Tin tức

Trang chủ » » Công nghệ sẽ giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình

Công nghệ sẽ giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình

09/05/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Sau 30 năm lắp ráp, đến nay Việt Nam cần có sự thay đổi để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Công nghệ trong giai đoạn hiện nay đang tạo ra những đóng góp lớn cho cả nền kinh tế và đời sống tại Việt Nam. Bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ mới.
 
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam diễn ra vào sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình”.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu là những vấn đề Việt Nam đang gặp phải. Công nghệ có thể giải những bài toán này của Việt Nam một cách hiệu quả.
 
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB tại Việt Nam thì cho rằng: “Việt Nam mới trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình từ 2010 và còn quá sớm để nói rằng Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình nhưng lúc này cần có những chính sách để tạo ra thu nhập cao hơn, tăng năng suất lao động".
 
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chuẩn bị tốt cho giai đoạn thoát bẫy thu nhập trung bình. Cách chuẩn bị tốt là thật hiểu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng công nghệ để tạo ra một nền kinh tế số.
 
Đại diện ADB đưa ra đề xuất với Chính phủ, đầu tư vào công nghệ và đổi mới, đầu tư cho giáo dục và kỹ năng, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo môi trường pháp lý cho cạnh tranh và theo đuổi mục tiêu chính phủ điện tử. 
 
Giáo sư Youngrak Choi, đại diện Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc đưa ra ví dụ của nước này. Theo đó Hàn Quốc đã chuyển mình từ quốc gia nhập khẩu công nghệ thành cường quốc đi đầu về công nghệ.
 
Tại đây họ có đủ nguồn lực từ các kỹ sư cho đến các chuyên gia nghiên cứu phát triển. Các cơ sở nghiên cứu có đủ năng lực cạnh tranh, có từ đại học, viện nghiên cứu sau đại học, doanh nghiệp tư nhân. 
 
Hàn Quốc cũng đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh như Samsung, LG, Hyundai… và các doanh nghiệp này đều có năng lực chế tạo và làm chủ phương thức sản xuất. 
 
Giáo sư Youngrak Choi cũng đưa ra kiến nghị cho Chính phủ Việt Nam. đó là chính phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ về mặt chính sách cho việc phát triển khoa học công nghệ, đầu tư mạnh hơn cho nghiên cứu, phát triển và nguồn nhân lực. 
 
Bên cạnh đó cũng cần có một quyết tâm cao độ, đã lên kế hoạch là phải thực hiện. Khuyến khích mạo hiểm vượt qua khó khăn. 
 
Chính phủ cần có quan điểm cần phải kết hợp giữa chính phủ mạnh và các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời cần duy trì động lực tăng trưởng lâu dài thay vì lợi nhuận trong ngắn hạn.
 
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, công nghệ là nhân tố chính đưa Việt Nam thành nước phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình. Muốn thoát bẫy cần làm chủ được công nghệ và hoàn thiện quản lý.
 
Thủ tướng đưa ra ý kiến: "Trong tương lai, nước ta không chỉ hấp thụ, làm chủ công nghệ mà cần phát minh, sáng chế công nghệ; dùng công nghệ nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, từ đó vươn ra giải quyết bài toàn toàn cầu”.
 
Việt Nam có ưu điểm là số người dùng Internet cao, thời gian qua đã xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều doanh nghiệp phát triển công nghệ thông tin. Sau 30 năm lắp ráp, Việt Nam có đủ điều kiện để sáng tạo công nghệ, cần xây dựng và tuyên bố dứt khoát chiến lược để trở thành doanh nghiệp công nghệ.
 
Chính phủ sẽ cùng các bộ liên quan sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. 
 
Ông cũng đồng ý với chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ sáng tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, cần đổi mới giáo dục để nâng cao năng lực tiếp cận. Chính phủ sẽ đưa các vấn đề cụ thể như liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm.
Tùng Linh
Theo Bizlive
  




Văn bản gốc