Cung-cầu ngành đường tiếp tục căng thẳng trong niên vụ mới
Nối tiếp tình trạng nguồn cung giảm, giá đường tăng cao trong niên vụ 2015-2016, dự kiến trong niên vụ 2016-2017, tình trạng cung-cầu ngành đường vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng.
Theo Bộ NN&PTNT: Trong vụ sản xuất mía đường 2015-2016, cả nước có 41 nhà máy đường hoạt động. Sản lượng đường sản xuất được đạt trên 1,2 triệu tấn, giảm 12,73% so với vụ trước. Đây là năm thứ 2 liên tiếp giảm sản lượng đường.
Vụ sản xuất 2015-2016, giá mua mía 10 CCS tại ruộng khoảng 850.000-950.000 đồng/tấn, tăng so với vụ trước khoảng 100.000-150.000 đồng/tấn. Trong khi đó, giá đường cũng có sự biến động phức tạp. Hiện tại, giá đường tăng khoảng 3.500 -4.500 đồng/kg so với vụ trước.
Đại diện Bộ NN&PTNT đánh giá: Giá đường tăng xuất phát từ việc thiếu hụt mía nguyên liệu, dẫn tới giảm sản lượng. Bên cạnh đó, giá cả đầu vào như vật tư nông nghiệp, chi phí hỗ trợ nông dân, nhân công… tăng cũng góp phần làm tăng giá đường. Ngoài ra, nguyên nhân một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thương mại găm hàng dẫn đến đẩy giá đường lên cao cũng được đề cập tới.
Trong vụ 2016-2017, theo báo cáo tổng hợp từ các nhà máy đường trên cả nước, tổng diện tích các nhà máy có ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là 239.100 ha. Sản lượng ép mía là 13,72 triệu tấn. Sản lượng đường đạt 1,52 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 800.000 tấn.
Bộ NN&PTNT nhận định, trong bối cảnh thị trường thế giới tiếp tục thiếu hụt đường, chủ yếu do hiện tượng El Nino gây thiệt hại cho trồng trọt, niên vụ 2016-2017, tình hình cung-cầu và giá đường trong nước dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng.
Do đó, các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho các nhà máy, đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ phát triển vùng nguyên liệu nhằm tăng năng suất, chất lượng để đáp ứng nhu cầu đường trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thực hiện các biện pháp đồng bộ trong tổ chức sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Theo Báo Hải Quan