Bước tiến của Viglacera trên thị trường kính
02/05/2024
Chuyên mục: Tin tức doanh nghiệp In trang
Không giống như nhiều loại vật liệu xây dựng khác, thị trường kính tại Việt Nam rất cô đặc, khi chỉ có 5 doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất. Các nhà máy sản xuất kính nổi danh thậm chí còn đếm chưa hết số ngón trên một bàn tay, gồm: Kính nổi Viglacera (Bình Dương), Kính siêu trắng Phú Mỹ (Vũng Tàu), Kính Việt Nhật (Bắc Ninh) và Kính Chu Lai (Ninh Bình).
Trong số này, VGC là đơn vị nổi bật hơn cả. Thống kê của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2023, chỉ có 2 năm 2019 – 2020 doanh thu kính, gương của VGC xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ đồng, do ảnh hưởng của dịch bệnh. Năm 2022, doanh thu kính, gương đạt đến đỉnh cao, 2.910 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp 3 lần năm 2020. 9 tháng năm 2023, doanh thu kính, gương tuy có giảm, song vẫn rất lớn, đạt 1.506 tỷ đồng, tương đương cả năm 2021.
Bước tiến của Viglacera trên thị trường kính. Ảnh: Viglacera
Không chỉ có thị phần lớn nhất, VGC còn đi đầu trong việc phát triển các dòng sản phẩm cao cấp như: kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng. Kính tiết kiệm năng lượng có bản chất là kính trắng được phủ lên bề mặt nhiều lớp phủ đặc biệt. Trong khi đó, kính siêu trắng (ultra clear glass) là loại kính trong suốt với khả năng truyền sáng tối đa tại mọi độ dày sản phẩm.
Nói riêng về kính siêu trắng, từ lâu đây là dòng sản phẩm rất được ưa chuộng trên thế giới với khả năng ứng dụng trong các công trình kiến trúc và nội thất cao cấp nhờ vào yếu tố thẩm mỹ và thân thiện môi trường. Trong những năm gần đây, kính siêu trắng dần được ưa chuộng tại Việt Nam, từ ứng dụng mặt dựng các showroom cao cấp, ban công, lan can cầu thang... cho tới “décor” (trang trí) nội thất nhà cửa, tủ trưng bày các đồ giá trị như trang sức, tủ rượu...
Dẫu vậy, thực tế đáng buồn là hầu hết sản phẩm kính siêu trắng trên thị trường Việt Nam lại là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ với giá cao.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu khác đi vào năm 2017 khi VGC cùng Công ty Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Khải Thịnh và Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) lập ra Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 35%, 35% và 30%.
Cùng năm đó, PFG đã triển khai xây dựng nhà máy sản xuất kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (tại Bà Rịa – Vũng Tàu), giai đoạn I có công suất 600 tấn/ngày. Trải qua 3 năm xây dựng, tới 2020, nhà máy đã đi vào hoạt động, sản xuất được kính có độ dày từ 3mm cho tới 12mm với kích thước thông dụng và khổ lớn tới 3.658mm x 4.000mm, có khả năng đáp ứng nhu cầu của các công trình với mặt dựng lớn.
Tháng 10/2021, VGC nhận chuyển nhượng 30% từ IDICO, qua đó đưa PFG trở thành công ty con. Đây là bước đi giúp VGC giành quyền chủ động hoàn toàn trên thị trường kính siêu trắng.
Một năm sau ngày thâu tóm PFG, tháng 11/2023, VGC chính thức tung ra những mét vuông kính siêu trắng đầu tiên tại Việt Nam. Sản phẩm có độ dày tiêu chuẩn từ 3mm cho tới 12mm, là dòng sản phẩm kính có hàm lượng sắt thấp (low iron) giúp kính trong suốt, độ thấu quang tới 91,5% (kính thường là 86%).
Dòng kính siêu trắng này được ứng dụng trong kiến trúc xây dựng, thiết kế nội thất (gương cao cấp, bàn ghế, tranh ghép, kính phun sơn...), kính tiết kiệm năng lượng và các ứng dụng công nghiệp khác như làm phôi để sản xuất pin năng lượng mặt trời cũng như ứng dụng trong ngành công nghiệp ô tô. Đặc biệt, VGC cũng đã sản xuất được kính siêu trắng với lớp phủ có khả năng ngăn ngừa tia tử ngoại (UV), phù hợp với thiết kế các mặt dựng tòa nhà và showroom cao cấp.
Theo giới chuyên môn, kính siêu trắng là vật liệu mới có tiềm năng phát triển lớn, đem lại lợi ích lâu dài trong tương lai cho cả ngành xây dựng và năng lượng tái tạo. Do đó, đầu tư sản xuất kính siêu trắng là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của VGC nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Trong bối cảnh mảng kính siêu trắng vẫn còn nhập siêu, việc VGC đầu tư sản xuất kính siêu trắng tại Việt Nam trở nên rất có ý nghĩa, vừa để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, thay thế hàng nhập khẩu, vừa thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm cho các thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, sử dụng ưu đãi thuế quan thông qua các hiệp định thương mại tự do tại khu vực.
VGC cho biết công ty vẫn đang đầu tư sản xuất các sản phẩm kính xây dựng có chất lượng và giá trị kinh tế cao như: kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, siêu mỏng, kính cho pin năng lượng, kính chống cháy... Doanh nghiệp đặt mục tiêu đứng đầu thị trường nội địa, trở thành số doanh nghiệp số 1 trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời là sự lựa chọn trong tốp đầu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông…
Trong tình hình hiện nay, những tham vọng này có thể hiện thực hóa đến đâu, có lẽ phụ thuộc khá nhiều vào những sản phẩm như kính siêu trắng, mà nhà máy ở Bà Rịa – Vũng Tàu có thể là bước tiến đầu tiên.
Theo Viglacera