Tin tức

Trang chủ » » Công bố Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ uy tín Việt Nam

Công bố Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ uy tín Việt Nam

17/07/2020

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngày 17/7/2020, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ uy tín năm 2020.

Uy tín của các Doanh nghiệp Công nghệ được đánh giá lượng hóa một cách khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media coding, và khảo sát các doanh nghiệp, chuyên gia ngành công nghệ; và được công bố theo 02 Danh sách: Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ thông tin – Viễn thông và Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2020.

Danh sách 1: Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Viễn thông uy tín năm 2020

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ uy tín năm 2020, tháng 7/2020

Danh sách 2: Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2020

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ uy tín năm 2020, tháng 7/2020

Thông tin chi tiết Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ uy tín năm 2020, vui lòng truy cập website: www.toptenvietnam.vn.

Ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông: 6 tháng đầu năm 2020

Năm 2019, ngành công nghiệp ICT được đánh giá là một ngành kinh tế quan trọng, có giá trị xuất khẩu cao với doanh thu ước đạt 112 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, đóng góp hơn 14% tổng GDP và nộp ngân sách Nhà nước trên 53 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) cũng phải đối mặt với khó khăn về doanh thu/lợi nhuận tuy nhiên dựa trên đặc thù của ngành, CNTT vẫn được xem là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng nhất. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp ICT vẫn tạo được những điểm sáng, cụ thể là:

Thứ nhất, các doanh nghiệp công nghệ chủ động phối hợp tích cực với Nhà nước, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia công tác phòng chống dịch thông qua các hoạt động truy vết, giám sát cách ly; chương trình tăng dung lượng data, băng thông nhưng không tăng giá; miễn phí cước data cho học sinh và giáo viên; đưa thông tin hướng dẫn phòng chống dịch vì lợi ích cộng đồng. 

Thứ hai, hoàn thành mục tiêu kép trên cả 6 lĩnh vực quản lý Nhà nước Bưu chính; Viễn thông; Ứng dụng CNTT; An toàn, an ninh mạng; Công nghiệp ICT; Báo chí tuyên truyền ở cả ba phương diện xây dựng thể chế, điều phối liên ngành, và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông (cả nội địa và FDI) 6 tháng đầu năm ước tính gần 50 tỷ USD, tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu từ khối FDI đạt 47 tỷ USD, chiếm 95% tổng doanh thu.

Để đạt được những kết quả khả quan trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có những sự thay đổi trong chiến lược quản trị và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Khảo sát của Vietnam Report thực hiện tháng 6/2020 đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghệ cho thấy cơ cấu chi phí, cơ cấu nguồn nhân lực và công tác quản trị rủi ro đang được xem là 3 ưu tiên chiến lược hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ trong thời gian qua.

Hình 1: Những chiến lược ưu tiên hàng đầu do ảnh hưởng của COVID-19

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các Doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2020

Trong năm 2020, mục tiêu tăng trưởng bình quân của ngành CNTT-VT được kỳ vọng đạt 10-15%/năm, tiếp tục là một trong những ngành nổi bật của Việt Nam. Đặc biệt đầu năm 2020, ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển thông tin và truyền thông khi Việt Nam chủ động đầu tư nghiên cứu, sản xuất thành công các thiết bị mạng 5G và thiết bị đầu cuối 5G. Cuộc gọi đầu tiên trên thiết bị 5G mang thương hiệu “Make in Vietnam” diễn ra thành công vào tháng 1/2020 đã tạo đà cho việc thương mại hóa dịch vụ, thiết bị 5G vào cuối năm 2020.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp công nghệ, có đến 73,7% doanh nghiệp trong ngành đánh giá thị trường ICT sẽ duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2020, trong khi có 10,5% doanh nghiệp lạc quan ngành CNTT sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.

Hình 2: Triển vọng toàn ngành CNTT 6 tháng cuối năm 2020

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các Doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2020

Nhận định thị trường CNTT-VT trong thời kỳ “bình thường mới”

Mặc dù trải qua nửa đầu năm 2020 với rất nhiều sự biến động, tuy nhiên, đây là dịp để các doanh nghiệp công nghệ tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ trong khảo sát thực hiện tháng 6/2020 của Vietnam Report đã chỉ ra 5 Cơ hội và 4 Thách thức mà các doanh nghiệp công nghệ sẽ đối mặt trong giai đoạn “bình thường mới”.

5 Cơ hội thúc đẩy thị trường CNTT-VT Việt Nam

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy ngành CNTT-VT trong thời gian tới có nhiều cơ hội phát triển, nổi bật lên là 5 cơ hội sau:

Hình 3: Top 5 cơ hội của ngành CNTT trong bối cảnh “bình thường mới”

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các Doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2020

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang “thích ứng” với giai đoạn “bình thường mới”

Cũng như các nước khác trên thế giới đang tái khởi động nền kinh tế, Việt Nam bước vào thời kỳ “bình thường mới” với tâm thế lạc quan khi đã thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID-19. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được đánh giá an toàn, tăng trưởng bền vững, tạo động lực cho các doanh nghiệp CNTT-VT Việt Nam có cơ hội quảng bá, tiếp thị sản phẩm, đưa thương hiệu “Make in Vietnam” đến thị trường toàn cầu, tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ đến từ nước ngoài. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 dao động trong khoảng 2,1 - 2,6%. Kết quả khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, có tới khoảng 63,2% doanh nghiệp công nghệ tin tưởng việc kinh tế Việt Nam thích ứng trong giai đoạn bình thường mới là cơ hội lớn để phát triển trong tương lai.

Thứ hai, làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn công nghệ lớn từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á

Căng thẳng chiến tranh thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng trong khu vực ASEAN. Khoảng cách về dòng vốn FDI vào Việt Nam và Trung Quốc càng thu hẹp, đặc biệt năm 2019, tỉ lệ nhà đầu tư chọn Việt Nam là 41% và Trung Quốc là 48%. Từ khi dịch COVID-19 diễn ra, các nhà đầu tư nước ngoài thay vì chủ yếu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, bất động sản, bán buôn, bán lẻ… thì nay xu hướng đó đã dịch chuyển sang các lĩnh vực (i) CNTT, công nghệ cao; (ii) Thiết bị điện tử, phụ kiện; (iii) Logistics, thương mại điện tử… 58,9% doanh nghiệp công nghệ nhận định sự dịch chuyển của các nhà sản xuất toàn cầu là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tích cực nâng cao sản xuất, cải tiến và nghiên cứu sản phẩm.

Thứ ba, cú hích COVID-19 đẩy nhanh công tác chuyển đổi số trên cả nước

Đại dịch COVID-19 diễn ra, các sản phẩm CNTT-VT trở thành một trong những phương thức cứu cánh quan trọng hàng đầu trong công tác truy vết các ca bệnh, khắc phục những hạn chế trong thời gian giãn cách xã hội bằng những phần mềm học trực tuyến, thanh toán online... Các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề đều tăng cường áp dụng những mô hình mới dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số để tối ưu hoá vận hành cho doanh nghiệp, từ đó gia tăng năng suất, giảm chi phí. Ngân hàng nhà nước đã trình lên Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Hơn nữa, hành vi người tiêu dùng đang dần thay đổi theo hướng chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tạo “cơ hội vàng” cho lĩnh vực kinh doanh trực tuyến nở rộ, trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Thứ tư, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA

Cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử giữa Việt Nam và EU sẽ làm tăng các dự án hạ tầng phục vụ cho sự phát triển thương mại điện tử, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU và ngược lại. Bên cạnh đó, đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, Việt Nam cho phép đối tác EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một thời gian quá độ. Việc mở cửa cho thị trường viễn thông đối với doanh nghiệp EU sẽ giúp các doanh nghiệp CNTT-VT Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Thứ năm, thử nghiệm mạng 5G thành công, thị trường viễn thông “nóng” trở lại

Thị trường viễn thông sẽ chứng kiến những cuộc đua của các nhà mạng trong việc nghiên cứu và triển khai các sản phẩm, dịch vụ 5G để chứng minh trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt khi dịch vụ 5G được thương mại hóa vào cuối năm 2020. Sự xuất hiện của các smart home, smart city kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ di động của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng mạnh, điều này đã tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất cung cấp thiết bị, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ viễn thông trong và ngoài nước có cơ hội hợp tác, hoàn thiện hóa hệ thống tự động, nâng cao áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…

Ngoài ra, xu hướng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, bất động sản cũng đang chuyển mình sang các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số và thương mại điện tử.

4 Thách thức của các doanh nghiệp CNTT-VT Việt Nam trong thời gian tới

Bên cạnh những cơ hội nêu trên, ngành CNTT-VT Việt Nam vẫn được đánh giá là ngành công nghiệp non trẻ. Theo khảo sát của Vietnam Report, Top 4 khó khăn thách thức mà các doanh nghiệp CNTT-VT Việt Nam đang phải đối mặt là:

Hình 4: Top 4 thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp trong ngành CNTT trong bối cảnh “bình thường mới”

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các Doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2020

Thứ nhất, điều kiện nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều hạn chế

Đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) là nhiệm vụ sống còn của mọi doanh nghiệp ICT. Tuy nhiên, có tới 72,2% doanh nghiệp công nghệ đánh giá đây là rào cản lớn nhất cần phải vượt qua. Để quá trình R&D hiệu quả, doanh nghiệp chỉ có quyết tâm và tầm nhìn là không đủ. Chi phí cho công tác R&D chiếm một phần đáng kể trong cơ cấu tài chính, doanh nghiệp cần có tiềm lực tài chính mạnh và dài hạn. Ngoài chất lượng nguồn nhân sự, cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm CNTT-VT của Việt Nam còn nhiều hạn chế, điều này dẫn đến tâm lý e ngại của doanh nghiệp khi đầu tư cho công tác R&D. Trong khi đó, nguồn vốn để đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, các nguồn đầu tư từ xã hội chưa được Việt Nam đẩy mạnh. Trong năm 2018, chi cho hoạt động R&D trong tương quan của Việt Nam chỉ đạt 0,4% GDP so với con số 3,3% GDP của Nhật Bản, 2,2% GDP của Singapore, do vậy, Việt Nam cần ưu tiên cải thiện môi trường nghiên cứu sản phẩm công nghệ.

Thứ hai, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

66,7% chuyên gia và doanh nghiệp theo đánh giá khảo sát của Vietnam Report nhận định thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao là rào cản lớn của các doanh nghiệp công nghệ. Nguyên nhân chủ yếu từ chương trình đào tạo trong các trường đại học chưa đáp ứng đúng trọng tâm của doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ TT-TT, 72% sinh viên CNTT không có kinh nghiệm thực hành và có tới 90% sinh viên không hiểu lĩnh vực mình sẽ làm, trong khi đó, theo số liệu từ TopDev, số lượng lập trình viên có kinh nghiệm 5 – 10 năm chỉ chiếm khoảng 33%, trong khi có tới 53,5% lượng lập trình viên dưới 3 năm kinh nghiệm. Việc đưa nhân sự CNTT đào tạo chuyên môn tại nước ngoài gặp trở ngại vì trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu của môi trường đào tạo. Song song với đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT ngày càng tăng cao trong kỷ nguyên số, việc thu hút và giữ chân nhân tài tại các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn.

Thứ ba, thị trường tiêu thụ rối loạn do chưa ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu

Mặc dù Việt Nam đang trong giai đoạn “bình thường mới”, tuy nhiên nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn đang phải chịu tác động nặng nề mà dịch COVID-19 gây ra. Vai trò trung tâm của các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng dẫn đến các nhà sản xuất toàn cầu gặp khó khăn trong việc cung ứng các linh kiện, thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa bình quân tại Việt nam hiện chỉ đạt 33%, cho thấy mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu tham gia trong chuỗi giá trị ở các công đoạn “thuần gia công” với giá trị gia tăng khiêm tốn. Sự đứt đoạn nguồn cung đầu vào hoặc thị trường đầu ra có thể kéo dài nhiều năm dẫn đến các doanh nghiệp có nguy cơ đối mặt với việc ngừng hoạt động do thiếu vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.  

Thứ tư, thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang trở nên phổ biến và khó kiểm soát, đặc biệt khi có sự tham gia của các yếu tố nước ngoài. Việc xử phạt các hành vi đánh cắp dữ liệu chưa được đánh giá đúng do chưa có những chế tài đủ sức răn đe gây thiệt hại cho các tổ chức cá nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thiếu quy định rõ ràng trong lĩnh vực Fintech, đặc biệt là mảng P2P khiến thị trường này hiện còn nhiều hỗn loạn, khó kiểm soát. Hơn nữa, làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn lớn trên thế giới ngày một rõ nét, tuy nhiên, các vấn đề chính sách, quy định pháp luật, thủ tục hành chính vẫn còn là rào cản cho các doanh nghiệp nước ngoài nếu muốn tham gia vào môi trường kinh doanh Việt Nam. Hiện tại vẫn có những quy định liên quan đến đầu tư thay đổi chỉ sau một năm, thủ tục hành chính Việt Nam cần phải nhất quán hơn.

Dự báo xu hướng công nghệ trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia 

Dịch COVID-19 đã trở thành cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam quyết liệt hơn trong mục tiêu thực hiện chuyển đổi số, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn bình thường mới. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện vào tháng 6 năm 2020, các xu hướng công nghệ trong thời gian tới là:

Hình 5: Xu hướng công nghệ nổi bật trong giai đoạn “bình thường mới”

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các Doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2020

Trí tuệ nhân tạo tiếp tục là công nghệ cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong thập niên qua, trí tuệ nhân tạo AI gần như đang chiếm lĩnh mọi lĩnh vực trong đời sống chăm sóc sức khỏe – y tế, kinh doanh, chăm sóc khách hàng, sản xuất... Tuy nhiên, AI hiện nay vẫn chưa được khai thác hết khi một thuật toán máy học thường chỉ làm một việc nhất định, lượng dữ liệu để một sản phẩm AI làm tốt việc là rất lớn, vì vậy, việc nghiên cứu để khái quát hóa các sản phẩm AI vẫn là một nguồn tài nguyên dồi dào để các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục khám phá.

Theo khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy, đến nay những sản phẩm của công nghệ AI được người tiêu dùng nhận diện dễ dàng dưới các sản phẩm dịch vụ: (i) Ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt như mở khóa điện thoại, chấm công…, (ii) Trợ lý ảo, (iii) Ứng dụng chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói giống con người, (iv) Trò chơi 3D và hoạt ảnh các nhân vật ảo tạo cảm giác thực và tương tác xã hội và (v) Sản phẩm y tế  (thiết bị đeo thông minh cảnh báo sức khỏe, thiết bị bay không người lái chăm sóc sức khỏe qua video call).

Hình 6: Những sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) phổ biến trong đời sống

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng tại Việt Nam, tháng 6/2020

Bảo mật dữ liệu, an ninh mạng là nền tảng của xu thế chuyển đổi số. Trong giai đoạn làm việc tại nhà (Work from home), làm việc trực tuyến tăng lên đã cho thấy tầm quan trọng của bảo mật an ninh mạng ngày nay. Nhân viên làm việc tại nhà có khả năng sử dụng các thiết bị không được quản lý, không an toàn để truy cập vào các hệ thống của doanh nghiệp dẫn đến việc đặt các hệ thống và dữ liệu kinh doanh quan trọng vào tình huống rất nhạy cảm. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công trên mạng có xu hướng khai thác trên các thiết bị điện tử, tài khoản trực tuyến cá nhân của nhân viên, trong khi hệ thống bảo mật của các thiết bị, đường truyền tại nhà thường không được quan tâm, quản lý chặt chẽ. Mất quyền kiểm soát các thiết bị của doanh nghiệp là một mối quan tâm rất đáng lo ngại.

Các dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây mang lại sự linh hoạt trong sử dụng dữ liệu. Giai đoạn giãn cách xã hội, các dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây phục vụ công tác học tập, làm việc từ xa như Zoom, Slack hay Microsoft Team được sử dụng phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những ứng dụng trên nền tảng đám mây đã chứng minh khả năng hỗ trợ các nhu cầu bảo mật dữ liệu, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí so với các mô hình tính toán truyền thống chủ yếu dựa trên hạ tầng phần cứng tốn kém nằm trong các trung tâm dữ liệu tập trung. Ứng dụng đám mây lai trở thành một hướng đi khả thi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, khả năng khôi phục dữ liệu, sao lưu còn hứa hẹn tăng doanh thu theo cấp số nhân cho các nhà mạng.

Các thế hệ IoT hứa hẹn sự bùng nổ khi mạng 5G thương mại hóa. Năm 2020, từ khóa IoT không còn được nhắc đến như một điểm nóng và đang có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên, việc triển khai thành công mạng 5G, tiến tới thương mại hóa vào cuối năm 2020 hứa hẹn một sự tăng trưởng bùng nổ của IoT trong thời gian tới. Xu hướng IoT đang dần thay đổi theo các hướng (i) Consumer IoT (CIoT) sang Industrial IoT (IIoT), (ii) IoT kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), (iii) IoT tích hợp giọng nói không chỉ dừng lại ở nhà thông minh, (iv) IoT tích hợp giọng nói, (v) Bảo mật IoT... Mặc dù IoT còn gặp các rào cản về bảo mật thông tin, an ninh mạng, tuy nhiên, tỉ lệ kết nối Internet ngày càng phổ biến, công nghệ di động là trung tâm của mọi thiết bị thì các nguồn đầu tư lớn vẫn đang tiếp tục đổ vào IoT.

Chiến lược ưu tiên trong giai đoạn “bình thường mới” và hình ảnh trên truyền thông của doanh nghiệp CNTT-VT

Đại dịch COVID-19 đã để lại bài học nhận thức sâu sắc cho toàn xã hội, nổi bật hơn khi vai trò của ngành CNTT được bộc lộ rõ nét. Trong bối cảnh “bình thường mới”, các doanh nghiệp CNTT-VT cần tiếp tục phát huy sức mạnh, để vượt qua những khó khăn và nắm bắt những “cơ hội vàng” trong giai đoạn tiếp theo. Kết quả khảo sát các doanh nghiệp công nghệ của Vietnam Report cho thấy Top 5 Chiến lược ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong thời kỳ “bình thường mới”, đó là: (i) Nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro, (ii) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, (iii) Nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác, (iv) Cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, và (v) Tăng cường hoạt động R&D.

Hình 7: Top 5 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp CNTT trong giai đoạn “bình thường mới”


Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các Doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2020

Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ viễn thông xác định nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt hệ thống quản trị rủi ro là chiến lược hàng đầu. Trên thực tế, rủi ro CNTT thay đổi rất nhanh, tương đương với tốc độ phát triển công nghệ, trong khi đó, các sự cố đứt cáp, nghẽn đường truyền mạng hay các cuộc tấn công của tin tặc vào hệ thống thông tin doanh nghiệp có thể diễn ra bất chợt không thể dự đoán trước... Những sự cố này đã khiến các doanh nghiệp CNTT phải liên tục đưa ra những phương án để kịp thời khắc phục sự cố, bảo vệ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài khi chuyển dịch vào thị trường Việt Nam thường đã có sẵn nền tảng công nghệ, vì vậy tiêu chuẩn về nhân sự của các doanh nghiệp này tại Việt Nam cũng cao hơn hẳn so với những quốc gia khác. Việc tăng cường đào tạo, địa phương hóa nguồn nhân lực là vấn đề cần có sự thống nhất từ Chính phủ - Nhà trường và các doanh nghiệp công nghệ. Các doanh nghiệp cần nâng cao tay nghề, chất lượng nguồn nhân lực IT để có thể nắm bắt và vận hành được những công nghệ từ nước ngoài, và sáng tạo nhiều hơn những sản phẩm “Make in Vietnam”.

Uy tín của doanh nghiệp công nghệ trên truyền thông

Uy tín trên truyền thông luôn là vấn đề ảnh hưởng đến lòng tin người tiêu dùng dẫn đến sự trăn trở của nhiều doanh nghiệp, nhưng thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp CNTT-VT chưa thực sự quan tâm đến hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông. Tập trung vào chuyên môn mà bỏ qua việc xây dựng hình ảnh trong lòng công chúng và đối tác đã vô hình làm mất đi cơ hội “lan tỏa” của doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp hóa 4.0.

Dữ liệu mã hóa truyền thông các doanh nghiệp trong ngành CNTT-VT trong giai đoạn từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020 của Vietnam Report cho thấy, hiện nay đa phần các thông tin về các doanh nghiệp CNTT trên truyền thông chỉ xoay quanh các chủ đề về Khách hàng/Sản phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhất với 26,07%, trong đó, số lượng tin trung tính chiếm 76,1%, tích cực đạt 23,3% và còn lại là tin tiêu cực. Trong nhóm chủ đề khách hàng/sản phẩm, lượng thông tin mã hóa về Sản phẩm/dịch vụ nói chung tiếp tục chiếm tỉ lệ cao nhất với 28,7%, kế đến là các thông tin về Chính sách sản phẩm chiếm vị trí thứ hai với 13,6%, tăng 3 bậc so với năm 2018. Tiếp theo là các chủ đề về Ra mắt sản phẩm mới; Giá cả, chính sách giá cả; Khuyến mại lần lượt chiếm tỉ lệ 10,6%; 9,9% và 8,9%.

Hình 8: Top 5 chủ đề có tỉ lệ thông tin lớn nhất trong nhóm chủ đề Khách hàng/Sản phẩm của ngành CNTT Việt Nam

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media coding các doanh nghiệp CNTT-VT trong giai đoạn từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020

Xét về độ bao phủ thông tin trên truyền thông của các doanh nghiệp công nghệ hầu hết thuộc về các doanh trong lĩnh vực CNTT-VT, nổi bật là những thương hiệu Viettel, MobiFone, VNPT, trong khi tần suất xuất hiện trên truyền thông của các doanh nghiệp phần mềm tích hợp hệ thống là rất thấp, chỉ có doanh nghiệp FSOFT là xuất hiện nhiều nhất trong lĩnh vực này.

Hình 9: Top những doanh nghiệp công nghệ xuất hiện nhiều trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media coding các doanh nghiệp CNTT-VT trong giai đoạn từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020

Khuyến nghị chính sách

Để hỗ trợ tốt nhất cho ngành CNTT-VT có khả năng bộc lộ sức mạnh trong thời kỳ mới, các chuyên gia và doanh nghiệp khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra nhóm 5 giải pháp chính Chính phủ cần ưu tiên đối với các doanh nghiệp ICT.

Hình 10: Top 5 Giải pháp Chính phủ cần ưu tiên

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các Doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2020

Trong đó, Hoàn thiện hệ thống văn bản, pháp lý có liên quan cần được ưu tiên hàng đầu với 68,4% doanh nghiệp phản hồi. Việt Nam được kỳ vọng trở thành điểm đến của các tập đoàn đầu tư nước ngoài khi làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc đang diễn ra, vì vậy Chính phủ cần có những quy định chế tài phù hợp để vừa thu hút các nhà đầu tư từ nước ngoài, vừa bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Công tác nghiên cứu, thử nghiệm tạo ra các sản phẩm công nghệ chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu tài chính doanh nghiệp. Đại dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong khi thị trường công nghệ không ngừng đổi mới, vì vậy tỉ lệ các doanh nghiệp công nghệ mong muốn nhận được các gói trợ cấp, hỗ trợ từ phía Chính phủ và Ngân hàng bằng cách Triển khai giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ưu tiên lĩnh vực CNTT-VT chiếm tới 63,2% ý kiến phản hồi của doanh nghiệp trong ngành.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhân sự có trình độ chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực CNTT khiến các doanh nghiệp công nghệ gặp rất nhiều khó khăn không chỉ về nguồn vốn, vì vậy 53,6% các doanh nghiệp công nghệ cho rằng Chính phủ nên Khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp (start-up) công nghệ số đổi mới, tạo cơ hội cho các hướng đi mới, linh hoạt thích ứng với thị trường. Không những vậy, việc Nâng cấp hạ tầng số quốc gia (47,4%) tạo nền tảng nghiên cứu để Phát triển các sản phẩm ICT trọng điểm, dẫn dắt công nghệ (42,1%) cũng là vấn đề hết sức cấp thiết.

Trước một cơ hội “vàng” của ngành CNTT-VT nói riêng, và sự phát triển tích cực của nền kinh tế quốc gia nói chung, trong thời gian tới, doanh nghiệp CNTT-VT cần cân nhắc để đưa ra chiến lược hài hòa giữa việc tăng trưởng doanh thu và cải thiện uy tín hình ảnh trên truyền thông của doanh nghiệp. Hướng tới tương lai, ngành CNTT-VT Việt Nam sẽ ngày càng tiến xa hơn, song hành cùng sự phát triển của công nghệ trên thế giới.

Danh sách Top 10 Doanh nghiệp uy tín trên truyền thông là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2012, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm, Bất động sản – Xây dựng, Dược, Công nghệ TT - Viễn thông, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp công nghệ được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 06/2019 đến tháng 05/2020. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: Trung lập; Tích cực; Khá tích cực; Không rõ ràng; Khá tiêu cực; Tiêu cực.

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Website: www.toptenvietnam.vn

Vietnam Report

  




Văn bản gốc