Công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017
Ngày 5/12/2017, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017. Đây là năm thứ 11 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report, công bố chính thức lần đầu tiên vào năm 2007. Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2017.
Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 19/01/2018 tại Khách sạn Grand Plaza, Hà Nội.
Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: www.vnr500.com.vn.
Top 10 Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2017
(Nguồn: www.vnr500.com.vn)
Top 10 Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam 2017
(Nguồn: www.vnr500.com.vn)
Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 tiếp tục ghi nhận sự trỗi dậy lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân
Nếu như năm 2007, năm đầu tiên công bố Bảng xếp hạng VNR500, khi đó doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong toàn bảng thì đến nay, sau hơn 10 năm, khối doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên gần gấp 2,5 lần, chiếm khoảng 50% số doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng.
Về mặt doanh thu, khu vực kinh tế nhà nước vẫn là khu vực đem đến tổng doanh thu lớn nhất trong 3 khu vực kinh tế của toàn Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017. Tuy nhiên, đóng góp doanh thu của khối nhà nước trong năm nay đã xuống còn 52%, giảm đi so với con số 59% trong năm 2016, đồng thời đóng góp của khu vực tư nhân nâng lên từ 27% (2016) lên 32,3% trong năm 2017. Xu hướng tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân và tăng tỉ trọng doanh thu của khối này trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 đã phản ánh phần nào nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, và việc đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ thời gian qua.
Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 cũng tiếp tục khẳng định những ngành nghề trụ cột của toàn nền kinh tế. Cụ thể, các ngành như điện, khoáng sản - xăng dầu, tài chính, thực phẩm - đồ uống, viễn thông - tin học vẫn là top 5 ngành có tỷ trọng doanh thu đóng góp vào Bảng xếp hạng VNR500 lớn nhất. Trong giai đoạn 3 năm 2015 - 2017, ngành điện đã dẫn đầu với tổng doanh thu lớn nhất toàn bảng.
Hình 1: Top 5 ngành có tổng doanh thu lớn nhất theo Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 (Đơn vị: tỷ đồng)
Nguồn: Vietnam Report.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng VNR500 2017, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát cộng đồng các doanh nghiệp lớn Việt Nam trong Bảng xếp hạng VNR500 nhằm tổng hợp những đánh giá của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2017, những rào cản các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt, khả năng tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp thời đại công nghệ số cùng triển vọng kinh doanh năm 2018.
Năm 2017: Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, kết quả hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc
Nếu năm 2016 được đánh giá là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế Việt Nam thì sang năm 2017, bối cảnh chung của nền kinh tế, và tình hinh kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, đã có nhiều tín hiệu tích cực. Theo phản hồi của các doanh nghiệp lớn, 75% doanh nghiệp đã tăng doanh thu trong năm nay, tăng khá nhiều so với năm 2016. Đồng thời, 62,5% doanh nghiệp phản hồi tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, chỉ có 4,7% doanh nghiệp đánh giá giảm đi. Trong đó, gần 70% doanh nghiệp báo cáo năng suất lao động tăng lên; các yếu tố như trang thiết bị (máy móc, nhà xưởng), tài sản cố định, khách hàng cũng được trên 60% doanh nghiệp nhận định tăng lên.
Hình 2: Tình hình tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2017
Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VNR500 do Vietnam Report thực hiện giai đoạn 2015 - 2017.
Các doanh nghiệp lớn cũng đã có những đánh giá rất tích cực về những cải thiện trong môi trường đầu tư kinh doanh năm 2017. Đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam năm nay, trên 50% doanh nghiệp lựa chọn từ tốt cho đến rất tốt đối với các vấn đề thủ tục pháp lý, khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng. Điểm nổi bật trong năm nay nằm ở các chính sách tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, dẫn đến làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, như đã được thể hiện qua việc cải thiện mạnh trong xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam (theo Báo cáo Doing Business). Tuy nhiên, thủ tục hành chính và các vấn đề về thuế vẫn là mối bận tâm của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn này. Hơn 50% doanh nghiệp đánh giá thủ tục hành chính tại Việt Nam ở mức trung bình và gần 5% doanh nghiệp đánh giá mảng này ở mức kém.
Hình 3: Đánh giá của doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh năm 2017
Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VNR500 do Vietnam Report thực hiện giai đoạn 2015 - 2017.
Dự báo năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp lớn cho rằng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, tình hình sản xuất kinh doanh tổng thể sẽ tăng lên hoặc ổn định so với năm 2017; 6,6% doanh nghiệp dự định sẽ cắt giảm chi phí đối với hoạt động kinh doanh tương lai.
Vốn đầu tư và nhân lực vẫn là bài toán lớn đối với doanh nghiệp Việt trong Cách mạng Công nghệ 4.0
Đứng trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và yêu cầu đổi mới của Cách mạng Công nghệ 4.0, nền kinh tế số đang trở thành một hướng đi tất yếu đối với Việt Nam nói riêng và với các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung. Công nghệ số đang được coi là trọng tâm phát triển khi các hình thức kinh tế truyền thống dần trở nên bão hòa; đặc biệt, phát triển công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường, tăng năng suất đồng thời giảm bớt chi phí kinh doanh. Tuy nhiên, ngay cả ở những doanh nghiệp lớn, việc số hóa vẫn đặt ra nhiều bài toán khó khăn và nhiều công ty vẫn bó hẹp phạm vi ứng công nghệ trong phòng ban IT – kỹ thuật và chưa thực sự triển khai trong hoạt động của doanh nghiệp. Trả lời khảo sát của Vietnam Report, nhiều doanh nghiệp nhận định nguyên nhân dè dặt trong việc áp dụng công nghệ trong tiến trình số hóa là do yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn (40,6% phản hồi); thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (35,9%) và những lo ngại về vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu (32,8%).
Hình 4: Nhận định của doanh nghiệp về khó khăn, rào cản của doanh nghiệp khi tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong thời gian qua
Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VNR500 do Vietnam Report thực hiện tháng 11/2017.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và cải cách thủ tục hành chính: Điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp lớn
So với các quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia non trẻ trong công cuộc số hóa hiện đại. Đóng vai trò là những “đầu tàu” của nền kinh tế nước nhà – những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận thách thức và nắm bắt cơ hội thời đại – đang có xu hướng khởi nghiệp ngay trên chính nền kinh tế số hóa của Việt Nam. Cụ thể, trong 2 năm tới, gần 65% doanh nghiệp lớn dự định mở rộng sang các dự án, lĩnh vực kinh doanh mới (start-up). Trong đó, có hai lựa chọn được các doanh nghiệp hướng tới nhiều nhất là tìm kiếm thị trường mới (68%) và thực hiện các dự án liên doanh, liên kết (57%). Ngoài ra, có 19% doanh nghiệp nhận định sẽ thực hiện các thương vụ mua bán-sáp nhập và 11% doanh nghiệp sẽ chi nguồn vốn đầu tư cho các start-up có triển vọng.
Nhận định về những rào cản đối với quá trình phát triển, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định việc đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm đầu tư – kinh doanh trực tiếp của Nhà nước, là sự hỗ trợ không thể thiếu giúp doanh nghiệp phát triển trong năm 2018. Nhiều doanh nghiệp phản hồi mong muốn Chính phủ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đánh giá năng lực cán bộ; kết hợp với cắt giảm đầu tư công; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty lớn trong thời gian tới.
Tình hình kinh tế năm 2018 được dự báo sẽ phân hóa cao các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành đặc thù. Khi thị trường ngày một biến động và có nhiều diễn biến mới đan xen, việc giữ vững vị thế và khẳng định uy tín doanh nghiệp sẽ ngày càng quan trọng.Chính uy tín sẽ là yếu tố quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn của người tiêu dùng, của nhà đầu tư và sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Vì vậy, Ban tổ chức hi vọng rằng, với sự ghi nhận thành tích xuất sắc và nỗ lực đáng kể của các doanh nghiệp tiêu biểu trong thời gian qua, các doanh nghiệp VNR500 nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ giữ vững vị thế trên thương trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.