Chuyển đổi số sẽ đem đến tăng trưởng 1,1% GDP/năm cho Việt Nam
Theo báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045 được thực hiện trong 18 tháng bởi CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, chuyển đổi số trong kịch bản tối ưu có thể mang lại cho Việt Nam khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm, tương đương với 168,6 tỷ USD.
Để đạt được kịch bản tối ưu này, quá trình chuyển đổi số cơ bản diễn ra ở tất cả các ngành nghề và dịch vụ công. Cùng với đó, xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tăng.
Tiến sĩ Stefan Hajkowicz, Trưởng bộ phận Data 61, Csiro đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất khu vực Đông Á. Mới đây, việc Việt Nam lọt vào top “câu lạc bộ 7%”-nhóm các nước tăng trưởng cao năm 2020 đã chứng tỏ sự hấp dẫn của mình.
“Vậy làm thế nào để Việt Nam-nền kinh tế tăng trưởng nhanh của châu Á có thể đạt mức thu nhập cao? Đây là thời điểm Việt Nam cần có sự chuyển đổi về chiến lược từ tăng trưởng dựa vào thị trường lao động của các quốc gia có thu nhập thấp lên tăng trưởng dựa vào tri thức của các quốc gia thu nhập cao”, ông Hajkowicz nêu ý kiến.
Phát biểu tại hội nghị “Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” diễn ra ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh khẳng định, khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính sách về khoa học và công nghệ của Việt Nam đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm.
Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được củng cố; thị trường khoa học và công nghệ bước đầu gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Những năm qua, sự đóng góp của khoa học công nghệ thể hiện trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp... Theo đánh giá của tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 02 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28).
Tuy nhiên, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam.
“Cùng với đó là những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp. Nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Phương Linh
Theo VOV