Tin tức

Trang chủ » » Châu Âu rét nhất trăm năm qua: Uy quyền dòng khí Nga?

Châu Âu rét nhất trăm năm qua: Uy quyền dòng khí Nga?

14/11/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Dù các chuyên gia dự đoán mùa đông tại châu Âu năm nay sẽ lạnh kỷ lục trong 100 năm qua, Nga vẫn tự tin khi làm chủ các dòng khí đốt.

Châu Âu sẽ điêu đứng vì giá rét

Trang tin Principia Scientific International vừa dẫn lời các chuyên gia khí tượng cảnh báo, mùa đông ở châu Âu năm 2016-2017 sẽ có nhiều diễn biến thất thường.

Nhà khí tượng học người Đức Dominik Jung cho rằng, đây là thời điểm châu Âu rơi vào tình trạng lạnh nhất trong 100 năm qua.

Theo phán đoán của ông Jung, nhiệt độ thấp nhất sẽ rơi vào tháng 1 và tháng 2. Việc băng tan vào tháng 3 sẽ không xảy ra như mọi năm mà phải đến tháng 4, châu Âu mới có thể đón được ánh nắng ấm áp của mặt trời.

Cùng đưa ra nhận định, nhà khí tượng học Joe Bastardi thuộc Cục Dự báo thời tiết AccuWeather cho hay, không khí sẽ rất lạnh bởi mùa đông sắp tới sẽ được đánh dấu bằng sự xuất hiện của khối không khí Bắc Cực tràn xuống phần lớn lãnh thổ châu Âu.

Một mối lo ngại khác được vị chuyên gia đề cấp đến là hoạt động mặt trời trong thời gian này sẽ giảm đáng kể, kéo theo nhiệt độ giảm thậm chí thấp hơn mức bình thường. 

Dự báo trên của các chuyên gia khí tượng một lần nữa khiến các nước châu Âu phải giật mình.

Còn nhớ vào mùa đông năm 2012, đợt rét buốt kỷ lục hồi tháng 2 đã khiến 260 người thiệt mạng, hệ thống giao thông trở nên tê liệt.

Ukraine là nước thiệt hại nặng nề nhất với 122 người đã tử vong. Nhiệt độ ở đây đã xuống âm 38,1 độ C khiến nhiều người chết vì rét cóng trên đường. Tại Ba Lan, 45 người thiệt mạng còn tại Romania 28 người dân đã tử vong.

Ngoài ra, một số đất nước khác thuộc châu Âu như: Bosnia, Latvia, Lithuania, Estonia, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Ý, Slovakia, Pháp, Áo, Hi Lạp, giá rét cũng khiến mọi hoạt động bị đảo lộn, ngưng trệ.

Uy quyền của Nga?

Trái ngược với những lo ngại từ các nước phương Tây, chính quyền tổng thống Putin đang tự tin ứng phó với giá rét khi làm chủ các dòng khí đốt.

Nga hiện nay được đánh giá là nước nắm giữ trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, và là nhà sản xuất lớn thứ hai khí tự nhiên khô. Tập đoàn Gazprom thuộc sở hữu nhà nước thống trị lĩnh vực khí tự nhiên, mặc dù hoạt động sản xuất từ các công ty khác cũng đang gia tăng.

Đáng chú ý doanh thu từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên trong năm 2013 của Nga chiếm khoảng 14% tổng doanh thu xuất khẩu của Nga.

Phần lớn trữ lượng khí đốt tự nhiên của Nga được sản xuất ở khu vực phía bắc Tây Siberia. Tuy nhiên, Gazprom và một số công ty khác đang đầu tư vào các khu vực mới như bán đảo Yamal, Đông Siberia, và đảo Sakhalin.

Trong một diễn biến khác, hồi đầu tháng 8 năm nay, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra tuyên bố về việc nối lại Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sau khi những căng thẳng giữa 2 nước được hạ nhiệt. Điều này khiến liên minh châu Âu (EU) hết sức lo ngại.

Brussels cho rằng tuyến đường ống này sẽ củng cố và nâng cao vị thế của Moskva.

Theo họ, sau khi khai trương “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, Ukraine sẽ mất cơ chế và những nguồn lợi từ việc trung chuyển khí đốt sang châu Âu, sự phụ thuộc của EU vào Gazprom sẽ tăng lên, và nguồn cung cấp khí đốt thay thế từ khu vực Caspian sẽ bị chặn.

Liên minh châu Âu cho rằng, tình hữu nghị “hậu đảo chính” giữa Moskva và Ankara có thể là một vấn đề, Nga sẽ cố gắng chấm dứt sự phụ thuộc vào Ukraine bằng tuyến đường ống dẫn khí đốt qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ” - một quan chức cấp cao giấu tên của EU cho biết.

Nguồn tin này nhận định rằng, Ankara quan tâm đến nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ và những ưu đãi từ quy chế nước trung chuyển khi đốt cho Nga.

Điều đó dẫn đến việc chính quyền Erdogan có khả năng là sẽ đưa ra một loạt yêu sách mang tính “đánh đố” với Liên minh châu Âu.

Đáng chú ý, hiện nay 1/3 lượng khí đốt của EU được nhập từ Nga. Với những cảnh báo mới được chuyên gia khí tượng đưa ra, việc phương Tây muốn giảm sự lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga cũng không hề dễ dàng.

Trung Dũng

Tổng hợp

  




Văn bản gốc