Cần đưa ASEAN vào “tầm ngắm” đầu tư một cách nghiêm túc
Bất chấp những thách thức trong ngắn hạn, có nhiều lý do thuyết phục để lạc quan về triển vọng kinh tế của ASEAN - khu vực tăng trưởng năng động nhất của thế giới.
Điểm sáng của nền kinh tế thế giới
Khi các nhà đầu tư hoặc các doanh nghiệp của Mỹ, Đức hay Anh được hỏi về “các cơ hội kinh doanh châu Á”, họ thường nghĩ ngay đến “Trung Quốc” hoặc “Ấn Độ”. Đông Nam Á với các thị trường Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam dường như là những lựa chọn đến sau. Điều này thật đáng tiếc. Với tốc độ phát triển nhanh, khu vực này xứng đáng được nhìn nhận một cách nghiêm túc là thị trường của sản xuất, của tiêu thụ, cũng như cung cấp nguồn lực.
Tuy nhiên, điều thực sự đang biến Đông Nam Á trở thành điểm sáng của nền kinh tế thế giới là những điều đang diễn ra đằng sau những con số thống kê này. ASEAN trải qua nhiều thời kỳ biến động như giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 hay hiện tượng “Taper Tantrum 2013" (ám chỉ sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn vào năm 2013). Các nền kinh tế chính của khu vực giờ đây trở nên bền bỉ hơn với các cú sốc tài chính bên ngoài: Dự trữ ngoại hối tăng, nợ nước ngoài giảm, cán cân tài khoản vãng lai được cải thiện...
Các quốc gia như Việt Nam có lợi thế về tăng trưởng kinh tế mạnh, số lượng người tiêu dùng trẻ và dồi dào, đồng tiền ổn định, lạm phát được kiểm soát và dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào mạnh. Tổng giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 19,1 tỷ USD năm 2018, tăng 9% so với năm 2017 và là năm thứ 6 liên tiếp FDI đạt kỷ lục về giải ngân vốn. Tất cả những điểm mạnh này sẽ hỗ trợ thị trường trong nước và tăng trưởng kinh tế trong những năm sắp tới.
Năng lực sản xuất của ASEAN giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, và tương tự như Trung Quốc, các doanh nghiệp khu vực này đang đi theo hướng phát triển công nghệ cao. Nhìn vào các thị trường trong khu vực, chúng ta dễ dàng tìm thấy các nhà máy sản xuất mọi thứ, từ sợi chất lượng cao đến ổ cứng, chất bán dẫn...
Hơn thế nữa, nhiều công ty, kể cả thành lập lâu năm hay vừa khởi nghiệp, giờ đây có nhiều kinh nghiệm và năng lực trong việc phục vụ các thị trường quốc tế, cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện rõ qua các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tại Singapore và Indonesia như cổng thương mại điện tử Lazada, ứng dụng gọi xe Grab... Các dịch vụ này nhanh chóng trở nên phổ biến tại các thị trường trong khu vực.
Về khía cạnh tiêu dùng, đô thị hóa và cơ sở hạ tầng cải thiện đã giúp hàng triệu người dân ASEAN tiếp cận được việc làm với thu nhập cao hơn, hệ thống giáo dục tốt hơn, các cơ hội sử dụng dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe cũng nhiều hơn. Đối với nhiều người Việt Nam, Philippines hay Thái Lan, một chuyến bay đến Hồng Kông (Trung Quốc), London hay San Francisco để du lịch, chữa bệnh..., mua một chiếc xe hơi đời mới hay mua một hợp đồng bảo hiểm giá trị lớn... không còn là điều xa lạ.
Không ngạc nhiên khi trong một khảo sát do Hội đồng Doanh nghiệp EU - ASEAN thực hiện năm 2018 cho thấy, 99% doanh nghiệp châu Âu trong khu vực kỳ vọng tiếp tục duy trì hoặc mở rộng đầu tư hay hoạt động thương mại của họ tại đây trong vòng 5 năm tới. Khảo sát Navigator của HSBC về các doanh nghiệp trên toàn cầu cũng cho thấy, những doanh nghiệp tham gia khảo sát tại khu vực Đông Nam Á là những doanh nghiệp lạc quan nhất về môi trường thương mại toàn cầu.
Những thách thức
Tuy được nhìn nhận rất giàu tiềm năng, nhưng hoạt động kinh doanh tại khu vực kinh tế đa dạng và hấp dẫn này không phải là không có thách thức.
Giá cả tiêu dùng biến động, cũng như tâm lý nhà đầu tư toàn cầu thay đổi sẽ có tác động ở mức độ nào đó lên các nền kinh tế. Trong khi thuế xuất nhập khẩu hàng hóa giao thương giữa các thành viên ASEAN được loại bỏ một cách hiệu quả, căng thẳng thương mại toàn cầu có thể dẫn đến sự dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng về khu vực này. Dù vậy, điều đó không có nghĩa là những người làm chính sách và các doanh nghiệp không cần phải thay đổi. Vẫn còn nhiều việc phải làm để dỡ bỏ các rào cản ngăn chặn dòng chảy dịch vụ và lao động, giảm các chi phí giao dịch tài chính giữa các thị trường và ưu tiên loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, tiếp tục đầu tư vào giáo dục, cũng như tăng năng suất.
Có những thay đổi quan trọng đi cùng với tiến bộ công nghệ (người máy, in 3D, trí tuệ nhân tạo) và biến đổi khí hậu (tác động đến phần lớn Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam). Giải quyết những vấn đề này sẽ cần các nhà hoạch định chính sách quốc gia không ngừng suy nghĩ và hành động, ngoài những động lực chính trị và bầu cử trong nước. Hơn nữa, ASEAN không phải là EU, sự hợp nhất của các thị trường không nhằm hướng đến mục đích chính trị.
Bất kỳ ai quan tâm đến châu Á, dù ở mức độ nào, cần đưa ASEAN vào "tầm ngắm" một cách nghiêm túc, hoặc sẽ bỏ lỡ một trong những khu vực tăng trưởng năng động nhất của thế giới.