Tin tức

Trang chủ » » Chống dịch nhưng không quên sản xuất

Chống dịch nhưng không quên sản xuất

06/08/2020

Chuyên mục: Tin tức In trang

Vừa chống dịch vừa bảo đảm hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng thấp nhất là quan điểm chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ trong tình hình mới.

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới và dự báo sẽ còn kéo dài. Thời gian đó, chắc chắn không tính bằng tuần mà phải tính ít nhất bằng tháng. Như quan điểm của Chính phủ, Việt Nam vẫn phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển để đảm bảo “mục tiêu kép”.
Nếu kinh tế kém, suy sụp, doanh nghiệp (DN) phá sản, số lượng người thất nghiệp, người nghèo tăng. Do đó, Chính phủ đánh giá chỉ phong tỏa nơi tâm dịch, giãn cách xã hội ở vùng dịch, phân loại mức độ "các vùng dịch phải khoanh, dập, đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ” vừa đủ, để dập dịch, bảo đảm kinh doanh, thông thương và nền kinh tế. Chúng ta phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển.
Dẫn chứng từ bài học Singapore, khi có 380.000 người ở khu công nhân dịch bùng phát, đóng cửa nền kinh tế thì phải trả giá 100 tỷ đô la Singapore. Sau này, khi đánh giá việc này, nhiều chuyên gia của Singapore về kinh tế, y tế đều cho rằng, chỉ cần cách ly khu ký túc xá công nhân thì không gây ra hậu quả lớn cho nền kinh tế.
Tình hình kinh tế thế giới đang xấu đi nhanh chóng như kinh tế Mỹ quý II âm tới 33%, so với quý I, châu Á âm gần 4% và hầu hết các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam đều tiếp tục gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Với các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đang được áp dụng theo những hình thức khác nhau, khủng hoảng y tế toàn cầu đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trên toàn thế giới.
Thực tế, đợt dịch COVID-19 hồi đầu năm, Việt Nam phải giãn cách xã hội toàn quốc hơn 20 ngày, tác động rất nhiều đến kết quả sản xuất kinh doanh. Kết quả tăng trưởng của quý II rất thấp (0,36%). Ở đợt dịch lần 2 này, nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, ngành dịch vụ... chưa kịp hồi phục lại tiếp tục hứng chịu khó khăn mới.
Bộ KH&ĐT đã có tính toán, yêu cầu các đơn vị trong Bộ khẩn trương tổ chức nghiên cứu, thu thập số liệu đưa ra các dự báo cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng ngay trong tháng 8 cùng với các bộ, ngành khác xây dựng các kịch bản chi tiết để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Đã đến lúc chứng tỏ Việt Nam cũng xuất sắc trong giải quyết các thách thức kinh tế. Gợi mở thiết kế các chiến lược phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng, các khung chính sách đó là: Quyết liệt chống dịch, mọi người dân có ý thức phòng chống dịch, tự bảo vệ sức khỏe, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Chính phủ, các địa phương kích thích nền kinh tế và việc làm, kích thích tổng cầu thông qua các gói hỗ trợ, tăng đầu tư công, cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ DN trong sản xuất kinh doanh. Các DN cũng vậy, phải có một kế hoạch để duy trì sản xuất, mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, chuyển đổi số, tăng khả năng cạnh tranh theo hướng linh hoạt hơn và có sức chống chịu cao hơn… để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tập trung sản xuất, kinh doanh nhằm nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Trâm Anh
  




;

Văn bản gốc


;