Chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện thắng lợi chinh sách đổi với Quân đội và hậu phương
02/06/2017
Chuyên mục: Tin tức doanh nghiệp In trang
Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, công tác, ngành Chính sách quân đội không ngừng trưởng thành, thực hiện tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách đối với quân đội, HPQĐ, xây đắp nên truyền thống: “Đoàn kết chặt chẽ, tận tụy công tác, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Cách đây tròn 70 năm, ngày 26-2-1947, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục và Ban Thương binh ở các khu được thành lập, đánh dấu sự ra đời về mặt tổ chức của ngành Chính sách quân đội-cơ quan tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thương binh-liệt sĩ (TB-LS) và công tác chính sách đầu tiên trong cả nước. Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, công tác; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng; sự chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị (TCCT); sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, sự ủng hộ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, ngành Chính sách quân đội không ngừng trưởng thành, thực hiện tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách đối với quân đội, HPQĐ, xây đắp nên truyền thống: “Đoàn kết chặt chẽ, tận tụy công tác, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy mới thành lập nhưng với tinh thần tận tụy, chủ động, ngành Chính sách quân đội đã tích cực tham mưu, đề xuất ban hành và tổ chức thực hiện thắng lợi các chính sách đối với quân đội và HPQĐ; giúp Chính trị Cục (nay là TCCT) tổ chức thành công Ngày TB-LS đầu tiên. Tiếp đó, ngành đã đề xuất và làm nòng cốt thực hiện phong trào đưa thương binh về làng, mở ra hướng mới về chăm sóc thương binh trong điều kiện đất nước, quân đội còn rất nhiều khó khăn.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành Chính sách quân đội đã tham mưu làm tốt công tác động viên, khen thưởng chiến trường, đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi và tổ chức cứu chữa, chăm sóc, điều dưỡng thương binh, bệnh binh chu đáo, kịp thời. Đề xuất chính sách và thực hiện quản lý, chăm sóc hàng triệu gia đình quân nhân ở hậu phương; động viên sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, góp phần cùng cả nước giành nhiều thắng lợi vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong những năm đầu thời kỳ đổi mới, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng; yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, với tinh thần đổi mới, ngành Chính sách quân đội đã chủ động, tham mưu ban hành đồng bộ hệ thống chế độ, chính sách đối với quân đội, HPQĐ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đã đề xuất đổi mới chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; các chủ trương và giải pháp lớn về công tác mộ liệt sĩ; giúp TCCT, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề nghị Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là chủ trương chính sách có ý nghĩa chính trị-xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, TCCT, ngành Chính sách quân đội đã nỗ lực nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện và thực hiện các chính sách phục vụ xây dựng quân đội và HPQĐ trong thời kỳ mới; tham mưu kịp thời các chính sách thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Bảo hiểm xã hội và các chính sách phục vụ yêu cầu phát triển của quân đội. Chú trọng đề xuất và thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đối với lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù; các chế độ, chính sách thu hút đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, làm nhiệm vụ quốc tế; các chế độ, chính sách phục vụ tinh giản tổ chức, biên chế; hỗ trợ đối với các doanh nghiệp quân đội. Từng bước đề xuất các chính sách giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Không ngừng đổi mới và thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách HPQĐ, góp phần tích cực chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ quân đội nghỉ hưu; hỗ trợ kịp thời gia đình quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hy sinh, từ trần...
Ngành đã đề xuất thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với thân nhân quân nhân tại ngũ, công nhân và viên chức quốc phòng đang công tác; mở rộng chế độ hỗ trợ học nghề và việc làm cho quân nhân xuất ngũ; đồng thời, làm nòng cốt, động viên các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn dân tổ chức thực hiện thiết thực, có hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đẩy mạnh chương trình nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, các hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu, chăm sóc đối với người có công; đề xuất và từng bước giải quyết việc làm cho con thương binh, bệnh binh nặng vào làm việc trong quân đội... Đặc biệt, trong những năm qua, ngành đã tham mưu đề xuất với Đảng và Nhà nước các chủ trương, giải pháp lớn về công tác mộ liệt sĩ và giải quyết những tồn đọng chính sách sau các cuộc chiến tranh; phát huy sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được các đơn vị, địa phương trong cả nước quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Với sự chủ động, sâu sát thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đối tượng chính sách, ngành Chính sách quân đội đã chủ trì nghiên cứu, đề xuất với TCCT, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trình Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Đó là những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, được cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân và đối tượng chính sách đánh giá cao.
Những thành tựu của công tác chính sách (CTCS) trong quân đội 70 năm qua càng khẳng định: CTCS là một mặt hoạt động quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị; cùng với các mặt công tác khác, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, người có công và HPQĐ, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của quân đội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”. Với tất cả tâm huyết, trí tuệ và sức lực, ngành Chính sách quân đội đã góp phần cùng Quân đội ta, nhân dân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, sự nghiệp xây dựng quân đội và HPQĐ có sự phát triển. Nhiệm vụ CTCS phải triển khai với khối lượng lớn và yêu cầu cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm CTCS cần tiếp tục phát huy truyền thống, tích cực phấn đấu, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao; trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chỉ thị về CTCS trong quân đội. Chủ động nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X; các chỉ thị của Quân ủy Trung ương, đặc biệt là Chỉ thị số 368/CT-QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo CTCS đối với quân đội và HPQĐ giai đoạn 2016-2020”. Thời gian tới, CTCS tập trung làm tốt việc nghiên cứu thực tiễn, dự báo tình hình, kịp thời phát hiện, lựa chọn, xác định đúng vấn đề đề xuất; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội, phát huy dân chủ, năng lực tư duy, sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn, tập trung nghiên cứu, thể chế hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm xã hội và chế độ ưu đãi người có công trong quân đội phù hợp với tiến trình cải cách chính sách xã hội của Nhà nước và đặc điểm hoạt động của quân đội trong từng thời kỳ. Tiếp tục đề xuất, bổ sung chế độ, chính sách cho các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ mới; chính sách tinh giản biên chế; thu hút, khuyến khích nhân tài, cán bộ khoa học, đội ngũ thợ lành nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong quân đội. Phát triển chính sách HPQĐ và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách, bảo đảm chu đáo, tận tụy, thiết thực và hiệu quả. Cần tập trung tổ chức thực hiện chính sách theo hướng chuyên nghiệp hóa, minh bạch hóa, đơn giản hóa và từng bước hiện đại hóa. CTCS cần hướng trọng tâm vào việc giải quyết tốt chế độ cho các đối tượng: Lực lượng tại ngũ, người nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành; tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với những người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Động viên các nguồn lực, các tổ chức, cá nhân, tiếp tục tham mưu, tổ chức nhiều hình thức hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc người có công với cách mạng; đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; chăm sóc, tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; giải quyết kịp thời, chu đáo chính sách thương binh, liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Quá trình tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; có chương trình, kế hoạch, biện pháp thực hiện cụ thể, tạo sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội...
Ba là, chấp hành nghiêm các chế độ công tác, không ngừng đổi mới phương pháp, tác phong công tác trong toàn ngành. Thường xuyên quán triệt, nắm vững các quan điểm chỉ đạo, phương hướng, nguyên tắc xây dựng chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; luôn bám sát thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của các đối tượng chính sách; kịp thời phát hiện, giải quyết vướng mắc phát sinh. Chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, chương trình công tác với những nội dung, biện pháp cụ thể; chủ động thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ mới.
Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng cơ quan chính sách và đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm CTCS các cấp vững mạnh. Cơ quan chính sách các cấp cần chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, làm tốt việc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức, năng lực toàn diện, chuyên sâu, có phương pháp, tác phong công tác tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy vai trò của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành chức năng trong và ngoài quân đội, nhằm đề xuất chính sách đúng, tổ chức thực hiện các chế độ chính sách thấu tình, đạt lý.
Phát huy truyền thống “Đoàn kết, tận tụy, chủ động, sáng tạo”, toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng ngành Chính sách quân đội tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện thắng lợi các chính sách đối với quân đội và HPQĐ; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; cơ quan chính sách các cấp vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo chinhsachquandoi.gov.vn