Tin tức doanh nghiệp

Trang chủ » » Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn: "dĩ bất biến, ứng vạn biến"

Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn: "dĩ bất biến, ứng vạn biến"

11/05/2017

Mang theo băn khoăn về sự lựa chọn đa ngành của Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) ngay từ chặng đầu của cuộc hành trình 25 năm, nhưng tôi không thể cưỡng lại một câu chuyện thú vị khác, về cách học và ứng dụng quản trị DN hiện đại vào VN qua chia sẻ của “thủ lĩnh” Tổng Công ty Thái Sơn – Đại tá Phùng Danh Thắm.

 

Chủ tịch - TGĐ Tổng công ty Thái Sơn, Đại tá Phùng Danh Thắm: “Quan điểm kinh doanh của chúng tôi là ‘không bỏ trứng vào một giỏ'”

Trước nay, Thái Sơn tham gia một phần thương mại, xuất nhập khẩu các nước SNG, trong đó có Nga, Ukraine. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Đông Âu hồi năm ngoái, nhất là việc sáp nhập Crimea vào Nga là điều không ai ngờ tới, đã ảnh hưởng đến hoạt động của Thái Sơn ở thời điểm đó. Nếu như trong nước, khủng hoảng thường tác động một cách từ từ, thì ở Đông Âu, khủng hoảng tác động ngay “tắp lự”. Ví dụ, mức hàng hóa VN đưa sang tiêu thụ bình quân giai đoạn này hàng năm là 100 container, thì đột ngột sụt giảm chỉ còn vài ba container, gây khó khăn cho DN xuất khẩu nói chung, trong đó có Thái Sơn.

Trước tình hình đó, Thái Sơn đã ứng phó thế nào, thưa ông?

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” – Chúng tôi đã nhanh chóng chuyển tiếp hàng hóa sang các nước lân cận. Ví dụ hàng ứ ở Ukraine không tiêu thụ được chuyển sang Ba Lan và các nước láng giềng của Ukraine để phân phối ngay.

Nếu không có phản ứng kịp thời, như nhiều DN khác tưởng khó khăn chốc lát, để hàng lại, chờ qua khủng hoảng, bị tổn hại rất lớn. Chưa kể, tại thời điểm đó, đồng RUB của Nga xuống rất nhanh.

Tuy nhiên, không dễ để một DN có được mối quan hệ với nhiều thị trường cùng một lúc để có thể có phương án lý tưởng trong khủng hoảng như vậy, thưa ông?

Ra đời từ Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, với hoạt động ban đầu là ứng dụng chuyển giao công nghệ, dịch vụ, thương mại… – chính lợi thế về hợp tác quốc tế cũng như tinh thần hội nhập từ rất sớm đó đã giúp Thái Sơn mở rộng được thị trường, và có được sự chủ động trước các biến động.

Hay chưa chắc hợp

Hợp tác quốc tế đã giúp Thái Sơn “hấp thụ” được điều gì, mà ông cho là quan trọng nhất?

Ngoài việc hợp tác với các nước cộng đồng SNG, Thái Sơn tham gia liên doanh với Nhật Bản, Hàn Quốc từ rất sớm nên học hỏi được rất nhiều bài học về phương pháp quản trị DN từ các nước này. Trong đó, quan trọng nhất là nền nếp làm việc và phương pháp triển khai công việc nghiêm túc.

Gần đây, cùng với việc du nhập văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc… văn hóa quản trị của các nước này cũng được nhiều DN VN áp dụng, tuy nhiên, phù hợp hay không thì còn nhiều quan điểm khác nhau?

Nói đến người Nhật, tôi thấy có nhiều điểm rất hay nhưng không phù hợp với văn hóa người Việt, như quy định của nhân viên là làm hết việc mới về, có thể đến nửa đêm, đến sáng… Đó là một cách làm việc quyết liệt nhưng nếu áp dụng đối với người Việt sẽ “lợi bất cập hại”, vì văn hóa gia đình Việt là vợ chồng con cái quây quần sau ngày làm việc, không thể chấp nhận việc vợ, hay chồng làm thâu đêm, suốt sáng mà bỏ mặc gia đình, con cái…

Hay như Hàn Quốc, tính kỷ luật của họ rất cao. Cấp trên có quyền khiển trách cấp dưới rất mạnh, ra các quyết định kỷ luật rất nhanh, không thích có thể sa thải ngay. Nhưng văn hóa người Việt không cho phép lãnh đạo điều hành theo phương pháp đó, nhất là với DN quân đội. Ngoài Ban giám đốc, còn có Đảng ủy, đoàn thể, khi giải quyết một vấn đề phải có quy trình nhất định.

Người ta vẫn nói “quân lệnh như sơn”, nhưng ông có nghĩ đôi khi nặng mệnh lệnh quá sẽ không kích thích sáng tạo?

Gần 25 năm gắn bó cùng Tổng Công ty Thái Sơn vượt qua rất nhiều thử thách, với cương vị là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, tôi luôn khởi xướng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trên tinh thần chọn lọc các giá trị phù hợp với DN VN, với môi trường quân đội, kết hợp song song đức trị và pháp trị, “hợp tình, hợp lý”. Đặc biệt, tôi luôn cố gắng điều hành theo nguyên lý truyền cảm hứng làm việc cho các nhân viên, giúp họ chủ động sáng tạo, say mê trong công việc, đồng thời xem trọng “tâm lệnh” hơn “khẩu lệnh”.

Cách ông truyền cảm hứng cho nhân viên của mình?

Tôi luôn cố gắng chia sẻ những điều mà mình học hỏi được cho mọi người, từ những điều đơn giản nhất, nhưng tôi lại nhận thấy giá trị thiết thực mang lại. Đi nhiều nước, tôi thấy ở Nga có một nét văn hóa rất đáng học. Trước khi đi xa, mọi người mang vali xuống sảnh khách sạn hay đơn vị mình, ngồi im lặng 5 – 10 phút. Chính sự yên lặng, trấn tĩnh trong khoảng thời gian ngắn này khiến người ta tĩnh tâm để nhớ ra những vật dụng có thể quên, những dự định sắp làm, tránh được cảnh hấp tấp, vội vã, nóng giận, và chắc chắn ra đường sẽ an toàn hơn. Và tôi cũng áp dụng với Thái Sơn.

Trong buổi lễ kỷ niệm 25 năm ngày truyền thống, Tổng Công ty Thái Sơn và đồng chí Đại tá Phùng Danh Thắm – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng III do Chủ tịch nước trao tặng.

Cộng thế mạnh, nhân lợi ích

Tại sao Thái Sơn lại chọn slogan “Tiên phong là người lính”, thưa ông?

Thực hiện chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất, trong thời bình, Thái Sơn, với nhiệm vụ là quân đội sản xuất luôn tiên phong đối với các nhiệm vụ chính trị cũng như sản sản xuất kinh doanh.

Những doanh nhân “quân nhân” trưởng thành từ lính, mang trong mình những tố chất kiên cường, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người lính đang chiến đấu trên mặt trận xây dựng. Câu chiêu hiệu “Tiên phong là người lính” của Tổng Công ty Thái Sơn được đút kết từ tinh thần không sợ gian khó, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách.

Xin hỏi ông câu cuối cùng, và cũng là băn khoăn của tôi trước cuộc trò chuyện này, tại sao Thái Sơn lại chọn hoạt động đa ngành ngay từ những ngày đầu thành lập – ở thời điểm rất hiếm DN Nhà nước dám mạo hiểu đầu tư đa ngành, đặc biệt, giờ đây, khi đầu tư đa ngành đang dần được DN thu hẹp lại, thì Thái Sơn vẫn thành công?

Quan điểm kinh doanh của chúng tôi là ”không bỏ trứng vào một giỏ”.

Ngoài các ngành hàng truyền thống, Tổng Công ty Thái Sơn mạnh dạn đầu tư mở ra các ngành hàng mới nhiều tiềm năng. Đó không chỉ là sách lược phát triển thương hiệu hiệu quả mà còn là giải pháp chủ động chuyển hướng nếu xảy ra những biến chuyển trong sự vận động của nền kinh tế. Vì vậy, chúng tôi nỗ lực thiết lập các mạng lưới kinh doanh tại các địa phương thông qua các văn phòng đại diện, đại lý, các đối tác liên doanh, liên kết.

Xu thế hoạt động kinh tế hiện nay là hội nhập, hợp tác cùng phát triển. Tư duy kinh doanh kiểu cạnh tranh loại trừ không còn phù hợp. Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty chú trọng mở rộng hợp tác, theo phương châm chiến lược “Cộng và Nhân” – “cộng” các thế mạnh của từng doanh nghiệp lại để đạt được lợi ích bằng phép “nhân”. Hàng loạt hoạt động liên doanh, liên kết được thiết lập, tạo nên mạng lưới sản xuất kinh doanh gắn với thương hiệu Thái Sơn dần dần lan tỏa từ thị trường trong nước ra đến các nước trên thế giới.

Chiến lược 5, 10 năm nữa, ngoài nhiệm vụ quốc phòng, chiến lược của Thái Sơn là phát triển các dự án KCN để đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư vào công nghệ cao, thiết bị linh kiện điện tử… Thái Sơn sẽ tiếp tục là một DN với hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao, có thương hiệu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

  




Văn bản gốc