Tin tức

Trang chủ » » Công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024

Công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024

08/11/2024

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngày 08/11/2024, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024.

Bảng xếp hạng VNR500 đã bước sang năm thứ 18 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, những doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh kiên cường, vượt qua cơn sóng biến động bất ngờ từ bối cảnh quốc tế, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Bảng xếp hạng VNR500 cũng góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo kết nối với những doanh nhân, học giả, những “guru” hàng đầu thế giới thông qua hàng loạt hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu từ Ban Tổ chức chương trình.

Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2024. Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: www.vnr500.com.vn.

Danh sách 1: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024

Nguồn: Vietnam Report

Danh sách 2: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2024

Nguồn: Vietnam Report

Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2024

Hình 1: Tỷ trọng số doanh nghiệp và tổng doanh thu của 3 lĩnh vực trong bảng xếp hạng VNR500

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 giai đoạn 2021-2024, thực hiện bởi Vietnam Report

Kết quả thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2024 cho thấy, ngành Công nghiệp – Xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế với số lượng doanh nghiệp áp đảo, dù tổng doanh thu có sự giảm nhẹ (-0,7%) so với năm trước. Trong khi đó, ở nhóm ngành Dịch vụ tổng doanh thu được cải thiện tăng 13,7% so với năm trước, đóng góp lớn vào kết quả trên phải kể đến doanh thu từ các doanh nghiệp Tài chính với mức tăng trưởng hơn 23,1% tổng doanh thu so với cùng kỳ. Còn với nhóm ngành Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản do phải đối mặt với những diễn biến khó khăn chưa có đơn hàng mới trong năm 2023 dẫn đến tổng doanh thu cuối năm có sự suy giảm nhẹ (-7,8%) so với năm trước.

Hình 2: Tổng doanh thu và biến động doanh thu một số ngành chính trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2024

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 2023 và 2024, thực hiện bởi Vietnam Report

Về tổng doanh thu một số ngành chính trong bảng xếp hạng, ghi nhận sự gia tăng tổng doanh thu các nhóm ngành Tài chính (+23,1%), Cơ khí (+16,1%), Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (+6,6%), Xây dựng (+6,4%) so với năm trước. Ở chiều ngược lại, sau một năm đạt kết quả ấn tượng thì các nhóm ngành như Bán lẻ (-7,5%), Hóa chất (-7,4%), Khoáng sản (-5,2%), Điện (-4,6%) lại ghi nhận doanh thu không mấy lạc quan trong năm 2023 do nhu cầu tiêu dùng yếu đi, xuất khẩu hàng hóa chững lại.

Hình 3: ROA, ROE, ROS của các doanh nghiệp VNR500 trong 4 năm qua

Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 giai đoạn 2021-2024, thực hiện bởi Vietnam Report

Xét về các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 2024, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) có chiều hướng giảm, lần lượt giảm 0,7% và 2,0% so với năm trước xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng. Trong đó, khu vực vốn nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu tốt hơn so với hai khu vực còn lại. Cùng chung xu hướng với ROA, ROE, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,2% xét trên tổng thể, trong đó khu vực Nhà nước và Tư nhân có chung xu hướng giảm lần lượt 1,9%, và 2,4%, khu vực FDI ghi nhận tăng 0,1% so với năm trước.

“Hừng đông” đến với doanh nghiệp Việt

Năm 2024 được coi là năm bản lề quan trọng cho mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025, cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đồng lòng, chung sức vượt qua những “cơn gió ngược” – từ kinh tế tăng trưởng chậm, bất ổn địa chính trị, và lạm phát leo thang sau thời gian dài dịch bệnh…

Ở góc độ vĩ mô, GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 6,82%, cao hơn nhiều so với 4,40% cùng kỳ năm 2023 và tương đồng với mức tăng trưởng cùng kỳ của những năm trước đại dịch. Sự chuyển mình ấn tượng trên là cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%. Trong 10 tháng năm 2024, nguồn vốn FDI đăng ký mới và đăng ký điều chỉnh tăng 14,3% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8%; khách quốc tế trên 14,1 triệu người, tăng vượt bậc 41,3% so với cùng kỳ. Đó là hàng loạt những con số ấn tượng cho thấy ánh hừng đông của nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Hình 4: Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023-2024

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 10/2023-2024

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng lên trong doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng được cải thiện rõ rệt so với kết quả khảo sát được ghi nhận trong năm trước đó. Sự thay đổi trong lợi nhuận của doanh nghiệp không chỉ do doanh thu tăng mà còn nhờ tổng chi phí giảm. Hơn nữa, tỷ lệ doanh nghiệp có mức tăng lên đáng kể về doanh thu và lợi nhuận chiếm lần lượt 7,7% và 10,5%, cao hơn nhiều so với mức chưa đầy 5% của năm trước đó.

“Cơn gió ngược” chưa tan

Điểm lại những khó khăn lớn trong năm 2024, xét theo tỷ lệ lựa chọn, top 5 khó khăn theo đánh của doanh nghiệp bao gồm: Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới (77,2%), Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành (74,3%), Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng (57,1%), Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm (51,4%), Các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, logistics, phân phối (40,0%).

Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang pha phục hồi trong năm 2024, nhưng trên thế giới, những bất ổn địa chính trị vẫn còn đó, thậm chí có chiều hướng gia tăng thêm. Hai cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine và Gaza có diễn biến phức tạp và chưa có hồi kết, đưa đời sống người dân vào thế mong manh và ảnh hưởng lan tỏa đến kinh tế của các quốc gia/ khu vực khác. Cả Nga và Trung Đông hiện là trung tâm sản xuất dầu mỏ, khí đốt của thế giới và những bất ổn do xung đột vũ trang đều ảnh hưởng tới giá năng lượng. Chuỗi cung ứng quốc tế cũng mới có thời gian ngắn phục hồi sau đại dịch và giờ lại bị gián đoạn bởi những lệnh cấm vận, gián đoạn những tuyến đường vận chuyển qua khu vực biển Đỏ, khiến các chuyến tàu phải định lại hải trình qua mũi Hảo Vọng, kéo dài thời gian và đẩy giá cước vận chuyển lên cao.

Hình 5: Một số khó khăn ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong năm 2024

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 10/2024

Trải qua thời gian lạm phát toàn cầu kéo dài đã đưa giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất kinh doanh lên mức cao, kết hợp những vấn đề về chuỗi cung ứng, yếu tố giá nguyên vật liệu vẫn duy trì trong top 5 khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, yếu tố giá cả sẽ trở lại trạng thái cân bằng khi cả Việt Nam và các quốc gia khác đều nỗ lực kiềm chế lạm phát. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu năm 2024 được dự báo sẽ giảm xuống mức 5,8%, từ mức 6,7% của năm 2023, và Việt Nam vẫn luôn ổn định ở mức thấp dưới 4%.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Bỏ qua mức nền thấp của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong báo cáo tháng 10/2024, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu tương đối phẳng – giảm từ 3,3% trong năm 2023 xuống 3,2% trong năm 2024 và 2025. Với mức tăng trưởng toàn cầu chưa bứt phá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khó có thể kiến tạo mức tăng lớn hàng năm.

Những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng cả ở mức độ tác động và tần suất. Gần đây, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi, làm hư hại cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại ước tính hơn 80 nghìn tỷ đồng. Với những rủi ro tiềm tàng do thiên tai, các doanh nghiệp phải đặt ra mục tiêu cụ thể hơn cho các giải pháp quản trị từ bảo hiểm vật chất, mối quan hệ với các bên và hình ảnh thương hiệu cũng như uy tín với các bên cung ứng, khách hàng và nhà đầu tư.

Chính sách tiếp sức doanh nghiệp Việt

Năm 2024 ghi nhận những thành quả từ những chính sách ổn định thị trường của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiếp sức cho doanh nghiệp Việt vững vàng, ngày một lớn mạnh, đưa Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn ngoại. Để tiếp tục thúc đẩy đà phát triển này, các doanh nghiệp kiến nghị một số giải pháp trọng tâm: (1) Tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí hoặc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp; (2) Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; (3) Rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; (4) Cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng logistics; (5) Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại (Hình 6).

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng những chính sách hỗ trợ, gói kích thích, miễn giảm hoặc gia hạn nộp thuế tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Theo Bộ Tài chính, 9 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ, bội thu gần 192 nghìn tỷ đồng. Mức bội thu ngân sách tạo dư địa để các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai/tiếp tục gia hạn. Gần đây, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi bão Yagi, Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo miễn giảm, gia hạn tiền thuế từ 1-2 năm tùy từng trường hợp chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, các chính sách giảm 2% VAT, các gói lãi suất ưu đãi được hy vọng tiếp tục triển khai, đây được coi là những giải pháp có tác động nhanh chóng để doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, có điều kiện đầu tư thêm vào nghiên cứu phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ nền kinh tế trên đà phục hồi.

Hình 6: Top 5 kiến nghị của doanh nghiệp với Chính phủ

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 10/2024

Về vấn đề ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đây là được coi là thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới có nhiều biến động. Đầu tiên là đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về cả đối nội và đối ngoại, một di sản được kế thừa và phát huy qua nhiều nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo, xây dựng một Việt Nam với chính trị ổn định, là bạn và cùng phát triển với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, ngày một phồn vinh cho tất cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Sau nền chính trị ổn định là chính sách điều hành và can thiệp nhanh chóng nhằm duy trì thị trường tài chính lành mạnh, tỷ giá ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report kỳ vọng những giá trị tư tưởng luôn được phát huy, chính sách tiền tệ và tài khóa luôn được phối hợp để môi trường vĩ mô ổn định, tỷ giá, lạm phát được kiểm soát.

Cùng với ổn định vĩ mô, doanh nghiệp tiếp tục mong muốn thủ tục hành chính và các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được rà soát, cắt giảm. Điều này cũng đồng nhất với chủ trương tháo gỡ một số vấn đề trong thủ tục hành chính của Chính phủ như: (1) Sự chồng chéo, mâu thuẫn tại một số văn bản quy phạm pháp luật; (2) Quy trình giải quyết thủ tục hành chính còn phức tạp; (3) Tình trạng tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số theo quyết định số 942/QĐ-TTg đã trải qua bốn năm triển khai trên lộ trình 2021-2025. Cùng với những chỉ đạo sát sao về cắt giảm, đơn giả của thủ tục hành chính đã có những kết quả đáng ghi nhận và vẫn cần nhiều cố gắng hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong đăng ký kinh doanh cũng như các thủ tục hành chính đi kèm.

Tiếp theo là về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng logistics. Giải ngân đầu tư công 10 tháng năm 2024 ước đạt 495,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, vẫn còn lượng lớn ngân sách cần giải ngân để hoàn thành mục tiêu 95% nguồn vốn được giải ngân so với kế hoạch cả năm đã đề ra. Do đó, cơ sở hạ tầng sẽ còn có thể hoàn thiện hơn nữa trong điều kiện dòng vốn đầu tư được giải ngân kịp thời, đồng thời cần giải quyết những vấn đề liên quan như giải phóng mặt bằng, đền bù cũng như di dời người dân sang khu tái định cư… Những dự án hạ tầng giao thông nổi bật như cao tốc, đường sắt Bắc Nam, sân bay Long Thành, mở rộng các đường vành đai khu vực trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai để có thể đưa vào khai thác toàn tuyến kịp tiến độ, xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liền mạch, rút ngắn thời gian vận chuyển và ngày càng mở rộng khu công nghiệp xoay quanh các tuyến đường.

Cuối cùng là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Việc Việt Nam thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI cũng như tham gia nhiều hơn vào các FTA và đưa mức độ hợp tác lên đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế phát triển là bước tiến quan trọng trong xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu và hiện diện nhiều hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi lẽ, thị trường xuất khẩu là nơi các doanh nghiệp Việt luôn muốn hướng tới nhằm tận dụng lợi thế từ thuế quan FTA ưu đãi, cũng như lợi thế từ chênh lệch tỷ giá của tiền đồng so với những đồng tiền khác. Tìm được đầu ra tiềm năng sẽ là lời giải cuối cùng cho bài toán thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới từ góc nhìn các doanh nghiệp VNR500

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới từ góc nhìn các doanh nghiệp VNR500.

Công nghệ thông tin/ Viễn thông đã bước sang năm thứ ba liên tiếp được bình chọn là ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới, với tỷ lệ 64,7% doanh nghiệp bình chọn theo khảo sát của Vietnam Report. Công cuộc chuyển đổi số, kỷ nguyên AI khai sáng và Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển mới, trong đó kinh tế số được định hướng là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 118 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 17,78% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ số đóng góp đáng kể với doanh thu 6,64 tỷ USD, tăng 9,86%. Điều này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng số vào mọi lĩnh vực, từ tài chính, bán lẻ đến giáo dục, y tế. Xu hướng này không chỉ thu hút đầu tư trong nước mà còn tạo sức hút lớn đối với các tập đoàn công nghệ quốc tế, thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, đặc biệt là các chính sách ưu đãi đầu tư và các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đang tạo động lực lớn cho ngành này. Với tầm nhìn xây dựng Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực ASEAN, ngành Công nghệ thông tin/ Viễn thông được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế quốc gia.

Hình 7: Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn trong 12 tháng tới

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 10/2024

Vận tải/ Logistics là mảnh ghép quan trọng của chuỗi cung ứng và gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh. Bối cảnh kinh tế phục hồi sẽ là điều kiện quan trọng để nhận định Vận tải/ Logistics đứng thứ hai trong các ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất, với tỷ lệ 41,2% doanh nghiệp bình chọn trong khảo sát của Vietnam Report. Tính chung 10 tháng năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 2.176,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 443,3 tỷ tấn.km, tăng 11,0%. Khối lượng hàng hóa đi qua cảng 8 tháng 2024 đạt 570 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ. Việc gia tăng lưu lượng vận tải kéo theo nhu cầu cải thiện hạ tầng logistics như cảng biển, kho bãi, dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường thủy và hàng không. Đồng thời, các giải pháp số hóa trong quản lý chuỗi cung ứng, như ứng dụng công nghệ quản lý kho hàng tự động, tối ưu hóa lộ trình vận tải, cũng đang được áp dụng rộng rãi, góp phần tăng hiệu quả hoạt động và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, xu hướng tăng cường liên kết thương mại quốc tế cũng tạo động lực lớn cho ngành này. Các hiệp định thương mại tự do giúp thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường ra nước ngoài, từ đó tăng cường nhu cầu về dịch vụ logistics. Đặc biệt, việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của chính phủ, được kỳ vọng sẽ giúp ngành này duy trì đà tăng trưởng và là một trong những mảng quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ngành Điện/ Năng lượng đóng vai trò thiết yếu, cung cấp nguồn lực vận hành cho nền kinh tế. Với nhu cầu năng lượng tăng nhanh, ngành này được xếp ở vị trí tiềm năng tăng trưởng thứ ba trong 12 tháng tới. Xu hướng phát triển bền vững và cam kết giảm phát thải của Việt Nam đã thúc đẩy sự chuyển đổi sang năng lượng xanh như điện mặt trời, điện gió, và thủy điện. Năng lượng tái tạo không chỉ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao khi các khu công nghiệp và đô thị mở rộng. Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi cho điện tái tạo và thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng lưới điện, giúp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý hệ thống điện, như lưu trữ và quản lý tiêu thụ năng lượng, giúp tối ưu hóa hiệu quả và ổn định nguồn cung. Ngành Điện/ Năng lượng, nhờ đó, được kỳ vọng sẽ là một trong những trụ cột phát triển của Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và sự cạnh tranh quốc gia.

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng, là năm ghi dấu các doanh nghiệp trụ vững và thích nghi sau giai đoạn khó khăn, đạt được thành quả đáng khích lệ và góp phần thúc đẩy đà phục hồi kinh tế. Sự kiên trì và đổi mới trong hoạt động kinh doanh không chỉ giúp các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch mà còn đóng góp thiết thực vào nỗ lực đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cả năm dự kiến đạt hoặc trên 7%. Đây là nền tảng vững chắc, tạo tiền đề cho các bước phát triển vượt bậc trong năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Những nỗ lực của doanh nghiệp xứng đáng được ghi nhận và vinh danh, nhằm lan tỏa động lực tích cực, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

 

Vietnam Report 

  




Văn bản gốc