Tin tức

Trang chủ » » Chính sách kinh tế của hai ứng viên Tổng thống Mỹ khác nhau thế nào?

Chính sách kinh tế của hai ứng viên Tổng thống Mỹ khác nhau thế nào?

04/11/2020

Chuyên mục: Tin tức In trang

Tổng thống Donald Trump và cựu Phó tổng thống Joe Biden, hai ứng cử viên của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11, có quan điểm rất khác biệt về các vấn đề kinh tế...

Chính sách kinh tế của ông Trump có cốt lõi là thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng trong nước và theo đuổi chủ trương "America First" (Nước Mỹ trên hết) ở nước ngoài. Trong khi đó, ông Biden kêu gọi những nỗ lực tích cực và rộng rãi hơn của chính phủ để giải quyết vấn đề bất bình đẳng và đầu tư mạnh vào con người, cơ sở hạ tầng và môi trường.

Với sự khác biệt này, kết quả cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ sẽ có ảnh hưởng to lớn không chỉ đến nền kinh tế Mỹ mà cả kinh tế toàn cầu - ông Nathan Sheets, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu thuộc quỹ đầu tư trái phiếu PGIM Fixed Income, nhận định trong một bài viết đăng trên trang Barron's.

ÔNG TRUMP: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ "NƯỚC MỸ TRÊN HẾT"

Chính sách kinh tế của hai ứng viên Tổng thống Mỹ khác nhau thế nào? - Ảnh 1.

Biểu cảm khuôn mặt của ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc tranh luận.

Ảnh: Getty/The Globe and Mail.

Theo ông Sheets, nếu tái đắc cử, ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. 

Về căn bản, các chính sách này được thiết kế nhằm khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân - nguồn cung của nền kinh tế - phát triển nhanh nhất có thể. Cơ sở của các chính sách này là quan điểm cho rằng hầu hết việc làm, của cải và sự sáng tạo của nước Mỹ đều được sản sinh từ khu vực kinh tế tư nhân.

Nhất quán với trọng tâm phát triển kinh tế tư nhân, vào cuối năm 2017, ông Trump triển khai một chương trình cắt giảm thuế quy mô lớn, trong đó tập trung vào giảm thuế doanh nghiệp. Đồng thời, ông cũng mạnh tay nới lỏng các quy chế giám sát, bao gồm các quy chế về môi trường và lao động, bảo vệ nhà đầu tư, và các quy chế trong ngành tài chính.

Thành công chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ nhất vẫn là một chủ đề để giới phân tích mổ xẻ. Những người ủng hộ ông nhấn mạnh rằng trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, thị trường chứng khoán Phố Wall thiết lập đỉnh cao mọi thời đại, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng rất ấn tượng, các chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đều ở mức cao…

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng ông Trump thừa kế một nền kinh tế vững chắc từ chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama, còn kế hoạch giảm thuế của ông đã khiến ngân sách liên bang thâm thủng nặng chưa từng thấy đối với một thời kỳ tăng trưởng kinh tế kéo dài như vậy.

Mũi nhọn còn lại trong chính sách kinh tế của ông Trump là những nỗ lực nhằm định hình lại chính sách kinh tế Mỹ ở nước ngoài, với phương châm "nước Mỹ trên hết". Với quan điểm như vậy, so với những Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, ông Trump đưa ra quan điểm có mức độ hoài nghi cao hơn về thương mại, toàn cầu hóa và hợp tác kinh tế.

Chính sách của ông Trump đã khơi mào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, và cuộc đối đầu này đã lan sang các lĩnh vực công nghệ, đầu tư và tỷ giá. Ngoài ra, xung đột ở mức độ thấp hơn cũng có lúc xảy ra giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác lâu năm, như với Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico.

Những mối căng thẳng này, cộng hưởng với phong cách điều hành khó lường của ông Trump, đã gây ra không ít đợt rung chuyển trên thị trường tài chính Phố Wall và toàn cầu. Tuy nhiên, ông Trump cũng khá thận trọng, không đẩy nền kinh tế hay thị trường đi quá giới hạn chịu đựng. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu ông có còn thận trọng như vậy trong nhiệm kỳ thứ hai nếu ông đắc cử, bởi trong nhiệm kỳ thứ hai, ông không còn phải lo chuyện giành thêm một khóa nữa.

ÔNG BIDEN: CHỐNG BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC

Chính sách kinh tế của hai ứng viên Tổng thống Mỹ khác nhau thế nào? - Ảnh 2.

Biểu cảm khuôn mặt của ứng viên Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc tranh luận.

Ảnh: Getty/The Globe and Mail.

Khác với ông Trump, chương trình nghị sự của ông Biden lấy mục tiêu là giải quyết những vấn đề của nước Mỹ về bất bình đẳng kinh tế.

Tính bình quân, mỗi hộ thuộc nhóm 1% hộ gia đình giàu nhất ở Mỹ đang nắm lượng tài sản lớn gấp 1.250 lần so với mỗi hộ thuộc nhóm 50% ở đáy. 

Tình trạng chênh lệch giàu nghèo quá lớn này có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, chính trị và lĩnh vực y tế công cộng của Mỹ. Trong khi đó, có nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc phân phối lại nguồn lực từ nhóm giàu hơn sang nhóm nghèo hơn có thể giúp nâng tổng nhu cầu trong nền kinh tế và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng.

Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy cần nhận diện được sự đánh đổi tiềm tàng giữa công bằng và hiệu quả, cũng như cần chấp nhận những thách thức để bảo toàn được khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhằm tìm đúng điểm cân bằng đó, các đề xuất của ông Biden kêu gọi tăng chi tiêu xã hội, đặc biệt là chi cho giáo dục và y tế, và tăng đầu tư vào hạn tầng, môi trường và các lĩnh vực công cộng khác. Những chương trình này sẽ được cấp vốn thông qua đảo ngược một phần chương trình cắt giảm thuế của ông Trump và tăng thuế đánh vào các hộ gia đình thu nhập cao. 

Dù vậy, thâm hụt ngân sách khổng lồ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đeo bám Chính phủ Mỹ trong trường hợp ông Biden thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Một chính quyền Biden cũng có thể siết chặt các quy chế giám sát để bảo vệ môi trường, người tiêu dùng, người lao động và nhà đầu tư. Ngoài ra, chính sách chống độc quyền cũng sẽ trở nên ngặt nghèo hơn. Những biện pháp như vậy có thể được xem là hành động tỉnh táo đánh đổi một phần tăng trưởng GDP hiện nay để lấy một nền kinh tế an toàn hơn, lành mạnh hơn, công bằng hơn, và có thể hiệu quả hơn trong tương lai.

Trên đây đúng là những mục tiêu quan trọng và chương trình mà ông Biden vạch ra có thể đáp ứng những nhu cầu có thật của nền kinh tế và cử tri Mỹ. Nhưng những nỗ lực đó có thể tiến xa thực sự đến đâu trong việc giảm bất bình đẳng và gia tăng cơ hội? Ngoài ra, ở mức độ nào thì tăng thuế, tăng chi tiêu công và siết chặt quy chế giám sát có thể gây ra hạn chế đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân hay đem đến những hậu quả không mong muốn khác? Đây vẫn là những câu hỏi quan trọng còn bỏ ngỏ.

Trên phạm vi toàn cầu, chính sách kinh tế của ông Biden được nhìn nhận là mang tính truyền thống hơn chính sách của ông Trump, bởi ứng viên của đảng Dân chủ nhấn mạnh tăng cường hợp tác với các đồng minh của Mỹ.

Điều này đặc biệt đúng trong cách tiếp cận của ông Biden với Trung Quốc. Nhiều nước chia sẻ mối lo của Mỹ với các chính sách của Trung Quốc, và ông Biden muốn xây dựng một liên minh để gây sức ép lên Bắc Kinh. Nói chung, ông Biden sẽ thoải mái hơn với việc nước Mỹ giữ vai trò nhà lãnh đạo trong các vấn đề kinh tế quốc tế, và ông sẽ tìm kiếm sự hợp tác với các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên hiệp quốc (UN), và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ở thời điểm hiện tại, thị trường tài chính Mỹ và thế giới đã phản ánh khá đầy đủ những bấp bênh liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra. Giới đầu tư vừa ủng hộ vừa lo lắng không kém về chính sách kinh tế của cả ông Trump và ông Biden. 

Tựu chung, thị trường hoan nghênh các nỗ lực của ông Trump về cắt giảm thuế, nhưng cũng không hưởng ứng phong cách điều hành khó lường và cuộc chiến thương mại của vị Tổng thống Cộng hòa với Trung Quốc.

Cho tới lúc này, điều chắc chắn duy nhất chỉ có thể là quyết định mà cử tri Mỹ đưa ra vào đầu tháng 11 sẽ quyết định không chỉ hướng đi của nền kinh té nước này trong 4 năm tới, mà còn có những ảnh hưởng vươn xa khỏi biên giới Mỹ.

Theo An Huy

VnEconomy

  




Văn bản gốc