Tin tức

Trang chủ » » DN điện tử nội địa lép vế hoàn toàn trước DN FDI

DN điện tử nội địa lép vế hoàn toàn trước DN FDI

30/09/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngành điện tử là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, thu hút lượng lớn lao động và mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước. Nhưng ngành này cũng cho thấy sự thiếu bền vững và được ví như “lâu đài cát” khi phần lớn miếng bánh thuộc về doanh nghiệp FDI.

Tại buổi hội thảo liên quan tới lĩnh vực lao động trong ngành điện tử trong bối cảnh hội nhập do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 29-9 tại Hà Nội, ông Rene Robert, chuyên gia ILO Bangkok, cho biết trong ngành điện tử Việt Nam, số lượng công nhân đã tăng hơn 7 lần, từ 46.000 năm 2005 lên hơn 325.000 công nhân năm 2013.

Đây là ngành công nghiệp mà các doanh nghiệp FDI có đóng góp chủ đạo. 99/100 doanh nghiệp lớn nhất là các doanh nghiệp FDI, chỉ duy nhất một doanh nghiệp còn lại đứng thứ 100 là doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Rene Robert, lao động trong ngành này là lao động kỹ năng thấp, lắp ráp hàng loạt. Các doanh nghiệp FDI lựa chọn Việt Nam để đầu tư chủ yếu do nhân công rẻ và dồi dào. Đa phần lao động trong các doanh nghiệp điện tử là nữ và còn rất trẻ, chiếm gần 80%.

Ngược lại với quy mô của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp điện tử trong nước có quy mô rất nhỏ, trung bình chỉ 24 nhân công so với con số gần 630 nhân công ở các doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng 4% tổng số việc làm trong ngành này. Đồng thời, các doanh nghiệp điện tử trong nước cũng thiếu sự hội nhập với thế giới hơn so với doanh nghiệp FDI nên hiệu quả kinh tế bị giới hạn.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho hay các doanh nghiệp FDI vào nước ta chỉ sử dụng lao động giá rẻ, trình độ thấp, lắp ráp là chủ yếu, ngay cả Samsung cũng vậy. Đây là công đoạn thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành điện tử trên thế giới.

“Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam ngày càng nhỏ và yếu đi so với các doanh nghiệp điện tử nước ngoài; đang có xu hướng thôn tính của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử và dần lan sang cả lĩnh vực dệt may. Đây là vấn đề cần suy nghĩ”, ông Huân nói.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, ngành điện tử là ví dụ về sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên sự phát triển về số lượng này lại không đi kèm với chất lượng. Điều này được biểu hiện qua những đặc điểm như đây là ngành gia công, lắp ráp; thế độc chiếm của doanh nghiệp FDI; lao động tay nghề thấp, chủ yếu sử dụng lao động nữ và trẻ; không có khả năng kết nối giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI…

Ngành điện tử Việt Nam đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không thể cạnh tranh với xu thế tự động hóa của các nước phát triển và cũng không thể cạnh tranh về nhân công giá rẻ với các nền kinh tế mới nổi như Lào, Myanmar hay Bangladesh.

Về góc độ lao động, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp điện tử FDI bề ngoài rất hoành tráng, môi trường làm việc sạch, vô trùng, có điều hòa… nhưng thực tế người lao động rất vất vả về thời giờ làm việc, điều kiện lao động, căng thẳng đầu óc với các chi tiết linh kiện rất nhỏ. Sau giờ làm việc, công nhân ra về mệt mỏi hơn cả lao động cơ bắp. Do đó, thời gian làm việc của người lao động trong ngành này chỉ kéo dài trong 10 năm, ngoài 30 tuổi là bị đào thải…

Trúc Diễm

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

  




Văn bản gốc