"Cơ hội rất nhiều nhưng tự thân nó không biến thành lợi ích"
Hiệp định thương mại tư do Việt Nam - EU không tạo ra thương mại mà doanh nghiệp cần phải bước qua cánh cửa ấy, hiểu rõ đằng sau cánh cửa có gì để nắm bắt và phát triển tiềm năng vốn có của mình, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA của EU, ông Mauro nhấn mạnh.
Phụ thuộc vào một thị trường sẽ rủi ro
“Hơn 70% xuất nhập khẩu của Việt Nam đến từ các nước trong khu vực Đông Á. Nếu phụ thuộc quá mức vào một thị trường, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều rủi ro”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, đáng kể là bài học năm 1998 khi Việt Nam phụ thuộc vào một thị trường xuất nhập khẩu đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khủng hoảng kinh tế năm 1997 của khu vực Đông Á dẫn đến xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường này năm 1998 chỉ tăng chưa đầy 2%.
Để tránh rủi ro, cần cân đối thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Đó là một trong những lý do quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh đàm phán thành công Hiệp định thương mại tự do với các nước và các khu vực.
Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), Thứ trưởng Khánh cho rằng không chỉ giúp Việt Nam cơ cấu lại cán cân xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường mà còn giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường thể chế, điều này có lợi cho cả nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
“Chúng ta có thể tiếp cận với các thị trường lớn của thế giới, xuất khẩu hàng sản xuất từ Việt Nam đi các nước mà không phải chịu thuế nhập khẩu”, Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh. Và đây chính là lợi ích lớn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều trong thời gian gần đây.
Hiện nay, EU có quy mô 510 triệu người tiêu dùng và là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai đồng thời là nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Trong hơn 10 năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng gần 7 lần từ khoảng 6,3 tỷ USD vào năm 2003 lên 41,2 tỷ USD vào năm 2015 đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu Việt Nam. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD.
EU cũng là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với 1.809 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và chiếm 8% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam.
Sau cánh cửa, cần quan tâm đến môi trường, lao động
Ông Mauro Petriccione, Phó Tổng Vụ trưởng, Tổng vụ thương mại ủy ban châu Âu, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định EVFTA của EU ví von EVFTA đã mở rộng cánh cửa giao thương cho doanh nghiệp tại Việt Nam và EU. Tuy nhiên, ông Mauro nhấn mạnh rằng, EVFTA không tạo ra thương mại mà doanh nghiệp cần phải bước qua cánh cửa ấy, hiểu rõ đằng sau cánh cửa có gì để nắm bắt và phát triển tiềm năng vốn có của mình.
Cũng về vấn đề này, vị trưởng đoàn đoàn phán EVFTA của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng cơ hội thì rất nhiều, nhưng cơ hội tự thân nó không biến thành lợi ích mà doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt, đừng chờ đợi hay phụ thuộc .
Thứ trưởng Khánh cũng nhắn nhủ một lưu ý rất quan trọng rằng người tiêu dùng EU rất quan tâm đến môi trường và bảo đảm quyền lợi của người lao động nên nếu muốn xuất khẩu vào thị trường EU, doanh nghiệp cần quan tâm đến yếu tố này và làm điều này để chinh phục thị trường EU.
Khi cánh cửa giao thông giữa Việt Nam- EU rộng mở, sẽ có nhiều ngành của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, trong đó phải kể đến nông nghiệp.
“Nông nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển. Khi các mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt chất lượng cao sẽ cạnh tranh được với nông sản của thế giới”, ông Mauro khẳng định.
Theo ông, ngoài nông nghiệp, các ngành khác của Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để phát triển mạnh như Du lịch, Giao thông, Ngân hàng, Bảo hiểm.
Tại hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA): Cơ hội đối với doanh nghiệp” tổ chức sáng 31/5 đã ra mắt cuốn sổ tay hướng dẫn doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội EVFTA bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Theo Người Đồng hành