Tin tức

Trang chủ » » Cách nào để doanh nghiệp không bị 'chảy máu' chất xám công nghệ?

Cách nào để doanh nghiệp không bị 'chảy máu' chất xám công nghệ?

09/07/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Sự bùng nổ của các công ty công nghệ hiện nay đang mang đến làn sóng tuyển dụng khổng lồ về lực lượng lao động chuyên ngành. Cạnh tranh nhân sự giỏi khó tránh khỏi.

Trong một thập niên trở lại đây, ngành công nghệ đã phát triển vượt bậc tại Đông Nam Á. Riêng năm 2017, số tiền đầu tư vào khởi nghiệp trong giai đoạn phát triển đỉnh điểm lên tới 7.86 tỷ USD. 

Đầu năm 2019 chứng kiến sự xuất hiện của 2 decacorns (startup trị giá trên 10 tỷ USD): công ty Go-Jek và Grab; và 5 unicorns (startup trị giá trên 1 tỷ USD) riêng tại thị trường “béo bở” Đông Nam Á.

Sự tăng trưởng trong lĩnh vực khởi nghiệp đã thôi thúc các tập đoàn lớn đầu tư nhiều hơn vào mảng kỹ thuật số của công ty. Điều này dẫn đến nhu cầu tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực công nghệ tăng nhanh. Trong khi đó, kỹ năng của người lao động trong ngành này chưa bắt kịp đà tăng trưởng của thị trường dẫn đến sự khan hiếm nhân lực.

Trong báo cáo chuyên đề “5 cách khắc phục vấn đề thiếu hụt nhân tài lĩnh vực công nghệ” vừa được Robert Walters công bố đầu tháng 6 năm 2019, chìa khóa nhằm giúp các doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực công nghệ nằm ở các cấp quản lý của công ty. 

Dù công ty có hoạt động trên nền tảng công nghệ hay không thì những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, hiểu biết và khả năng truyền cảm hứng luôn là điểm cộng giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài. Sau đây là những cách cụ thể để cấp quản lý của doanh nghiệp đạt mục tiêu trên.

Tin tưởng vào giá trị của việc áp dụng công nghệ trong các hoạt động của công ty

Văn hóa và định hướng của công ty được quyết định bởi sự dẫn dắt của ban lãnh đạo. Trong thời đại số, nhà lãnh đạo phải thật sự tin tưởng vào giá trị của việc áp dụng công nghệ vào các hoạt động của công ty và sức mạnh của công nghệ có thể thúc đẩy đáng kể tốc độ kinh doanh.

Là quản lý cấp cao của một trong những doanh nghiệp đi đầu trong các cải tiến thuộc lĩnh vực công nghệ số, bà Carolyn Chin-Parry - Giám đốc Kỹ thuật số (Chief Digital Officer) Prism Group cho biết: “Nhiều tổ chức và hội đồng quản trị tập trung cao vào con số Hoàn vốn đầu tư (ROI) cho những nỗ lực số hóa. Tuy nhiên, tác động của số hóa không thể được đo lường theo cách đó. Kỹ thuật số chắc chắn sẽ trở thành một phần cực kỳ quan trọng trong mỗi doanh nghiệp và các công ty không theo kịp tốc độ số hóa sẽ bị bỏ xa trên thị trường”. 

Thật vậy, thay vì cố gắng ép bộ phận công nghệ tập trung vào việc chứng minh giá trị tạo ra lợi nhuận của mình, ban quản lý cần nhìn vào mục tiêu dài hạn và hỗ trợ bộ phận này đem lại những đổi mới và lợi ích cho doanh nghiệp.

Tạo điều kiện để nhân viên thật sự được đóng góp cho công ty

Đối với những công ty không hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, bộ phận IT thường xuyên phải giải quyết các vấn đề về bảo trì và sửa chữa hệ thống, thiết bị. Điều này làm cho những nhân tài trong ngành công nghệ dễ dàng cảm thấy nhụt chí vì suy nghĩ không tạo ra giá trị đáng kể nào cho công ty. Mặc dù họ luôn muốn đóng góp sức lực và tìm ra những hướng đi mới, thế nhưng điều này chỉ thật sự hữu hiệu khi nhà lãnh đạo là cầu nối vững chắc giữa các thành viên trong nhóm với tổ chức, cá nhân liên quan.

Chia sẻ thêm về nội dung này, bà Đỗ Thu - Chuyên viên tư vấn tuyển dụng cấp cao mảng IT của Robert Walters, đưa ra lời khuyên: “Để phát triển, cấp quản lý cần tạo điều kiện để những chuyên gia công nghệ tạo ra những thay đổi tiến bộ và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp – cho phép họ thật sự bước vào vai trò của một người làm ra lợi nhuận và góp phần phát triển công ty”.

Kỹ năng chuyên môn không nên là ưu tiên hàng đầu khi tìm kiếm một nhà lãnh đạo ngành công nghệ

Việc lựa chọn người quản lý phù hợp để dẫn dắt đội ngũ nhân viên ngành công nghệ rất quan trọng cho sự phát triển lâu dài của công ty. Khả năng chuyên môn – ví dụ như lập trình hay viết thuật toán – nên là thứ yếu khi tìm kiếm một nhà quản lý. 

Thay vào đó, các nhà tuyển dụng nên chú trọng người có kiến thức tốt về ngành công nghệ luôn biến chuyển không ngừng, có nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, cũng như khả năng quản lý hiệu quả các mối quan hệ với tổ chức, cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp.

Các nhà lãnh đạo cần có kỹ năng giao tiếp tốt với những thành viên khác trong nhóm và cho họ thấy những nhiệm vụ tưởng chừng như vô nghĩa hoặc tẻ nhạt vẫn mang đến giá trị thực tiễn. Truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhân viên là một kỹ năng cần có của một người lãnh đạo tài ba.

Đề cao đóng góp cá nhân

Những chuyên gia lành nghề không chỉ muốn được hưởng lương từ thành quả đạt được trong công việc, họ còn muốn được ghi nhận rằng những nỗ lực của mình đang thực sự mang lại giá trị cho doanh nghiệp. 

Cũng trong báo cáo của Robert Walter, Singapore Exchange - một công ty đầu tư cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch chứng khoán và thương mại - đã áp dụng hai cách quản lý hiệu quả để giữ chân nhân viên công nghệ. 

Đầu tiên, lãnh đạo cần đảm bảo các thành viên giao tiếp hiệu quả với nhau để họ nhận thấy vai trò của mình trong kế hoạch tổng thể của doanh nghiệp. Trưởng nhóm còn tạo điều kiện cho các thành viên tham gia những cuộc họp chung nhằm giúp họ hiểu được tầm quan trọng của nhiệm vụ cũng như dự án đang làm. Thứ hai, tên của tất cả thành viên trong nhóm đều được nêu rõ trong dự án mà họ thực hiện, điều này khiến nhân viên cảm thấy được tôn trọng và có cảm giác là một phần không thể thiếu của tổ chức.

Nhìn chung, dù công ty có hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hay không, lãnh đạo đầu tiên phải là người thấu hiểu giá trị và văn hóa của doanh nghiệp, đủ khả năng để truyền tải, tạo cảm hứng và giữ chân nhân viên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu và thực hiện những phương pháp hiệu quả nhằm đề cao giá trị và đóng góp của nhân viên trong công ty, khiến họ cảm thấy được quan tâm và muốn cống hiến lâu dài cho tổ chức.

Liên Hương

Theo The Leader

  




Văn bản gốc