dụng được nhân tài phù hợp với yêu cầu lao động của doanh nghiệp (59,5%) và Khả năng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường do “ách tắc” của chuỗi cung ứng (54,1%).
Triển khai tốt công tác điều hành là chìa khóa tăng trưởng
Triển khai tốt công tác điều hành, đặc biệt trong việc kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó với dịch là yếu tố dẫn đầu đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp FAST500 theo đánh giá của 100% số doanh nghiệp. Kế đến, với lợi thế sẵn có đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao đã góp phần làm nên thành công của doanh nghiệp trong năm vừa qua với lựa chọn của 86,5% số doanh nghiệp trả lời khảo sát. Yếu tố thứ ba đóng góp cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp FAST500 - chiếm 73,0% - đó là việc doanh nghiệp đã tập trung khai thác và phát triển thị trường hiện có. Và song song với đó, 54,1% số doanh nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng nhờ vào việc phát triển các dòng sản phẩm mới và ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành.
Những yếu tố đóng góp vào tăng trưởng của các doanh nghiệp FAST500
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 02/2022
Cũng theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2021 tiếp tục được coi là những thách thức tác động tới tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2022, đó là: Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng và sự biến đổi của thị trường năng lượng (78,4%); Thiên tai, tác động khó lường của Omicron và các dịch bệnh khác (78,4%); Chi phí nhân công tăng và khó tuyển dụng được nhân tài phù hợp với yêu cầu lao động của doanh nghiệp (59,5%) và Khả năng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường do “ách tắc” của chuỗi cung ứng (54,1%).
Từ kết quả khảo sát trên có thể thấy, so với thời điểm năm 2020 khi mà dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện và các doanh nghiệp còn phải phụ thuộc nhiều vào các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ để vượt qua, thì năm 2021, các doanh nghiệp đã chủ động hơn với các biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt và phù hợp để dần thích nghi với bối cảnh mới. Song song với đó, các doanh nghiệp FAST500 vẫn tiếp tục duy trì các chiến lược kinh doanh cốt lõi trong nhiều năm qua, đó là phát triển thị trường hiện có, phát triển các dòng sản phẩm mới và khai phá phân khúc thị trường tiềm năng.
Bước sang năm thứ ba kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, quá trình chuyển đổi số đã được xem như sự lựa chọn mang tính thời sự, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp chứ không còn thời gian để “dè dặt” thử nghiệm. Qua đó, các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động, cung ứng hàng hóa và dịch vụ, tồn tại và thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Một trong những minh chứng rõ nét nhất là sự bùng nổ của các kênh thương mại điện tử trên các sàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki... . Đồng thời, khi Việt Nam chuyển đổi quan điểm trong phòng chống dịch thì chuyển đổi số càng trở thành điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp để có thể quản lý và vận hành công việc một cách trôi chảy, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí hoạt động.
Một điểm đáng lưu ý từ kết quả khảo sát, đó là tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá về các yếu tố liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng là rất thấp. Điều này cho thấy nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh dường như bị chững lại và ít được quan tâm hơn kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Nguyên nhân khách quan là do các cơ quan quản lý Nhà nước chú trọng nhiều hơn tới phòng chống dịch và thực hiện các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế những giải pháp tháo bỏ rào cản kinh doanh có xu hướng chậm lại, khiến điểm số cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, chỉ số phát triển bền vững và chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của nước ta bị giảm xuống trong hai năm trở lại đây.
Bước sang năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào Nghị quyết 02/2022 của Chính phủ về thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để các doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch an toàn.