Đầu năm, các ngân hàng ồ ạt đẩy vốn ra thị trường
Không chỉ có các ngân hàng lớn mà ngân hàng nhỏ, thậm chí là ngân hàng “0 đồng” cũng đua đẩy vốn ra thị trường.
Những năm trước, dòng vốn tín dụng phục vụ thị trường thường rất hạn chế dịp đầu năm dương lịch, một phần vì các ngân hàng cần tiền để đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng cao trước Tết Nguyên đán (chi trả lương, thưởng…), phần khác vì doanh nghiệp cũng chưa mặn mà, họ thường đợi đến khoảng cuối quý 1 đầu quý 2 mới vay vốn.
Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng triển khai tín dụng trải đều ra các tháng chứ không tập trung vào cuối năm như trước đây. Chính vì vậy tín dụng đã có những bước tăng trưởng khá ngay từ đầu và luôn hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Thậm chí như năm 2016 vừa qua có những ngân hàng đẩy vốn sớm, đến hết quý 2 đã gần như cạn “room”, phải xin thêm quota từ NHNN.
Năm nay cũng không là ngoại lệ, ngay từ đầu năm các ngân hàng đã ồ ạt tung vốn ra thị trường. Do áp lực cạnh tranh tìm kiếm khách hàng nên các ngân hàng không những tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân có nhiều cơ hội tiếp cận vốn hơn mà còn đưa ra các chương trình lãi suất hấp dẫn, cả với các lĩnh vực ưu tiên lẫn vay thương mại thông thường.
Mới đây, ngân hàng Sacombank cho biết đã ký kết với NHNN chi nhánh TP.HCM và Sở công thương về gói tín dụng tới 3.000 tỷ đồng, lãi suất 6,9%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 9%/năm đối với vay trung và dài hạn cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp nông thôn tại 24 quận huyện trên địa bàn.
Ngân hàng ACB thì đưa ra tổng hạn mức lên đến 4.000 tỷ đồng và lãi suất ưu đãi từ 7%/năm để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay nhằm giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh mùa vụ mới và chủ động vốn để yên tâm phát triển kinh doanh. Các khoản vay áp dụng đối với các hồ sơ vay từ 12 tháng trở xuống, giải ngân trong khoảng thời gian từ 03/01/ 2017 – 28/02/2017, thời gian giải ngân nhanh chóng, phương thức trả nợ linh hoạt. Với khách hàng cá nhân, ngân hàng này dành 6.000 tỷ để cho vay, nếu giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2017 thì lãi suất chỉ 7,5%/năm.
Đáng chú ý, không chỉ có các ngân hàng lớn mà ngân hàng nhỏ, thậm chí là ngân hàng “0 đồng” cũng đua đẩy vốn ra thị trường.
Ngân hàng PVcomBank cho biết sẽ dành gần 10.000 tỷ đồng cho vay trong cả năm 2017 với lãi suất từ 6,8%/năm, dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà đất thông thường, vay mua nhà dự án, vay mua ô tô, vay kinh doanh và vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo.
Còn công bố của Ngân hàng Xây dựng (CBBank) thì cho biết từ 1/1/2017, ngân hàng này cũng ra mắt gói sản phẩm cho vay với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, tập trung cho nhóm khách hàng bán lẻ là cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ. Các gói sản phẩm cho vay xây dựng, mua nhà, đất, cho vay mua ô tô cũng được ngân hàng tiếp tục triển khai.
Theo lãnh đạo CBBank, từ khi được chuyển đổi mô hình sang ngân hàng một thành viên do NHNN sở hữu 100% vốn, ngân hàng đã thay đổi đáng kể và đang hoạt động ngày một tốt hơn. Năm 2017, điểm nhấn của ngân hàng là toàn hệ thống tập trung toàn lực cho hoạt động cấp tín dụng, tuy nhiên việc cấp tín dụng sẽ được triển khai một cách an toàn, quản trị được rủi ro từ khâu thẩm định, định giá cấp tín dụng cho đến tác nghiệp trên hệ thống. Đồng thời với đó, ngân hàng vẫn tiếp tục chú trọng vào xử lý các món nợ xấu cũ.
Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp với chủ đề năm 2017 “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp”. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, riêng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được yêu cầu điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao,... Giữ ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn. |
Ngọc Toàn
Theo Tri thức trẻ