Tin tức

Trang chủ » » Công bố Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín năm 2022

Công bố Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín năm 2022

01/07/2022

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngày 01/7/2022, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2022.

Uy tín của các công ty bảo hiểm được đánh giá khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp; đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông theo phương pháp Media coding; và khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 6/2022. Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2022 được công bố theo 02 danh sách: Top 10 Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín và Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2022.

Danh sách 1: Top 10 Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2022

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2022, tháng 7/2022

Danh sách 2: Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2022

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2022, tháng 7/2022

Trải qua hơn 2 năm kinh tế toàn cầu và trong nước phải đối mặt với những khủng hoảng to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra, thế giới cũng đang dần trở lại thời kỳ bình thường tiếp theo. Khủng hoảng qua đi cũng mang lại những cơ hội để làm mới chính mình với các công ty bảo hiểm trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Các hãng bảo hiểm nỗ lực cung cấp nhiều giải pháp bảo vệ khách hàng, giúp họ chiến đấu trong trận chiến COVID-19. Quy trình mua bảo hiểm cũng dễ dàng và liền mạch hơn. Thực tế, trải qua đại dịch, khách hàng cũng nhận thức rõ về lợi ích của bảo hiểm, thu nhập và nhu cầu lập kế hoạch tài chính của họ cũng cao hơn.

Tổng quan thị trường Bảo hiểm trong nước 5 tháng đầu năm 2022

Tổng quan chung

Kinh tế Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau hơn 2 năm chống chọi với khủng hoảng do dịch bệnh gây ra. GDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6,42%, cải thiện đáng kể so với mức 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020. Mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, xuất nhập khẩu đều ghi nhận kết quả rất tích cực. Trong bối cảnh phục hồi chung đó của toàn nền kinh tế, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính tới cuối tháng 5/2022, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.715 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.564 tỷ đồng, tăng 13,1%. Mức tăng trưởng 13,1% của bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 tháng đầu năm 2022 là rất tích cực nếu so với mức tăng trưởng gần 4% của cả năm 2021, đà tăng trưởng này dự kiến sẽ duy trì trong năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng với những thuận lợi về chính sách. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người cũng có xu hướng tăng mạnh so với năm 2021 sau khi người dân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Bên cạnh đó, đà tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ đã có dấu hiệu giảm trong 2 năm gần đây (đạt dưới 20%, so với mức tăng 30% những năm trước), số lượng hợp đồng và phí bảo hiểm khai thác mới 5 tháng năm 2022 ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021 (-19,9% và -4,8%).

Nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe vốn có xu thế tăng trưởng nhanh hơn các nhóm nghiệp vụ khác trong những năm gần đây, đặc biệt tăng trưởng rất mạnh trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Thống kê 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy, trong khối phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đứng số 1 về doanh thu, ước đạt 8.512 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,9%, tăng 20,4% so với cùng kỳ, bồi thường 2.392 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 28,1%. Điều này chứng tỏ các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe ngày càng nhận được sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, theo khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp trong ngành được thực hiện tháng 6/2022, quản trị rủi ro và ngăn ngừa gian lận bảo hiểm trong bảo hiểm sức khỏe là vấn đề mà doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cần đặc biệt lưu ý. Có đến 45% số DNBH cho rằng vấn đề trục lợi bảo hiểm là một trong những thách thức lớn đối với DNBH trong bối cảnh hiện nay, 75% số DNBH mong muốn Chính phủ tăng mức độ phạt đối với hành vi trục lợi bảo hiểm.

Đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng đối với DNBH

Hình 1: Đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng đối với DNBH

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng bảo hiểm, tháng 6/2021 và tháng 6/2022

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 80% số DNBH đang tập trung vào chiến lược “Cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng” với mong muốn có thể mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. Chính vì lý do đó, kết quả khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy mức độ hài lòng của khách hàng đối với DNBH tăng lên đáng kể ở tất cả các tiêu chí đánh giá. Với tiêu chí Sự hiện diện, mức độ hài lòng của khách hàng đối với DNBH nhân thọ tăng từ 4,31 lên 4,54 và đối với DNBH phi nhân thọ tăng từ 4,01 lên 4,25. Với tiêu chí đánh giá thứ hai là Năng lực phục vụ, mức độ hài lòng của khách hàng đối với DNBH tăng mạnh với cả nhân thọ và phi nhân thọ. Sau thời kỳ bùng nổ của đại dịch, con người ngày càng nhận thức tích cực hơn về bảo hiểm. Vậy nên, kết quả khảo sát về Sự tin cậy của DNBH cũng tăng lên đáng kể, đối với DNBH nhân thọ mức tăng đạt 8% và đối với DNBH phi nhân thọ, mức tăng đạt 6%. Với tiêu chí Chất lượng sản phẩm, mức độ hài lòng của khách hàng đối với DNBH nhân thọ tăng từ 3,98 lên 4,45 và đối với DNBH phi nhân thọ tăng từ 3,80 lên 4,25. Do mức độ cạnh tranh trong ngành bảo hiểm ngày càng gay gắt, các DNBH phải cân nhắc để đưa ra mức phí hợp lý với nhiều mức ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Vậy nên, mức độ hài lòng của khách hàng về Phí bảo hiểm đã tăng từ hài lòng lên rất hài lòng đối với cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.

Tình hình nhân sự trong các doanh nghiệp bảo hiểm

Hình 2: Tỷ lệ nhân sự tốt nghiệp từ chuyên ngành bảo hiểm

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DNBH tại Việt Nam, tháng 6/2022

Thu hút nguồn nhân lực phù hợp có thể là thách thức lớn nhất mà các công ty bảo hiểm phải đối mặt vào năm 2022. Bảo hiểm là ngành có tốc độ tăng trưởng hai chữ số ngay cả trong thời kỳ bùng nổ của đại dịch; tuy nhiên, theo khảo sát của Vietnam Report, 20% số DNBH đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân sự. Đáng chú ý, tỷ lệ nhân sự tốt nghiệp từ chuyên ngành bảo hiểm dưới 10% diễn ra khá phổ biến, được ghi nhận tại 40% DNBH. Sở dĩ, tỷ lệ này thấp như vậy là do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, số lượng các trường đại học, học viện có chuyên ngành đào tạo về bảo hiểm không nhiều và việc đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm tại các trường đại học nhìn chung vẫn mang tính lý thuyết. Nhìn vào chất lượng đào tạo, cũng không khó để nhận thấy khoảng cách tương đối lớn giữa kiến thức sinh viên được học ở trường đại học và công việc thực tế khi đi làm. Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều DNBH đã “chữa cháy” bằng cách tuyển dụng nhân sự được học từ các chuyên ngành khác và đào tạo ngắn hạn kiến thức cơ bản về bảo hiểm. Thứ hai, đại dịch COVID-19 hoành hành trong hai năm vừa qua cộng thêm việc giãn cách xã hội dài ngày khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Chính vì thế, những công việc như tư vấn bảo hiểm trực tuyến được nhiều người lựa chọn. Thêm vào đó, để có thể đạt doanh thu như kỳ vọng, việc mở rộng đội ngũ nhân viên tư vấn trực tuyến là một chiến lược ưu tiên của DNBH trong thời gian này. Việc tuyển dụng nhân sự không vững nghiệp vụ đã gây ra nhiều khó khăn cho không chỉ doanh nghiệp mà cả khách hàng. Ngoài ra, việc thiếu hụt nhân sự có kỹ năng chuyển đổi số cũng là một bài toán nan giải đối với các DNBH hiện nay, cản trở việc đánh giá rủi ro có thể gặp phải liên quan đến bảo mật thông tin, dữ liệu. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ nhân sự am hiểu về Insurtech tại các DNBH chủ yếu từ 50-70%. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên hiện có cũng như tuyển dụng thêm những nhân sự có sự am hiểu về Insurtech.

Tình hình triển khai Insurtech trong các DNBH

Hình 3: Tình hình triển khai Insurtech trong hoạt động kinh doanh của DNBH

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát các DNBH tại Việt Nam, tháng 6/2020 và tháng 6/2022

Khi đại dịch qua đi, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, số hóa các quy trình, thủ tục trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong đó có Bảo hiểm. Để tận dụng tối đa đà phát triển này, các DNBH đang gấp rút hoàn thiện và triển khai các quy trình liên quan đến các thủ tục bảo hiểm thông qua nền tảng số. Một số hợp đồng bảo hiểm cũng sẽ dần được đơn giản hóa theo hướng ứng dụng số hóa để tăng tính tự động. 90,0% số DNBH tham gia khảo sát của Vietnam Report hiện đang triển khai chương trình chuyển đổi số, trong khi những DN còn lại dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, việc xây dựng ứng dụng trên thiết bị thông minh và phân phối sản phẩm qua kênh bán hàng mới dường như đã đạt được độ bão hòa nhất định khi tỷ lệ DNBH triển khai những nghiệp vụ này trong một năm vừa qua có dấu hiệu chững lại. Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 10 trên thế giới về tỷ lệ người sở hữu smartphone, tỷ lệ người dân sử dụng internet chiếm hơn 70% dân số, vì vậy không khó hiểu khi hầu hết các DNBH đều đã xây dựng riêng cho mình một ứng dụng trên thiết bị thông minh thời gian qua, dù ở mức sơ khai hay tích hợp. Ngược lại với xu hướng của 2 nghiệp vụ trên, nối tiếp đà tăng trưởng từ năm 2020, tỷ lệ DNBH đẩy mạnh triển phát triển các sản phẩm theo yêu cầu đạt 60%, là hoạt động được DNBH tích cực đẩy mạnh nhất trong giai đoạn vừa qua (+24,7%).

Một điểm đáng lưu ý đối với hoạt động của các DNBH hiện nay đó là việc thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu chung cho toàn ngành. Mặc dù ở góc độ vi mô, hệ thống công nghệ thông tin đã được xây dựng nhằm phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, nhưng xét trên bình diện chung toàn thị trường, mỗi doanh nghiệp đang sử dụng một hệ thống công nghệ thông tin khác nhau, không có sự liên thông dữ liệu chung, gây ra tình trạng phân tán dữ liệu, khó khăn cho công tác quản lý, chia sẻ thông tin trong toàn ngành. Kéo theo đó là tình trạng trục lợi bảo hiểm.

Triển vọng và xu hướng ngành Bảo hiểm Việt Nam năm 2022

Triển vọng thị trường

Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận phần lớn DNBH dự kiến tăng trưởng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2022 chỉ từ 10-14%, thấp hơn khá nhiều nếu so với mức tăng trưởng thực tế 24,98% trong năm 2021. Đáng chú ý, các DNBH phi nhân thọ tỏ ra khá thận trọng với các kế hoạch lợi nhuận âm hoặc dương nhưng với mức thấp hơn tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Nguyên nhân đến từ (1) Xu hướng giảm đà tăng trưởng của nhóm bảo hiểm nhân thọ đã rõ nét từ 2 năm trở lại đây; (2) Các khoản chi phí tăng mạnh trở lại khi cuộc sống trở về bình thường: tỷ lệ bồi thường, chi phí bán hàng…; (3) Cơ hội đầu tư ảm đạm. Theo nhận định của các chuyên gia, những khó khăn trên chỉ là ngắn hạn, tiềm năng thị trường trong dài hạn vẫn còn rất lớn.

Hình 4: Triển vọng tăng trưởng toàn ngành bảo hiểm trong năm 2022

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DNBH tại Việt Nam, tháng 6/2022

Thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tỷ lệ thâm nhập (doanh thu phí bảo hiểm/GDP) và phí bảo hiểm bình quân (chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người) ở mức thấp. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam hiện dao động ở mức 2,3% - 2,8%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển. Tại Việt Nam, mức chi tiêu cho bảo hiểm bình quân trên đầu người hiện nay dao động quanh mức 72 - 75 USD, thấp so với mức 175 USD tại các thị trường mới nổi và cách xa con số 4.664 USD tại các thị trường phát triển. Số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 10 triệu người tương đương với khoảng 10% dân số. Tỷ lệ này được Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng lên 15% vào năm 2025.

Thu nhập bình quân đầu người tăng là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được kỳ vọng đạt 3.900 USD trong năm 2022. Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 5.000 USD vào năm 2025 và đạt hơn 12.000 USD vào năm 2045.

Cùng với đó, dân số Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu vàng với quy mô ngày càng tăng, tỷ lệ dân số thành thị được dự báo tăng trưởng từ mức 37% ở hiện tại lên mức 45%. Theo ước tính của World Bank, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng từ 13% lên 26% vào năm 2026. Bên cạnh đó, ngành Bảo hiểm cũng được hỗ trợ bởi việc tái cấu trúc hệ thống khám chữa bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội và khả năng gia tăng tỉ lệ tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống ngân hàng (Bancassurance).

Bên cạnh đó, khung pháp lý tiếp tục được nới rộng. Trong tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo ngành Bảo hiểm không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài; điều này sẽ mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các công ty bảo hiểm, qua đó, thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước trong ngành. Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV ngày 16/6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, với điều khoản chuyển tiếp cũng được kỳ vọng mang đến làn gió mới cho thị trường bảo hiểm.

Các DNBH cũng đã chuẩn bị sẵn sàng thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2022 với những mục tiêu tích cực, tăng cường hợp tác, ứng dụng các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động nhằm mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội.

Top 5 xu hướng của ngành Bảo hiểm

Năm 2022 sẽ là khởi đầu cho một chu kỳ kinh tế mới với những xu thế mới trong phát triển kinh tế, xã hội và ngành bảo hiểm cũng nằm trong vòng quay đó. Các DNBH cần nắm bắt xu hướng và lập kế hoạch phù hợp để giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Kết quả khảo sát các doanh nghiệp Bảo hiểm và phỏng vấn chuyên gia của Vietnam Report thực hiện vào tháng 6 năm 2022 nổi bật lên 05 xu hướng chính sau:

Hình 5: Top 5 xu hướng của ngành bảo hiểm trong năm 2022

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DNBH tại Việt Nam và phỏng vấn chuyên gia Bảo hiểm, tháng 6/2022

Thứ nhất, ứng dụng số hóa, nền tảng số, công nghệ số ngày càng phát triển trong quy trình mua bảo hiểm. Khi đại dịch qua đi, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, số hóa các quy trình, thủ tục trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong đó có Bảo hiểm. Để tận dụng tối đa đà phát triển này, các doanh nghiệp bảo hiểm đang gấp rút hoàn thiện và triển khai các quy trình liên quan đến các thủ tục bảo hiểm thông qua nền tảng số. Một số hợp đồng bảo hiểm cũng sẽ dần được đơn giản hóa theo hướng ứng dụng số hóa để tăng tính tự động.

Thứ hai, sự phát triển của bảo hiểm du lịch và bảo hiểm sức khỏe. Sau khi mở cửa du lịch trở lại, nhu cầu đi du lịch của mọi người tăng mạnh dẫn đến thị trường du lịch tăng trưởng nóng nên bảo hiểm du lịch có thể sẽ trở thành xu hướng của năm. Thêm vào đó, sau khi trải qua sự mất mát của đại dịch, bảo hiểm sức khỏe đã trở thành một trong những “tấm lá chắn” vững vàng để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thứ ba, con người ngày càng nhận thức tích cực hơn về bảo hiểm sau đại dịch. Chính đại dịch Covid 19 đã cảnh tỉnh nhân loại về sự cần thiết của các dịch vụ bảo hiểm trước những sự cố tương lai. Bảo hiểm nhân thọ chính là giải pháp để giải quyết các vấn đề này.

Thứ tư, chi phí bảo hiểm sẽ tăng và những đổi mới chính sách bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm sẽ xem xét phát triển các chính sách đặc thù hơn, tập trung vào nhu cầu thực sự của khách hàng và đưa ra các giải pháp thay thế sáng tạo. Đồng thời, các công ty bảo hiểm phải thiết kế nhiều gói sản phẩm hơn để thích ứng với từng đối tượng khách hàng.

Thứ năm, cạnh tranh gay gắt hơn để tìm kiếm nhân sự tài năng. Trong thời kỳ giãn cách do đại dịch vừa qua đã làm thay đổi cách thức làm việc cũng như nhận thức về môi trường làm việc của các công ty bảo hiểm nói chung và nhân sự làm trong ngành nói riêng. Một số công ty bảo hiểm cho phép nhân viên cơ động giữa hai loại hình làm việc: Từ xa và Tại văn phòng. Những thay đổi này sẽ làm tăng thêm thách thức cho các công ty bảo hiểm trong việc thu hút và giữ chân nhân sự tài năng trong bối cảnh mới.

Đánh giá uy tín truyền thông của các doanh nghiệp Bảo hiểm

Hình 6: Tỷ lệ DNBH đạt ngưỡng nhận diện trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media coding ngành Bảo hiểm tại Việt Nam, tháng 6/2021 và tháng 6/2022

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, uy tín doanh nghiệp đã vươn lên trở thành yếu tố bên trong quan trọng thứ 3 ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DNBH trong thời kỳ bình thường tiếp theo. Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh đánh giá của khách hàng và đối tác, hình ảnh doanh nghiệp (DN) trên báo chí và các phương tiện truyền thông chính là một tấm gương phản ánh chân thực nhất về uy tín doanh nghiệp. Kết quả phân tích truyền thông giai đoạn 6/2021-5/2022 của Vietnam Report trên một số trang thông tin, tài chính có lượng lớn độc giả truy cập hàng ngày cho thấy, tần suất xuất hiện của các DNBH còn khiêm tốn so với các ngành khác khi chỉ có 71,7% số DN đạt ngưỡng nhận diện trên truyền thông. Trong đó chủ yếu là DNBH nhân thọ với 100% số DN đạt ngưỡng nhận diện trên truyền thông, cao hơn so với tỷ lệ năm 2021 chỉ có 94,4%, DNBH phi nhân thọ xuất hiện ít hơn hẳn với 55,2% và tỷ lệ này cũng thấp hơn so với tỷ lệ năm 2021 với 61,3%.

Hình 7: Top 4 nhóm chủ đề xuất hiện trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media coding ngành Bảo hiểm tại Việt Nam từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2022

Bức tranh về ngành bảo hiểm trong năm vừa qua đã được phản ánh rõ nét qua lăng kính truyền thông. Là trụ cột của nền kinh tế cùng nhiều sự kiện như việc ra mắt các sản phẩm mới, hình ảnh tích cực trên truyền thông, nhóm bảo hiểm trong giai đoạn nghiên cứu có lượng tin về chủ đề Hình ảnh/PR/Scandals tăng cao hơn so với năm trước, từ vị trí số 3 đã vươn lên vị trí số 1 về chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông. Ngoài nhóm chủ đề này, đa phần thông tin về DNBH chỉ xoay quanh các chủ đề: Sản phẩm/dịch vụ (14,2%); Tài chính/KQKD (10,6%); Chiến lược kinh doanh, M&A (8,4%). Cơ cấu thông tin về các chủ đề khác (trong tổng số 24 nhóm chủ đề bao phủ) không nhiều, đều chiếm tỷ lệ dưới 5%.

Xét về tin tích cực – tiêu cực theo chủ đề: Top 4 chủ đề được phân tích đều có sự gia tăng về tỷ lệ tin tích cực, phản ánh bức tranh tươi sáng của ngành bảo hiểm trong giai đoạn vừa qua. Hầu hết các chủ đề đều có sự giảm đáng kể đối với lượng tin tiêu cực.

 

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2022 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản – Xây dựng, Ngân hàng, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về doanh nghiệp bảo hiểm được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 06/2021 đến tháng 05/2022. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: Trung lập; Tích cực; Khá tích cực; Không rõ ràng; Khá tiêu cực; Tiêu cực.

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Lễ công bố Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2022 sẽ diễn ra vào tháng 8 năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Vietnam Report

  




;

Văn bản gốc


;