Tin tức

Trang chủ » » Công bố Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020

Công bố Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020

25/09/2020

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngày 25/9/2020, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020.

Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan: người tiêu dùng, chuyên gia… được thực hiện trong tháng 8/2020.

Danh sách Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020 - Nhóm hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020, tháng 9/2020

Danh sách Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020 - Nhóm hàng lâu bền: Điện máy, điện lạnh, vàng bạc…

top 10 retailer 2020_Danh sach 2_2

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020, tháng 9/2020

Ngành bán lẻ 3 quý đầu năm 2020: Sóng cả không ngã tay chèo

Trải qua năm 2019, một năm được đánh giá là đạt được nhiều dấu ấn, đầy sôi động của thị trường bán lẻ Việt Nam với sự gia tăng mạnh mẽ cả về tổng lượng bán lẻ, số lượng và quy mô của các chủ thể gia nhập thị trường bán lẻ, đặc biệt là sự phát triển của mô hình bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị cỡ vừa và nhỏ, cửa hàng tiện lợi, đạt mức tăng trưởng 21,5% so với năm 2018, bước sang năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã và đang tác động đến hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế Việt Nam, bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Trong quý II năm 2020 do lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ khiến hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong ngành bán lẻ đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019. Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính chung 8 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%.

Mặc dù doanh thu mua sắm trực tiếp giảm, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng. Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho thấy: 41,7% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19; 50,0% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và 8,3% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.

Hình 1: Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến doanh nghiệp bán lẻ

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Bán lẻ, tháng 8/2020

Top 4 khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ dưới tác động của đại dịch COVID-19

Khi dịch bệnh bùng phát, nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội, nhiều ngành kinh tế bị tê liệt, người lao động phải nghỉ làm, thu nhập bị giảm sút và có 85,3% người tiêu dùng trong khảo sát của Vietnam Report phản ánh họ phải tiết kiệm chi tiêu. Bên cạnh đó là sự thay đổi hành vi của khách hàng với 58,8% người được hỏi cắt giảm mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như quần áo, giầy dép; 70,6% cắt giảm thiết bị thể thao và hoạt động ngoài trời và 36,3% tăng mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe để phòng chống dịch, đặc biệt các sản phẩm có nguồn gốc oganic. Điều này đã tác động đến doanh thu của ngành bán lẻ. Theo nhận định của các doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report, sức mua và doanh số sụt giảm; sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng; thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và đứt gãy chuỗi cung ứng là bốn khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt dưới tác động của đại dịch COVID-19 (44,4% doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn thiếu hụt nguồn vốn để kinh doanh khi doanh số sụt giảm nhưng vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng).

Hình 2: Top 4 khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ dưới tác động của đại dịch COVID-19

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Bán lẻ, tháng 8/2020

Hình 3: Chi tiêu của khách hàng thay đổi dưới tác động của đại dịch COVID-19

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát hành vi người tiêu dùng, tháng 8/2020

Triển vọng những tháng cuối năm 2020: Thận trọng và Dè dặt

Với nhiều khó khăn phải đối mặt trong năm 2020 do tác động của COVID-19, sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, có đến 54,5% doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng triển vọng ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm 2020 sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm trước; 36,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn một chút và chỉ có 9,1% doanh nghiệp đánh giá khả quan hơn một chút.

Hình 4: Đánh giá triển vọng những tháng cuối năm so với cùng kỳ năm trước

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Bán lẻ, tháng 8/2020

Nhìn chung, trong khảo sát doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành do Vietnam Report thực hiện tháng 8/2020, mặc dù trong trước mắt thị trường bán lẻ của Việt Nam có thể gặp một chút khó khăn do tác động nhất định của đại dịch, nhưng về mặt dài hạn, trong ít nhất 3 năm tới, đây vẫn luôn được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng phát triển với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao nhờ kinh tế phát triển ổn định, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, cùng xu hướng mua sắm, tiêu dùng mới, đặc biệt khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, được đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận thị trường Việt Nam được thuận lợi hơn. Hiệp định EVFTA góp phần tạo sức hút cho các doanh nghiệp lớn của EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ của Việt Nam, dẫn đến cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này vốn đã gay gắt nay lại trở lên khốc liệt hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ cũng gặp nhiều thách thức khi phải liên tục thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và nhiều mô hình bán lẻ.

Top 5 xu hướng chủ đạo của ngành Bán lẻ Việt Nam trong thời kỳ bình thường mới

Câu hỏi đặt ra cho ngành Bán lẻ về tác động vĩnh viễn của đại dịch COVID-19 đến hoạt động mua sắm và dẫn đến những cơ hội kinh doanh mới nào? Trong kết quả khảo sát các doanh nghiệp bán lẻ và các chuyên gia trong ngành của Vietnam Report đã chỉ ra 5 xu hướng chủ đạo với ngành bán lẻ trong thời gian tới.

Xu hướng đẩy mạnh bán hàng đa kênh (Omnichannel), tích hợp chặt chẽ từ trực tuyến đến trực tiếp

Kết quả khảo sát hành vi người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy trong bối cảnh mọi người phải hạn chế đi lại, tụ tập đến nơi đông người để phòng chống dịch bệnh, người tiêu dùng đã chuyển đổi kênh mua sắm trên cả hai nhóm sản phẩm nhu cầu thiết yếu và nhóm hàng không thiết yếu. Đối với nhóm nhu yếu phẩm thiết yếu, trước khi có đại dịch, 3 kênh mua sắm chính của người tiêu dùng là chợ truyền thống (73,5% người lựa chọn), trung tâm thương mại, siêu thị (71,6%), cửa hàng tiện lợi (50,9%); khi có dịch bệnh, 3 kênh được người tiêu dùng lựa chọn là cửa hàng online (59,8%), cửa hàng tiện lợi (54,9%), trung tâm thương mại, siêu thị (50,9%). Nhóm sản phẩm không phải thiết yếu cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột biến của kênh bán hàng online với 52,9% người được hỏi tăng mua hàng qua ứng dụng trên điện thoại di động (shopee, tiki, chotot,...), 34,3% tăng đặt hàng trên điện thoại/ hotline, và có tới 76,24% người giảm đáng kể việc đến trực tiếp cửa hàng mua sắm.

Hình 5: Kênh mua sắm nhu yếu phẩm trước và sau khi có đại dịch COVID-19

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát hành vi người tiêu dùng, tháng 8/2020

Hình 6: Sự thay đổi kênh mua sắm sản phẩm không phải nhu yếu phẩm thiết yếu sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát hành vi người tiêu dùng, tháng 8/2020

Các nhà bán lẻ tại Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt hành vi người tiêu dùng, khai thác sâu các kênh trực tuyến, các app bán hàng, tận dụng các kênh giao hàng và thúc đẩy tích hợp đa kênh. Nhờ sự chuyển đổi kịp thời đã giúp cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ như Lottemart tăng trưởng doanh số qua kênh online từ 100% đến 200%, đặc biệt ở thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, có 66,7% doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report nhận định đại dịch COVID-19 tạo một cú hích khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, và đây cũng chính là tác động lâu dài của dịch bệnh với ngành bán lẻ.

M&A tiếp tục bùng nổ

Năm 2019, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến kỷ lục số vụ mua bán, sáp nhập (M&A), dòng vốn được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp trong nước, với các thương vụ nổi bật như Saigon Co.op tiếp nhận 18 siêu thị Auchan, Vingroup chuyển nhượng toàn bộ mảng bán lẻ tại Vincommerce cho Tập đoàn Masan. Điều này cho thấy doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã có sự bứt phá, ngày càng trưởng thành hơn, và đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Hiệp định EVFTA tạo ra thách thức đối với ngành bán lẻ trong nước, theo đánh giá của Bộ Công thương hơn 60% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh kém, có nhu cầu vốn lớn và nhiều doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với các đối tác cùng ngành nghề để tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ quản lý tiên tiến từ các nước EU. Các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về tài chính, hệ thống và kinh nghiệm thương trường dễ giành được thị phần thông qua các thương vụ M&A, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công tại thị trường Việt Nam, điển hình như trường hợp của Tập đoàn bán lẻ Auchan rút lui khỏi thị trường Việt Nam năm 2019 do những hạn chế về sự am hiểu văn hóa người tiêu dùng, tiếp cận nguồn hàng, mạng lưới chi nhánh v.v. Hoạt động M&A giúp cả hai bên tham gia đều có lợi, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhanh chóng sở hữu thị phần, chuỗi cung ứng bán lẻ và lượng khách hàng hiện có của các doanh nghiệp trong nước. Điều này hứa hẹn M&A trong lĩnh vực bán lẻ sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.

Công nghệ không chạm và tính linh hoạt trong thanh toán sẽ tiếp tục được chú trọng

Công nghệ không chạm đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động marketing, thanh toán không dùng tiền mặt thông qua sử dụng mã QR, hay tích hợp với dịch vụ công nghệ thực tế ảo cho phép người tiêu dùng thử sản phẩm tại nhà, đặc biệt dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, công nghệ không chạm lại càng được chú trọng hơn.

Mặc dù tiền mặt sẽ không bao giờ mất đi hoàn toàn, nhưng nó sẽ giảm dần mức độ phổ biến khi khách hàng tìm kiếm những cách thức mua hàng thuận tiện và linh hoạt hơn. Kết quả khảo sát hành vi người tiêu dùng gần đây của Vietnam Report chỉ ra 60,6% người được hỏi lựa chọn sử dụng tiền mặt trong thanh toán giảm đi, 59,6% người tăng các hình thức thanh toán qua Internet Banking và 57,7% người tăng thanh toán qua ví điện tử. Các nhà bán lẻ cần chủ động tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán dựa trên ứng dụng nhằm tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng và phù hợp với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hình 7: Hình thức thanh toán sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát hành vi người tiêu dùng, tháng 8/2020

Tăng cường ứng dụng công nghệ mới như Dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI)

Phân tích dữ liệu lớn ngày càng đóng vai trò cốt lõi trong việc nghiên cứu sở thích và hành vi của khách hàng để tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng. Kết quả khảo sát của Vietnam Report về hành vi người tiêu dùng trước khi mua một sản phẩm chỉ ra có 56,9% người được hỏi tự chủ động nghiên cứu; 20,6% nghe tư vấn từ người thân, bạn bè; 13,7% từ thông điệp và chương trình khuyến mãi, sự tương tác trên quảng cáo trực tuyến và 5,9% khi nghe ai đó giới thiệu trên mạng xã hội.

Hình 8: Nguồn thông tin tham khảo khi lựa chọn một kênh bán lẻ

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát hành vi người tiêu dùng, tháng 8/2020

Các nhà hoạch định chiến lược cần xem xét người tiêu dùng đang tiêu tiền thông qua những danh mục và những kênh nào? Những lợi thế cạnh tranh nào đã thay đổi và lĩnh vực nào thành công? Qua việc xác định các cơ hội phát triển trong thời kỳ bình thường mới, những lĩnh vực nào có thể được tăng tốc, hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ giúp các nhà bán lẻ thiết kế lại trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng, phù hợp với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Xu hướng phát triển các mô hình siêu thị mini của ngành bán lẻ hiện đại tại Việt Nam

Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, siêu thị mini chính là xu hướng phát triển của ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam trong bối cảnh thị trường bán lẻ đang chịu cạnh tranh từ thương mại điện tử, các trung tâm thương mại truyền thống cũng gặp nhiều khó khăn. Trong kết quả khảo sát người tiêu dùng gần đây của Vietnam Report cho thấy 48% người được hỏi lựa chọn một cửa hàng hay siêu thị vì vị trí thuận lợi, và các siêu thị mini đáp ứng được nhu cầu này cho người mua, lại tối ưu hóa chi phí với quy mô khoảng 50 - 200 m2, được quản lý từ 2 đến 3 nhân viên. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, mô hình siêu thị mini lại càng thể hiện ưu điểm hạn chế tập trung đông người như các siêu thị lớn, người tiêu dùng giảm dần thói quen mua sắm ở chợ truyền thống và chọn đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có tăng lên.

Số lượng siêu thị mini tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở các khu vực cấp 2 và 3 nhưng tiềm năng mở rộng các cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam còn rất lớn, khi kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, các cửa hàng tiện lợi chưa đến 10% thị trường. Các mô hình siêu thị mini tiếp tục là xu thế của thị trường và các nhà bán lẻ cần nắm bắt để tiếp tục đổi mới hình thức cửa hàng, tạo ra trải nghiệm phù hợp cho khách hàng cùng với kênh trực tuyến của doanh nghiệp.

Top 6 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp bán lẻ trong thời kỳ bình thường mới

Đại dịch COVID-19 tạo ra nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội sàng lọc các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, là thời điểm để các doanh nghiệp nhìn lại những hạn chế trong giai đoạn trước và đổi mới một cách toàn diện nhằm tránh rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Đặc biệt trong bối cảnh các gia đình tiết kiệm chi tiêu, thay đổi hành vi mua sắm, các doanh nghiệp bán lẻ cần chủ động điều chỉnh phương án kinh doanh phù hợp với xu thế tiêu dùng mới, đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong vận hành, và phát triển đa dạng các kênh bán hàng, các hình thức thanh toán linh hoạt.

Hình 9: Top 6 chiến lược của doanh nghiệp bán lẻ

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Bán lẻ, tháng 8/2020

Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp bán lẻ chỉ ra top 6 chiến lược của doanh nghiệp bán lẻ trong thời kỳ bình thường mới: 90,9% doanh nghiệp bán lẻ lựa chọn triển khai các chương trình kích cầu người tiêu dùng như giảm thêm giá bán, tăng thêm ưu đãi cho sản phẩm, giao hàng miễn phí tại nhà nhằm tăng doanh thu; 72,7% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí. Đối với các doanh nghiệp bán lẻ việc cắt giảm chi phí vận hành không chỉ giúp gia tăng lợi nhuận mà còn giúp doanh nghiệp giữ vững lợi thế cạnh tranh về mức giá rẻ và có thể đối phó với những đối thủ trong lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng lớn mạnh. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã thực hiện chiến lược cắt giảm chi phí thông qua đàm phán giảm giá thuê mặt bằng, hạn chế tuyển dụng mới, cắt giảm chi phí quảng cáo v.v.

Ngoài ra, có 63,6% doanh nghiệp tăng cường số hóa các hoạt động vận hành, đẩy mạnh nghiên cứu thị hiếu và xu thế thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng và đầu tư xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến mới; 36,4% doanh nghiệp lựa chọn phát triển các hình thức thanh toán đa dạng, linh hoạt.

Uy tín của các doanh nghiệp bán lẻ trên truyền thông: Sức mạnh của uy tín và niềm tin trong khủng hoảng

Hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông sẽ góp phần xây dựng uy tín doanh nghiệp và được xem như yếu tố quan trọng có tác động đến tâm lý người tiêu dùng, vì thế các doanh nghiệp bán lẻ ngày càng chủ động xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Trong giai đoạn nghiên cứu năm nay (Từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020), tiếng nói và sự xuất hiện của các doanh nghiệp bán lẻ trên truyền thông đã tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ nghiên cứu năm trước, đạt tỷ lệ 39,4% so với 12,8% trong kỳ nghiên cứu 2018-2019 (Từ tháng 9/2018 đến tháng 8/2019).

Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là "an toàn" khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng "tốt nhất" là trên 20%. Trong số doanh nghiệp được nghiên cứu có 54,29% doanh nghiệp đạt ngưỡng trên 20% và có 62,86% doanh nghiệp đạt được mức 10%.

Xét về tần suất xuất hiện trên truyền thông: SJC, THẾ GIỚI DI ĐỘNG, PNJ, DOJI, FPT Shop, VinMart và VinMart+, LOTTE Mart, MEGA MARKET, SASCO, AEON là những doanh nghiệp xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông.

Hình 10: Các doanh nghiệp xuất hiện nhiều trên truyền thông hàng tiêu dùng và hàng lâu bền (tần suất)

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Bán lẻ từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020

Kết quả phân tích Mediacoding của Vietnam Report cũng chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với ngành Bán lẻ: Tài chính/ Kết quả kinh doanh; Sản phẩm; Giá; Hình ảnh/ Pr; Cổ phiếu/ Chứng khoán. Vị thế thị trường và Trách nhiệm xã hội là hai nhóm có tỷ lệ tin tích cực cao nhất, lần lượt là 57,85% và 58,06%. Các nhóm liên quan đến Quy định của Chính phủ, hình ảnh/ PR/ Scandals, và Cổ phiếu có tỷ lệ tin tiêu cực vượt ngưỡng an toàn là 10%.

Hình 11: Top 10 chủ đề xuất hiện trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Bán lẻ từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020

Top 4 giải pháp đề xuất với Chính phủ để hỗ trợ cho ngành Bán lẻ

Để hỗ trợ tốt hơn nữa cho ngành Bán lẻ vượt qua những khó khăn nêu trên, tận dụng các cơ hội trong thời gian tới, bên cạnh việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo mức sống của người dân trong đại dịch, các chuyên gia và doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report đã đề xuất 4 giải pháp trọng tâm cần Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên giải quyết, đó là: Bổ sung hỗ trợ thông qua các gói tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế (100%); Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động bán hàng online (66,7%); Hỗ trợ tư vấn các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số (66,7%); Hỗ trợ kết nối với các nhà cung cấp (44,4%).

Hình 12: Top 4 giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ cho ngành bán lẻ

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp ngành Bán lẻ, tháng 8/2020

 

Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report được công bố từ năm 2017. Từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các doanh nghiệp trên truyền thông. Kể từ đó đến nay, nhiều bảng xếp hạng Top 10 thuộc các ngành trọng điểm và có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cũng đã được định kỳ công bố thường niên như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ thông tin, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Du lịch, Doanh nghiệp niêm yết.

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các công ty bán lẻ tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành bán lẻ được đăng tải trên các đầu báo có ảnh hưởng trong thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020, đánh giá theo cấp độ câu chuyện (story - level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức - khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Lễ công bố chính thức bảng xếp hạng và tôn vinh Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020 được tổ chức vào ngày 22 tháng 10 năm 2020 tại Khách sạn Sheraton, TP. Hà Nội.

Mọi chi tiết xin vui lòng truy cập website của Ban Tổ chức: https://toptenvietnam.vn/.

 

Vietnam Report

 

 

  




Văn bản gốc