Cầu thị để phát triển
Việc Bộ Công Thương bãi bỏ Quyết định số 6139 thể hiện thái độ cầu thị, được xem là động thái tiếp theo sau hàng loạt quyết định bãi bỏ và đơn giản hóa 123 thủ tục, sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng...
Dù có những yếu tố khách quan của thị trường gây khó, nhưng chính những quy định của nhà nước liên quan đến thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thời gian qua là nguyên nhân quan trọng khiến cho hạt gạo Việt Nam có “một năm buồn”: khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 là gần 4,9 triệu tấn với trị giá 2,2 tỷ USD, giảm 26% về khối lượng và giảm 21% về giá trị so với năm trước. Các DN và chuyên gia kinh tế đã phản ứng mạnh bởi những quy định đã gây khó không ít cho hoạt động xuất khẩu gạo.
Những quy định này được ban hành với tinh thần xây dựng và tạo động lực thúc đẩy phát triển đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo chiều sâu đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong thương mại gạo quốc tế; góp phần định hướng hoạt động đầu tư, tránh đầu tư tràn lan, gây lãng phí, bảo đảm hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN…
Với mục tiêu đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và quy định: Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện: Được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; Có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; Có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận…
Cụ thể hóa quy định này, tháng 8/2013, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 6139/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Các thương nhân tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo hội đủ các tiêu chí, điều kiện của quy hoạch này.
Cụ thể, thương nhân chỉ được xem xét, cấp Giấy chứng nhận khi đáp ứng đủ các tiêu chí: Đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành; Có kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Tây Ninh; Ưu tiên thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa.
Để được ưu tiên, thương nhân phải được Lãnh đạo ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận bằng văn bản về việc có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.
Để được duy trì Giấy chứng nhận, ngoài việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh, thương nhân được cấp Giấy chứng nhận phải bảo đảm duy trì đáp ứng các tiêu chí, điều kiện như: phải đạt thành tích xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn gạo/năm, kỳ hạn xét thành tích xuất khẩu để thu hồi Giấy chứng nhận là 2 năm liên tiếp xuất khẩu không đạt 10.000 tấn/năm. Kỳ hạn xét thành tích được tính từ ngày thương nhân được cấp Giấy chứng nhận.
Trong kỳ hạn xét thành tích, thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc trong 2 năm liên tiếp không đạt tổng thành tích xuất khẩu tối thiểu 20.000 tấn gạo sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận…
Tuy nhiên, những quy định này thời gian qua khiến cho nhiều thương nhân và chuyên gia kinh tế liên tục phản ứng. Đặc biệt tại Hội nghị lấy ý kiến tổ chức cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành Công Thương năm 2016, nhiều ý kiến cho rằng, những quy định đó đến thời điểm hiện nay đã không còn phù hợp nữa khi đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi quá cao về quy mô khiến nhiều thương nhân không thể đáp ứng.
“Chúng ta đưa ra rất nhiều quy định rất bất hợp lý về thực tế, về cơ sở khoa học. Luật DN đã quy định DN được phép lựa chọn quy mô, do đó không nên hạn chế quy mô hoạt động của DN. Nhà nước đừng làm khó DN bằng chính sách, chỉ nên để thị trường quyết định, DN nào mạnh thì sống, DN không đủ năng lực sẽ tự phá sản”, Luật sư Trương Thanh Đức thẳng thắn phát biểu.
Khi những phản hồi này được truyền thông phản ánh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã rất bức xúc về tình trạng này và mong muốn có thêm nhiều DN, thương nhân tham gia phản hồi những bất cập từ chính sách để giải quyết khó khăn cho DN.
Việc Bộ Công Thương bãi bỏ Quyết định số 6139 thể hiện thái độ cầu thị, được xem là động thái tiếp theo sau hàng loạt quyết định bãi bỏ và đơn giản hóa 123 thủ tục, sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng...
Đồng thời, tiếp tục khẳng định Bộ này sẽ đi đầu trong cải cách thủ tục hàng chính, loại bỏ các “nút thắt” thể chế, tạo “sân chơi” bình đẳng giữa các DN, bảo đảm sự cạnh tranh, quyền lợi tối cao cho người tiêu dùng…
Dương Công Chiến
Theo Thời báo Ngân hàng