Tin tức

Trang chủ » » Công bố Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020

Công bố Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020

03/12/2020

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngày 03/12/2020, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020.

Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2020.

Danh sách Top 10 công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020

Top 10 TACN Bang DS

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020, tháng 12/2020

Chăn nuôi là mắt xích quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn và chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại với tốc độ tăng trưởng trung bình 5-6%/năm. Nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới như: chăn nuôi lợn đứng vị trí thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới. Điều này tạo động lực phát triển cho thị trường thức ăn chăn nuôi (TACN). Theo báo cáo của Grand View Research, những năm gần đây, ngành TACN tăng trưởng và phát triển khá tốt với mức tăng trung bình đạt 13-15%/năm, sản lượng công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu công bố năm 2019 đạt xấp xỉ 20 triệu tấn, nếu cộng cả thức ăn thủy sản con số này có thể lên tới trên 30 triệu tấn. Mặt khác, thức ăn cũng đóng một vai trò rất quan trọng, cung cấp năng lượng cho vật nuôi hoạt động và phát triển, góp phần làm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi.

Đánh giá ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài và bên trong đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi

Việc nghiên cứu và đánh giá các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến ngành và hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp khai thác được lợi thế tiềm năng, giảm thiểu rủi ro và đưa ra chiến lược quản trị phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Khảo sát của Vietnam Report trên thang Li-kert 5 điểm với các doanh nghiệp TACN chỉ ra tác nhân bên ngoài ảnh hưởng nhiều nhất tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là: Sự cạnh tranh thị phần giữa các doanh nghiệp trong ngành; Diễn biến dịch bệnh, thiên tai; Biến động giá nguyên vật liệu đầu vào; Xu hướng phát triển chăn nuôi an toàn; Chiến lược và chính sách phát triển của ngành chăn nuôi.

Hình 1: Ảnh hưởng của yếu tố bên trong đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp TACN

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Thức ăn chăn nuôi, tháng 10/2020

Cạnh tranh thị phần giữa các doanh nghiệp

Thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%), 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%). Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang yếu thế về năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 65% thị phần, 35% thị phần còn lại do doanh nghiệp trong nước nắm giữ. Số thị phần này cũng đang có nguy cơ sụt giảm trước sự mở rộng về quy mô, số lượng doanh nghiệp cũng như sản lượng của doanh nghiệp ngoại do tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam. Không chỉ vượt trội về thị phần, mà hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài có chiến lược kinh doanh bài bản với chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín. Các doanh nghiệp trong nước cần phải nhanh chóng thay đổi chiến lược trong sản xuất và kinh doanh để giành lại thị phần từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Diễn biến dịch bệnh, thiên tai

Năm 2019 là một năm gặp nhiều khó khăn với ngành chăn nuôi thế giới, trong đó có Việt Nam do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi. Đại dịch bùng phát tại Việt Nam làm 5,7 triệu con lợn phải tiêu hủy, bằng khoảng 10% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ và hộ gia đình ngừng hoạt động, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thức ăn gia súc cũng giảm theo, và người tiêu dùng điều chỉnh lựa chọn nguồn protein trong chế độ ăn của mình.  

Những yếu tố nói trên đã dẫn đến sự thu hẹp của ngành TACN vào năm 2019. Sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi toàn cầu đạt 1.126,5 triệu tấn, giảm khoảng 1% so với năm 2018, tồn kho thức ăn chăn nuôi tăng mạnh 60,5% so với năm 2018. Trong năm 2019, Việt Nam đã chi hơn 3,7 tỷ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu, giảm 5,1% so với năm 2018. Các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ lẻ, nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa hoặc giảm mạnh công suất hoạt động. Các tập đoàn lớn, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn không nhỏ nhưng họ vẫn chống cự được vì có nguồn vốn lớn, lại xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu đầu của quy trình sản xuất đến tận bàn ăn người tiêu dùng.

Cơn bão dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, nhưng đến nay vẫn còn tác động dư âm đến ngành chăn nuôi. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm và đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó các nhà cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nga… đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại, làm lộ rõ ra những bất cập của ngành TACN Việt Nam trong cung ứng nguyên liệu. Việc Chính phủ nhiều nước và Việt Nam thực hiện lệnh cách ly xã hội và các phương pháp kiểm soát dịch bệnh, khiến cho lưu thông tiêu thụ thức ăn chăn nuôi trong nước cũng gặp khó khăn. Kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (TACN&NL) về Việt Nam đạt 806 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 khó khăn của dịch bệnh Covid-19 đối với các doanh nghiệp TACN: Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành (85,7%); Giá hàng hóa nguyên vật liệu, đầu vào tăng (71,4%); Nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi giảm (57,1%); Nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn (57,1%); Thiếu hụt nguồn vốn để kinh doanh (42,9%).

Trước những khó khăn đó, ngành chăn nuôi đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên kết quả đàn lợn đang dần khôi phục và một số loại gia cầm tăng trưởng tốt. Điều này đã giúp các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hoạt động có hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo tổng kết của Tổng cục hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020 Việt Nam đã chi hơn 3,2 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Biến động giá nguyên liệu đầu vào

Mặc dù, Việt Nam là một quốc gia vốn được xem là có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, tuy nhiên nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong các mặt hàng nông nghiệp. Trong khi đó, TACN lại chiếm hơn 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi, nên khi giá nguyên liệu chế biến vừa tăng, giá TACN lập tức sẽ tăng theo. Điều này dẫn đến giá TACN trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới và sản phẩm chăn nuôi nội địa cũng khó cạnh tranh về giá so với hàng nhập. Các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về nguồn vốn nên thường dự trữ sản lượng lớn nguồn nguyên liệu trong chế biến, nhờ vậy mà kiểm soát giá nguyên liệu tốt hơn và thị trường thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu bị chi phối bởi một số công ty lớn.

Hình 2: Diễn biến giá đậu tương và giá ngô (từ tháng 7/1/2019-19/11/2020)

Top 10 TACN-H2

Nguồn: Vietnam Report tổng hợp từ ifcmarkets.com

Ghi chú: Giá futures ngô tính theo đô la Mỹ cho 100 giạ (1 hợp đồng CFD là 100 giạ, 1 lot là 200 đơn vị hợp đồng. 1 giạ là đơn vị thể tích và khối lượng: 35,2391 lít (tại Mỹ) và 1 giạ ngô bằng 25,4 kg. Giá đậu tương được tính giá bằng USD cho 100 giạ (1 CFD là 100 giạ, 1 lot là 80 hợp đồng CFD đơn vị. Giạ là đơn vị thể tích và khối lượng. 1 giạ Mỹ = 35,2391 lít; 1 giạ đậu tương = 27,216 kg.

Hình vẽ diễn biến giá đậu tương và giá ngô – hai nguyên liệu chính trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cho thấy xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Tâm lý lo ngại nguồn cung nguyên liệu khan hiếm do dịch bệnh và tình trạng hạn hán, lũ lụt tại một số vùng trồng nguyên liệu trên thế giới đã khiến cho chi phí nhập khẩu nguyên liệu cả trong và ngoài nước tăng lên.

Đánh giá về ảnh hưởng của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, cụ thể: Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng từ các sản phẩm nhập khẩu từ EU. Các sản phẩm thịt lợn đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm, trong khi mức thuế trước đây từ 10%-40%. Tuy nhiên, thời gian qua thịt nhập khẩu giá rẻ nhưng đa phần người dân vẫn có thói quen tiêu dùng thịt nóng hay thịt sản xuất trong nội địa. Điều này khiến cho áp lực cạnh tranh từ hiệp định EVFTA mang lại không quá lớn. Trong khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp TACN đánh giá mức độ ảnh hưởng của Hiệp định thương mại đến ngành ở mức vừa phải, đạt 3,3 trên thang điểm 5.

Ảnh hưởng của yếu tố bên trong đến hoạt động của doanh nghiệp: Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy các yếu tố: Sự tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình vận hành; Công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm; Khả năng quản lý rủi ro trong doanh nghiệp; Tiềm lực tài chính là những yếu tố ảnh hưởng nhất đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp TACN.

Đánh giá uy tín truyền thông của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi

Chất lượng thức ăn chăn nuôi luôn là mối quan tâm lớn nhất đối với người chăn nuôi. Trước đây, sản phẩm TACN chất lượng tốt thì khách hàng sẽ tự tìm đến các cơ sở sản xuất, đại lý để mua. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển và cạnh tranh khốc liệt, trình độ của các hộ chăn nuôi, trang trại và tỷ lệ người sử dụng smartphone cao hơn trước đây, họ ngày càng chủ động tìm hiểu về sản phẩm và công ty cung cấp trước khi đến mua hàng. Điều này khiến các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi không thể thụ động mà cần chủ động trong việc công bố chất lượng thức ăn chăn nuôi, đưa hình ảnh doanh nghiệp gần gũi hơn, để mang lại niềm tin cho khách hàng, và hiệu quả cao trong kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Trong giai đoạn nghiên cứu của Vietnam Report, các bài báo từ nguồn doanh nghiệp công bố chỉ chiếm 28,5%; còn lại do các phương tiện truyền thông đưa tin.

Hình 3: Top 10 chủ đề xuất hiện trên truyền thông

Top 10 TACN-H3

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Thức ăn chăn nuôi từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020

Trong 10 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông, chỉ có các chủ đề đạt tỷ lệ trên 6% là: Tài chính/ Kết quả kinh doanh; Hình ảnh/ PR/ Scandals; Cổ phiếu; Sản phẩm; Quy trình sản xuất. Xét về tin tích cực – tiêu cực theo chủ đề, các chủ đề có tỷ lệ tiêu cực cao, vượt ngưỡng an toàn 10% là: Tài chính/ Kết quả kinh doanh; Chiến lược kinh doanh/M&A; Cổ phiếu; Hình ảnh/PR/Scandals; Vị thế thị trường. Bên cạnh chủ đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhóm chủ đề gồm: Sản phẩm; Quy trình sản xuất; Giá sản phẩm có tỷ lệ tin tích cực rất thấp, dưới 5%. Có thế thấy, các doanh nghiệp TACN rất nỗ lực trong kiểm soát quy trình sản xuất để đưa đến cho người chăn nuôi những sản phẩm chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là "an toàn" khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Tỷ lệ số doanh nghiệp có thông tin mã hóa, đạt ngưỡng trên 20% là 66,7%, một tỷ lệ khá cao.

Xét về lượng tin bài theo tháng trong giai đoạn nghiên cứu từ 9/2019-9/2020: Trong thời gian tháng 4 thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nghiên cứu của Vietnam Report vẫn tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, số lượng tin cao hơn so với các tháng khác. Các chủ đề xuất hiện nhiều và tăng cao trong tháng 4 so với các tháng khác: Tài chính/Kết quả kinh doanh; Hình ảnh/PR; Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Hình 4: Tần suất xuất hiện trên truyền thông của các doanh nghiệp TACN trong thời gian nghiên cứu

Top 10 TACN-H4

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Thức ăn chăn nuôi từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020

Triển vọng ngành Thức ăn chăn nuôi

Thị trường TACN được đánh giá đầy tiềm năng trong thời gian tới. Theo OECD, Việt Nam tiếp tục là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn thịt Việt Nam là động lực chính của ngành thức ăn chăn nuôi trong nước. Mặc dù giá thịt lợn có nhiều áp lực giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao so với năm trước. Với mức giá có lợi này, nông dân có động lực để khởi động lại doanh nghiệp và các trang trại thương mại để xây dựng lại đàn lợn của họ bằng các biện pháp an toàn sinh học tốt trong điều kiện có khả năng dịch tả tái phát.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng của ngành TACN trong năm tới, đã ghi nhận: 57,1% doanh nghiệp đánh giá sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng; 28,6% đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút và chỉ có 14,3% tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút. Theo USDA, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng trưởng kép hàng năm 5,06% trong giai đoạn dự báo để đạt quy mô thị trường 12.270 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 9.124 tỷ USD vào năm 2019.

3 Xu hướng của ngành Thức ăn chăn nuôi

Đa dạng hóa sản phẩm

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, thịt lợn chiếm tới 65-70% trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình, trong khi thịt gia cầm chỉ chiếm từ 15-20%, còn lại là thịt bò và thủy hải sản. Sự xuất hiện của dịch tả châu Phi làm thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp bình ổn giá nhưng giá thịt lợn đến nay vẫn cao, người tiêu dùng đang thay đổi thói quen, giảm thịt lợn sang các thực phẩm thay thế khác như cá, thủy sản, trứng… Để tồn tại, các trang trại chăn nuôi sẽ phải cơ cấu theo hướng quy mô lớn, mở rộng quy mô đàn gia cầm. Về phía các doanh nghiệp TACN cũng phải đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng cám gà, vịt, thủy sản… để giảm bớt rủi ro. Ngoài ra, một số công ty còn mở rộng sang các sản phẩm thức ăn cho thỏ, cho ngựa, cho chó…

Tổng sản lượng thịt hơi các loại cả năm 2019 ước đạt khoảng trên 5 triệu tấn, giảm 4% so với năm 2018. Sản lượng thịt lợn giảm trên 16,8%, nhiều loại vật nuôi đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2018, như: thịt trâu tăng 3,1%; thịt bò tăng 4,2%; thịt gia cầm tăng 16,5%; trứng tăng 13,7%. Một số tỉnh thành có đàn gia cầm tăng rất cao như Bến Tre tăng gần 40%, Trà Vinh có đàn gà tăng 51%, đàn vịt tăng 42%…

Tăng cường sử dụng công nghệ sinh học

Công nghệ sinh học là một xu hướng mới trong ngành thức ăn chăn nuôi. Khi đại dịch tả châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi chuyển hướng sang chăn nuôi trâu, bò, dê, gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Các chất khác nhau bổ sung vào thức ăn chăn nuôi như enzyme, vitamin và chất kết dính đã được sử dụng và được chấp nhận trong ngành công nghiệp này, sẽ tiếp tục phát triển và sẽ nâng cao sức khỏe vật nuôi, năng suất, hiệu suất và lợi nhuận. Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp TACN phải kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất.

Để cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm với giá trị dinh dưỡng cao, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm Việt Nam đã tham gia xây dựng mô hình khép kín sản xuất 3F (Feed: thức ăn chăn nuôi – Farm: trang trại – Food: thực phẩm). Trong đó, “Feed” là nguồn thức ăn chăn nuôi được đầu tư sản xuất bằng nhà máy quy mô lớn, theo công nghệ Bio-zeem, đáp ứng tiêu chuẩn Global G.A.P, không thuốc tăng trưởng hay chất tạo nạc để phát triển tự nhiên. Trong năm 2020, lần đầu tiên Dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm: Trang trại – Food: Thành phẩm – Feed: Thức ăn chăn nuôi – Fertilizer: Phân bón hữu cơ) được thành lập. Thức ăn chăn nuôi được sản xuất bằng chế phẩm vi sinh giúp an toàn dịch bệnh với giá thành phù hợp, chất lượng thịt cao, an toàn cho môi trường và phù hợp với các điều kiện chăn nuôi khác nhau của nông dân Việt Nam. Khi mô hình này được nhân rộng sẽ giải quyết được bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chăn nuôi lợn trước tình hình dịch bệnh.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa trong sản xuất và quản lý

Các tiến bộ công nghệ sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất bằng cách cải thiện độ chính xác của công thức và tính nhất quán. Máy móc tiên tiến cũng sẽ cho phép các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi thay đổi tính nhất quán và công thức thức ăn theo từng mẻ. Ngành công nghiệp TACN sẽ được số hóa hơn và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh sẽ được liên kết khép kín, dẫn đến luồng thông tin chi tiết từ trang trại đến người tiêu dùng.

Công nghệ ép viên hiện đã được chấp nhận rộng rãi, và nếu được sử dụng một cách khoa học và có kiểm soát hơn sẽ tạo cơ hội giảm giá thành, nâng cao chất lượng thức ăn và đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các công nghệ như NIR và lên men trong ống nghiệm hiện nay được ưa chuộng hơn như là các biện pháp kiểm tra chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hơn nữa, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã và đang có sự tăng trưởng tích cực do sự ra đời của thức ăn đóng gói. Bao gói là một công nghệ hiện đại được sử dụng đặc biệt trong các chất axit hóa thức ăn giúp vật nuôi cải thiện sự thải độc và hoạt động của ruột. Công nghệ bao gói kéo dài thời hạn sử dụng và bảo vệ chúng khỏi những thay đổi của môi trường bằng cách giữ cho chất lỏng, khí hoặc rắn được đóng gói bằng một viên nang nhỏ milimet. Đồng thời công nghệ này cũng giúp các nhà sản xuất và người chăn nuôi khắc phục vấn đề về hiệu quả và hiệu suất của vật nuôi, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu.

Top 5 giải pháp của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong thời kỳ bình thường mới

Những khó khăn đang đặt ra cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm bớt các tác hại do dịch bệnh gây ra và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Kết quả khảo sát về mức độ tự đánh giá các hoạt động của Vietnam Report cho thấy 3 hoạt động đang được các doanh nghiệp TACN chú trọng nhất, đó là: Kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào; Nâng cấp đầu tư nhà máy đạt chuẩn quốc tế; và Liên kết với hộ chăn nuôi.

Bài học từ sau mỗi đợt dịch bệnh cho thấy TACN an toàn là một tiêu chí quan trọng trong việc hạn chế lây nhiễm dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì thế, các doanh nghiệp TACN rất chú trọng kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, yêu cầu nguồn nguyên liệu nhập khẩu có “Giấy chứng nhận an toàn vi sinh”, có khả năng truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn Global G.A.P. an toàn về lây nhiễm dịch tả châu Phi…

Nâng cấp đầu tư nhà máy là yếu tố rất được chú trọng, bởi ngành TACN Việt Nam cũng như trên thế giới là mảnh đất màu mỡ, có nhiều tiềm năng phát triển và những yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp FDI sau khi đổ bộ vào thị trường Việt Nam, đang tiếp tục mở rộng thêm nhà máy. Đứng trước áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, nhiều công ty sản xuất TACN của Việt Nam cũng đang đầu tư phát triển để giành lại thị phần, có thể kể đến các tập đoàn trong nước như: Masan, Dabaco, Hòa Phát, Hùng Vương…

Sự liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” (nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý) là yếu tố then chốt trong tổ chức sản xuất và ngày càng được Chính phủ, các địa phương khuyến khích phát triển, các doanh nghiệp chú trọng. Trong liên kết chăn nuôi giữa người dân với doanh nghiệp, thì doanh nghiệp là đơn vị cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp. Cho đến nay đã có nhiều mô hình thành công, cho hiệu quả kinh tế cao và đang tiếp tục được nhân rộng.

Hoạt động chống hàng giả, hàng nhái còn chưa được chú trọng nhiều, có tỷ lệ doanh nghiệp triển khai ở mức độ vừa phải cao nhất. Trong cuộc chiến phòng và chống hàng giả, doanh nghiệp giữ vai trò vô cùng quan trọng, bởi doanh nghiệp là người hiểu rõ hàng hóa của mình hơn ai hết. Công tác chống hàng giả sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như có sự tham gia một cách chủ động, tích cực từ phía các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp TACN cần chú ý và nâng cao công tác triển khai hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong thời gian tới.

Hình 5: Đánh giá mức độ triển khai của doanh nghiệp

Top 10 TACN-H5

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Thức ăn chăn nuôi, tháng 10/2020

Dịch bệnh và sự cạnh tranh trong ngành là một lần thanh lọc nhưng đồng thời cũng là cơ hội đổi mới với ngành TACN. Để vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành TACN trong giai đoạn này, buộc các doanh nghiệp trong ngành phải tìm cách thoát khỏi khủng hoảng, tái cơ cấu hoạt động, chú trọng hơn đến công tác an toàn sinh học. Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã chỉ ra top 5 giải pháp của các doanh nghiệp TACN nuôi trong thời kỳ bình thường mới: (1) Nghiên cứu đa dạng các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hữu cơ, đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn sinh học; (2) Tăng cường liên kết chặt chẽ với các trang trại, hộ chăn nuôi; (3) Phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Fertilizer; (4) Phát triển, mở rộng kênh phân phối; (5) Đầu tư máy móc và dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tự động hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hình 6: Top 5 giải pháp của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong thời kỳ bình thường mới

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Thức ăn chăn nuôi, tháng 10/2020

Top 6 giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ cho ngành Thức ăn chăn nuôi

Sự phát triển của ngành chăn nuôi có ảnh hưởng thuận chiều đến hoạt động của doanh nghiệp TACN. Để hỗ trợ tốt hơn cho ngành TACN của Việt Nam trong thời gian tới, các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra 6 giải pháp: (1) Hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (Farm- Food- Feed- Fertilizer); (2) Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng sản phẩm TACN, đặc biệt với sản phẩm mới đưa ra thị trường bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; (3) Tổ chức quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TACN; (4) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất TACN mở rộng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; (5) Hỗ trợ đẩy nhanh công tác tái đàn, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và phát triển đàn vật nuôi ở các địa phương; (6) Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.

Hình 7: Top 6 giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ cho ngành Thức ăn chăn nuôi

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành Thức ăn chăn nuôi, tháng 10/2020

Mặc dù chăn nuôi an toàn sinh học mang đến nhiều lợi ích, hạn chế phát sinh mầm bệnh và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhưng những tồn tại, hạn chế hiện hữu của ngành chăn nuôi nói chung, đã khiến chăn nuôi an toàn sinh học gặp một số khó khăn khi nhân rộng. Để hỗ trợ cho việc thực hiện các mô hình an toàn sinh học, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tập huấn cho người chăn nuôi về việc xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học, phù hợp với xu thế phát triển của chăn nuôi hiện đại. Đồng thời, có giải pháp để loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư và từng bước xây dựng các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, có khả năng bảo đảm các quy trình kỹ thuật, vệ sinh thú y…

 

 

Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report. Từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các doanh nghiệp trên truyền thông. Kể từ đó đến nay, nhiều bảng xếp hạng Top 10 thuộc các ngành trọng điểm và có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cũng đã được định kỳ công bố thường niên như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ thông tin, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Du lịch, Doanh nghiệp niêm yết.

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành Thức ăn chăn nuôi được đăng tải trên các đầu báo có ảnh hưởng trong thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020, đánh giá theo cấp độ câu chuyện (story - level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức - khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Lễ công bố chính thức bảng xếp hạng và tôn vinh Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020 được tổ chức vào ngày 08 tháng 01 năm 2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP. Hà Nội.

Mọi chi tiết xin vui lòng truy cập website của Ban Tổ chức: https://toptenvietnam.vn/.

 

 

 

Vietnam Report

  




Văn bản gốc