Tin tức

Trang chủ » » Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thứ 2 thế giới

Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thứ 2 thế giới

02/07/2021

Chuyên mục: Tin tức In trang

Chỉ số VN-Index tăng mạnh thứ 2 trên thế giới tính từ đầu năm và tăng tốt nhất trong một năm giao dịch vừa qua.

VN-Index tăng mạnh nhất một năm. Ảnh minh hoạ

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thăng hoa khi thanh khoản và điểm số liên tục ghi nhận những mốc mới. VN-Index đạt đỉnh hơn 1.410 điểm trong phiên 29/6 trước khi giảm nhẹ trong phiên hôm qua, ghi nhận mức tăng 27,6% kể từ đầu năm.

VN-Index tăng mạnh nhất một năm

Đà tăng này giúp VN-Index trở thành chỉ số chứng khoán tăng cao thứ 2 trên thế giới, theo dữ liệu từ StockQ. Tính rộng ra trong một năm gần nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng mạnh nhất với gần 71%.

Giá trị vốn hóa trên HoSE hiện đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 1,2 triệu tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó Vietcombank đang là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất với hơn 431.700 tỷ đồng, đóng góp hơn 8% tổng vốn hóa.

 
TTCK Viet Nam,  Chung khoan Viet Nam tang tot nhat,  Khoi ngoai ban rong HoSE anh 1

Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất một năm. Ảnh: StockQ

Đà tăng lan tỏa gần như toàn thị trường, trong đó cổ phiếu ngân hàng với tỷ trọng vốn hóa lớn có đóng góp cao khi nhiều mã đạt mức tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với đầu năm. Các cổ phiếu chứng khoán, thép, bất động sản cũng tăng cao trong nửa đầu năm.

Với chỉ số đạt đỉnh mới, định giá P/E của VN-Index hiện đã lên đến 19,2 lần, cao nhất từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, mức định giá hiện vẫn thấp hơn so với đỉnh lịch sử được thiết lập vào đầu năm 2018 với khoảng 22 lần.

Thanh khoản tỷ USD

Thanh khoản cũng là điểm nhấn của thị trường trong nửa đầu năm. Từ mức 6.200 tỷ năm ngoái, HoSE liên tiếp ghi nhận mức mới hàng chục nghìn tỷ đồng, đỉnh điểm là phiên giao dịch 31.000 tỷ đồng ngày 4/6.

Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân trong tháng 6 nhảy vọt lên gần 23.700 đồng/phiên (bao gồm cả khớp lệnh và thỏa thuận). Thanh khoản tỷ USD này giúp Việt Nam vượt qua Singapore để trở thành thị trường có lượng giao dịch lớn thứ 2 tại khu vực ASEAN.

Đóng góp lớn vào thanh khoản chung phải kể đến sự gia nhập của các nhà đầu tư mới (F0) khi tài khoản mở mới cao kỷ lục. Số lượng mở mới 5 tháng đầu năm đạt 480.490 tài khoản, vượt xa số lượng 393.659 tài khoản mở mới trong năm ngoái.

Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam – ước tính trong nửa đầu năm thị trường sẽ có thêm khoảng 500.000 tài khoản chứng khoán và kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận thêm khoảng 300.000 tài khoản mới trong nửa cuối năm 2021.

Ngoài dòng tiền mới từ F0, thanh khoản thị trường tăng mạnh còn được hỗ trợ từ việc tăng cho vay ký quỹ (margin), nhiều công ty chứng khoán đã chạm đến hạn mức cho vay theo quy định là 2 lần trên vốn chủ sở hữu.

Số liệu từ UBCKNN cho biết cuối tháng 5, dư nợ margin toàn thị trường đã lên tới hơn 112.000 tỷ đồng, tăng hơn 31.000 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên ông Sơn cho rằng dòng vốn margin tăng lên vẫn nằm trong tầm kiểm soát và chưa quá lớn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm cũng chứng kiến biến động lớn của khối ngoại khi họ bán ròng đến 30.000 tỷ đồng tại HoSE, gần gấp đôi lượng bán trong năm ngoái. Tuy nhiên mức độ bán ròng ở Việt Nam xét về giá trị tuyệt đối vẫn thấp hơn hầu hết ở các thị trường châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan…

Số liệu của UBCKNN cũng cho thấy số dư tiền mặt trên tài khoản NĐTNN trên TTCK vẫn lớn. Ông Sơn đánh giá dòng tiền này không rút ra mà để trên tài khoản dưới dạng tiền mặt, có nghĩa khối ngoại đang chờ đợi cơ hội đầu tư mới, các sản phẩm mới.

Cái tên bị bán ròng lớn nhất là HPG của Tập đoàn Hòa Phát với con số gần 13.000 tỷ đồng kể từ đầu năm, ngoài ra cổ phiếu ngân hàng như VietinBank (CTG), VPBank (VPB) hay MBB cũng bị bán hàng nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu VNM của Vinamilk bị bán ròng 6.200 tỷ đồng.

Điều đáng nói là mặc dù bị bán ròng, cổ phiếu HPG, CTG, VPB hay MBB đều tăng mạnh 50-100% từ đầu năm, đạt những mức đỉnh mới nhờ lực đỡ từ nhà đầu tư trong nước. Ngược lại thị giá VNM lại giảm 15% khi thiếu động lực tăng trưởng trong kinh doanh.

Ở chiều mua, khối ngoại tập trung gom các chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Trong đó DCVFM VNDiamond ETF (Mã: FUEVFVND) được mua ròng lớn nhất thị trường với gần 4.200 tỷ đồng, ngoài ra còn có SSIAM VNFinLead ETF được khối ngoại mua ròng 708 tỷ đồng và DCVFM VN30 ETF là 701 tỷ đồng.

Cổ phiếu bất động sản cũng thu hút dòng vốn nước ngoài khi Vinhomes (VHM) được mua ròng gần 3.000 tỷ đồng và Novaland (NVL) hơn 1.650 tỷ đồng. Nhà bán lẻ hàng công nghệ và thực phẩm MWG cũng được mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng.

Huy Lê

Theo Zingnews

  




;

Văn bản gốc


;