Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam sẽ như thế nào ?
Chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan về dự thảo chiến lược và hoàn tiếp thu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…
Xu hướng toàn cầu
CMCN 4.0 là một khái niệm mới, được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 2013 trong một báo cáo của Chính phủ Đức. Nhưng đến nay, khái niệm này đã được cả thế giới quan tâm, số lượt tìm kiếm cụm từ này trên trang Google tăng một cách chóng mặt, đạt mức 30 triệu kết quả đối với cụm từ “CMCN 4.0”; 460 triệu kết quả đối với cụm từ “trí tuệ nhân tạo”; 2,8 tỷ kết quả đối với cụm từ “Internet vạn vật”...
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, CMCN 4.0 có tác động làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia với tốc độ lan truyền nhanh trên nền ứng dụng Internet; làm thay đổi mang tính hệ thống trong các ngành, lĩnh vực, thậm chí cả một quốc gia; thay đổi phương thức và cách tiếp cận của nền sản xuất... Cuộc cách mạng đem lại cho các quốc gia cả cơ hội và thách thức. Nhiều nước đã và đang xây dựng, thực hiện các chính sách khác nhau để chủ động khai thác lợi ích của công nghệ mới, tận dụng cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, giải quyết các tồn tại do phát triển gây ra, ứng phó với những thách thức mà cuộc cách mạng đem lại...
Cùng hòa chung với xu hướng toàn cầu, Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt xu thế, không ngừng cải thiện mức độ sẵn sàng trong việc tiếp cận cuộc CMCN 4.0, chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác, tận dụng các lợi ích của Cuộc cách mạng này, gắn với xây dựng, tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta có thể tự tin nói rằng, đây là một cơ hội quan trọng để Việt Nam nắm bắt nhằm mục tiêu tăng tốc phát triển nền kinh tế, hướng tới đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao trong tương lai gần trên nền tảng một chiến lược tổng thể của quốc gia về cuộc CMCN 4.0, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu hướng chung của quốc tế.
Trong thời gian qua, cuộc CMCN 4.0 đã trở thành một chủ đề lớn được toàn thế giới cũng như tất cả các cấp, các ngành và người dân Việt Nam quan tâm, theo dõi và tập trung thảo luận, vừa là nhằm tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, chi tiết, cụ thể những nội hàm và các vấn đề liên quan đến khái niệm mới xuất hiện này - “CMCN 4.0 ”, vừa là để nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng các giải pháp, chính sách, bước đi cần thiết để tận dụng tối đa những cơ hội do Cuộc cách mạng đem lại cũng như hạn chế những tác động tiêu cực của Cuộc cách mạng đối với nền kinh tế, nhất là những ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động.
Trên tinh thần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để định hướng cho phát triển tổng thể nền kinh tế dựa trên cơ sở phát triển và ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, Bộ KH&ĐT đã chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 của Việt Nam…
3 yếu tố nền tảng - 3 nhóm chính sách
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 của Việt Nam được xây dựng bao gồm 03 yếu tố nền tảng:
Một là, đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Hai là, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của Cuộc CMCN 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối Internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.
Bên cạnh các yếu tố nền tảng này, dự kiến Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai ba nhóm chính sách quan trọng, bao gồm:
Thứ nhất, áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công: bao gồm xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước nhanh hơn, minh bạch hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, đem lại sự hài lòng cao hơn cho người dân và DN.
Thứ hai, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực DN để tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực; phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn; cắt giảm chi phí; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng quản trị chuỗi cung ứng; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; nâng cao năng suất của DN nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Thứ ba, cơ cấu lại và tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển, hướng tới làm chủ một số công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 và công nghệ thế hệ tiếp theo, vươn lên vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ hiện đại, giúp cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài ra, các giải pháp bổ sung cũng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thành công các chính sách đề ra ở trên, như: Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; các dự án đầu tư, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ sử dụng các công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0; thu hút đầu tư của các DN công nghệ hàng đầu trên thế giới; thu hút đầu tư mạo hiểm nước ngoài cho các Startup Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; kêu gọi các quốc gia tiên tiến, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, hợp tác, thành lập các cơ sở nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác khoa học công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược, các đối tác quan trọng có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến; xây dựng, mở rộng mạng lưới quan hệ với các chuyên gia quốc tế, nhất là chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ trọng điểm của CMCN 4.0 4.0.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Chiến lược Dự thảo Chiến lược đã được lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và Bộ KH&ĐT đã tiếp thu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thanh Thanh
Tổng hợp