Cuộc chiến ví điện tử: Cờ sẽ về tay ai?
Ra đời chưa lâu và đã có một vài thương hiệu "chết lâm sàng" nhưng sự có mặt của ví điện tử đã góp phần hoàn thiện dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. Giới đầu tư nhìn thấy ở dịch vụ trung gian thanh toán tiềm năng tăng trưởng đột biến và nhiều hứa hẹn, đặc biệt trong một thị trường như Việt Nam.
Dịch vụ bùng nổ nhanh chóng
Xuất hiện ở Việt Nam từ 2008 nhưng mãi đến năm 2012, ví điện tử mới được coi là một dịch vụ trung gian thanh toán bên cạnh các loại hình khác như thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử. Thanh toán điện tử dù mới chiếm 5% trong tổng số 4 tỉ USD của thương mại điện tử nhưng đang hứa hẹn tạo nên một thị trường có tốc độ tăng trưởng đột biến. Nhiều doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn tiến thêm vào lĩnh vực trung gian thanh toán. Chưa đầy 1 năm, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 16 đơn vị. Đa số các công ty đã đăng ký thực hiện cả 4 nghiệp vụ liên quan như: cổng thanh toán điện tử; thu chi hộ, chuyển tiền điện tử và dịch vụ ví điện tử.
Điển hình như dịch vụ ví FPT, ngân hàng Nhà nước đã trao giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho Công ty TNHH Ví FPT thuộc Tập đoàn FPT. Với giấy phép này, Ví FPT có quyền triển khai các dịch vụ trung gian thanh toán, như dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ ví điện tử cho người dùng.
Một công ty khác đó là cổng thanh toán điện tử VTC Pay, VTC Pay là giải pháp thanh toán điện tử được công ty VTC Intecom nghiên cứu và phát triển từ năm 2009. Sau 7 năm hoạt động, VTC Pay đã xây dựng thành công hệ thống thanh toán với 31 ngân hàng nội địa và 3 tổ chức thanh toán quốc tế là Visa, MasterCard và JCB.
Cổng 123Pay cũng được nhiều doanh nghiệp và người dùng tin cậy. Trong giai đoạn thử nghiệm, 123Pay đã có hơn 200 đối tác là các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) tiêu biểu trong và ngoài nước như Lazada, Vietravel, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Galaxy Cinema, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh,…và được hàng chục triệu người tiêu dùng lựa chọn. Hay như ví điện tử MôM, được cấp phép vào tháng 10/2015, Ví điện tử MoMo là ứng dụng trên điện thoại thông minh, cung cấp cho khách hàng trải nghiệm thanh toán một chạm (one touch payment) với hơn 100 dịch vụ tiện ích, bao gồm chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thu - chi hộ và thương mại trên di động.
Cờ sẽ về tay ai ?
Với thế mạnh và chiến lược riêng, đặt trong bối cảnh thanh toán trực tuyến đang có nhiều cơ hội bùng nổ, mỗi doanh nghiệp trung gian thanh toán đều có ưu thế cạnh tranh. Đặc biệt, các công ty hiện không e ngại phải cạnh tranh, kể cả với ngân hàng. Bởi ngân hàng chỉ cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình, trong khi phạm vi hoạt động của các công ty trung gian thanh toán đa dạng hơn. Báo cáo từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, việc sử dụng các hình thức chi trả trực tuyến như thẻ tín dụng, ví điện tử đang ngày càng tăng. Đặc biệt trong những năm gần đây, khi thu nhập của người dân tăng lên, nhu cầu mua sắm, du lịch cũng ngày càng phát triển, việc thanh toán sẽ ngày càng đòi hỏi tiện lợi, nhanh chóng và an toàn.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tham gia lĩnh vực này đòi hỏi các công ty phải đáp ứng được nhiều yêu cầu như khả năng kết nối cao (với ngân hàng, các công ty viễn thông, công ty điện, nước, cơ sở công quyền (kho bạc, thuế...), bệnh viện, trường học, các hãng vận tải...). Ngoài ra, phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật để bảo mật thông tin và cho phép thanh toán trên nhiều phương tiện (máy tính, điện thoại di động), thông qua nhiều kênh giao dịch khác nhau (Internet Banking, SMS/Mobile Banking, thẻ thanh toán...).
Hương Mai
Tổng hợp